PGS.,TS. Nguyễn Anh Phong – Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh:
Nên xem xét đánh thuế thu nhập lũy tiến theo thu nhập hoặc theo giá trị giao dịch
Thời gian gần đây, xuất hiện hiện tượng trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản (BĐS), khi các đối tượng thường dùng các thủ đoạn, chiêu trò như thực hiện chuyển nhượng BĐS với giá thể hiện trên hợp đồng không đúng với giá thực tế giao dịch. Tạp chí điện tử Tài chính đã có cuộc phỏng vấn PGS.,TS. Nguyễn Anh Phong – Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh để trao đổi rõ hơn về vấn đề này.
Phóng viên: Tình trạng trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS đã xảy ra một thời gian khá dài. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
PGS.,TS. Nguyễn Anh Phong: Trước hết, chúng ta hãy xem một vài con số thống kê gần đây như sau: Nếu tính phần đóng góp của thị trường BĐS trong GDP năm 2019 là 7,62%, chưa kể đến BĐS gián tiếp trong ngành Xây dựng thì phần trăm đóng góp của lĩnh vực này cũng khoảng 10,49% GDP, nếu tính thêm nhân tố vốn là đất, đóng góp của BĐS chiếm tới 13,6% GDP.
Trong khi đóng góp ngân sách bao gồm toàn bộ cả thuế và các loại phí từ BĐS chỉ chiếm khoảng 4%/GDP. Các con số này cho thấy giữa tăng trưởng, đóng góp thu nhập với đóng góp ngân sách chưa tương xứng.
Một trong những nguyên nhất đó là nạn trốn tránh thuế thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng BĐS đã nhiều năm qua. Tôi cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ cả cơ chế pháp lý, người thi hành và người tham gia thị trường.
Trước hết, về mặt pháp lý, chúng ta đang bị “hổng” trong việc xây dựng khung giá đất chuẩn ở các tỉnh, thành, trong khi khung giá này chủ yếu áp dụng trong đền bù, giải tỏa. Nhưng chúng được sử dụng để tham chiếu khi tính thuế mặc dù ai cũng biết giữa giá theo khung nhà nước với giá thị trường chênh nhau rất lớn. Ngoài ra, cũng chưa có quy định trường hợp nào nghi ngờ khi so sánh có sự chênh lệch giá để tiến hành xác minh, điều tra hay tính thuế lại. Về cách tính thuế hiện nay cũng bất cập khi tính bằng 2% x giá giao dịch (thường là giá theo khung).
Thứ hai, về phía thực thi là cơ quan quản lý cũng chưa có cơ chế nào hướng dẫn khi phát hiện chênh lệch giá giao dịch, hoặc tính trách nhiệm gây ra thất thu thuế này ai sẽ chịu trách nhiệm...
Thứ ba, những người tham gia thị trường mặc dù có sàn giao dịch, nhưng hiện các giao dịch giao tay, giao dịch không qua sàn giao dịch, không minh bạch về thông tin pháp lý cũng như giá cả của nhà đất, ngoài gây thất thoát ngân sách, còn gây rủi ro cho người mua và người bán.
Phóng viên: Những khó khăn, thách thức trong việc kiểm soát các giao dịch BĐS nói chung và hạn chế nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng BĐS là gì, thưa ông?
PGS.,TS. Nguyễn Anh Phong: Từ các nguyên nhân vừa nêu, theo tôi, khó khăn lớn nhất chính là xác định được giá trị giao dịch thật và mạnh dạn thay đổi khung giá nhà nước ban hành theo quy định làm căn cứ tính thuế.
Người mua, bán, các phòng công chứng, cơ quan tính thuế hiện đều dựa vào khung giá này làm giá tham chiếu tính thuế, miễn sao giá công chứng không thấp hơn khung giá là chấp nhận. Chẳng hạn, bảng khung giá đất cao nhất tại TP. Hồ Chí Minh khoảng 200 triệu đồng/m2, trong khi giá giao dịch thật của nó gấp 10-20 lần.
Phóng viên: Để hạn chế tình trạng trốn tránh nghĩa vụ thuế, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, theo ông cần có biện pháp gì?
PGS.,TS. Nguyễn Anh Phong: Như tôi vừa đề cập, việc trước hết là cần thay đổi khung giá nhà đất do chính quyền địa phương ban hành, cần nói rõ là khung giá này nhằm mục đích gì, và nếu sử dụng tham chiếu tính thuế thì cần có điều kiện gì? Hệ số điều chỉnh thế nào để tiệm cận với giá thực mà các bên giao dịch.
Tiếp đó, cơ quan nhà đất, cơ quan thuế cần xây dựng bộ dữ liệu lớn trong giao dịch, kết hợp với áp dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo để so khóp giá rao bán trên thị trường hay giá giao dịch qua sàn (nếu bắt buộc giao dịch qua sàn) để phát hiện ngay các giao dịch bất thường, nghi ngờ có căn cứ khoa học, từ đó cơ quan quản lý thuế yêu cầu giải trình hoặc chuyển cơ quan điều tra nếu gian lận quy mô lớn và thường thuyên.
Ngoài ra, có lẽ đến lúc cũng nên xem xét lại cách tính thuế 2% trong chuyển nhượng BĐS. Nên chăng đề xuất xem xét đánh thuế thu nhập lũy tiến theo thu nhập hoặc theo giá trị giao dịch đảm bảo tính công bằng, tránh đầu cơ nhà đất...
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!