Nga bất ngờ chủ động giãn nợ cho Ukraine

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Nga đã bất ngờ chủ động đề xuất tái cơ cấu khoản nợ 3 tỷ USD trái phiếu của Ukraine, thay vì kiên quyết yêu cầu Kiev phải trả đủ cả gốc lẫn lãi trong tháng 12/2015 như trước đây, song Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cần đứng ra bảo lãnh.

Tổng thống Nga Putin sẵn sàng gia hạn nợ cho Ukraine.
Tổng thống Nga Putin sẵn sàng gia hạn nợ cho Ukraine.

Động thái này thắp lên tia hy vọng rằng Nga và Ukraine có thể tránh được một cuộc đối đầu pháp lý xung quanh khoản nợ trên, sau khi Nga từ chối tham gia thỏa thuận tái cơ cấu 18 tỷ USD giữa Kiev và các chủ nợ khác cách đây 1 tháng.

“Hào phóng”hơn cả IMF

Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẵn sàng gia hạn nợ cho Ukraine theo hình thức mỗi năm trả 1 tỷ USD, tính từ năm 2016 đến năm 2018 và Ukraine không cần phải thanh toán khoản nào trong năm nay, tức là còn “hào phóng” hơn cả gợi ý gia hạn 1 năm của IMF.

“Chúng tôi không những đồng ý tái cơ cấu nợ cho Ukraine mà còn đưa ra điều kiện tốt hơn so với những gì IMF đề xuất. Nếu các đối tác tin rằng mức độ tín nhiệm của Ukraine sẽ được cải thiện và cố gắng thuyết phục chúng tôi, thì họ nên đứng ra bảo lãnh”, ông Putin nói.

Ngay lập tức, IMF hoan nghênh lời đề nghị của Moskva là một bước đi tích cực: “Nội dung chi tiết cần phải được thảo luận giữa nhà chức trách Nga và Ukraine. Chúng tôi chờ đợi kết quả của những cuộc đối thoại đó”.

Bộ Tài chính Ukraine từ chối đưa ra bình luận, với lý do chưa nhận được thông tin chính thức nào về đề xuất tái cơ cấu khoản nợ nêu trên từ phía Nga.

Giới phân tích chỉ ra rằng lời đề nghị của Nga đồng nghĩa Kiev phải trả 3 tỷ USD cho Moskva trong khoảng thời gian 4 năm hưởng gói hỗ trợ 17,5 tỷ USD từ IMF. Điều này không giống như thỏa thuận của Ukraine với các chủ nợ thương mại. Theo đó, Kiev có thể đợi đến sau khi chương trình hỗ trợ kết thúc mới phải bắt đầu trả nợ. Như vậy có thể hiểu rằng, tiền mà Ukraine nhận được từ IMF là dùng để trả nợ cho Nga, chưa kể hơn 1 tỷ USD tiền lãi đối với các khoản nợ tái cơ cấu khác.

Số nợ trái phiếu mà ông Putin đề xuất gia hạn cho Ukraine chính là đợt đầu tiên trong gói hỗ trợ 15 tỷ mà Tổng thống Nga dành cho cựu Tổng thống Ukraine, ông Viktor Yanukovich, vào tháng 12/2013, một bước đi mà nhiều người cho là để tác động đến quyết định không gia nhập Liên minh châu Âu của Ukraine.

Phải chứng tỏthiện chí

Có ý kiến cho rằng lời đề nghị của Nga khó có thể được Kiev đón nhận, bởi các điều khoản ràng buộc của thỏa thuận tái cơ cấu đã có với các chủ nợ khác đầu năm nay. Tuy nhiên, Nga lập luận rằng nếu không gia hạn cho Ukraine, quy tắc “cho vay trước” của IMF sẽ bị vi phạm. Quy tắc trên không cho phép IMF giải ngân cho bất kỳ nước nào vẫn còn những khoản nợ quá hạn.

Để giải quyết tình thế khó xử này, IMF đã quyết định sẽ họp bàn về việc có nên thay đổi quy tắc trên hay không, dự kiến trong tuần tới. Do không liên quan tới các nguyên tắc làm việc chính của IMF, nên quyết định có thể được biểu quyết đơn giản bởi các thành viên ban điều hành của tổ chức này. Nếu được, IMF sẽ có cơ sở để tiếp tục triển khai gói hỗ trợ dành cho Ukraine và các nước khác rơi vào hoàn cảnh tương tự trong tương lai, với điều kiện là chính phủ nước nhận hỗ trợ phải thể hiện thiện chí thỏa thuận với các chủ nợ.

Bên cạnh đó, với việc cả Mỹ và các chủ nợ hàng đầu châu Âu đều tuyên bố ủng hộ chương trình hỗ trợ dành cho Ukraine, nên rất khó để Nga có thể ngăn chặn Kiev nhận tiền từ IMF.

Thời gian qua, chính phủ Ukraine càng nhận được nhiều sự hậu thuẫn từ IMF và các nhà tài trợ như Mỹ vì những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện cải cách kinh tế, mặc dù dự kiến nền kinh tế nước này có thể vẫn sụt giảm tới 11% trong năm nay. Ukraine còn hứa hẹn triển khai nhiều thay đổi đầy tham vọng bao gồm cải tổ quy định thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT …

Mặc dù vậy, Ukraine vẫn mong muốn nhận thêm nhiều sự giúp đỡ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế, để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư khác. Trong số đó, sự tham gia của các nhà tài trợ như Mỹ, nước đã hỗ trợ cho Kiev tổng cộng 7,5 tỷ USD trong 2015 này, rất được chờ đợi. Bộ trưởng Tài chính Ukrain Natalie Jaresko kỳ vọng số tiền mà Ukraine cần để khuyến khích đầu tư tối thiểu cũng phải 15 tỷ USD.