Ngăn chặn dịch vụ đổi tiền lẻ "ăn" chênh lệch

Theo nhandan.com.vn

Ngày 12/1, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt, tiền mệnh giá nhỏ và bảo đảm hoạt động hệ thống ATM an toàn, thông suốt dịp Tết Nguyên đán Bính Thân năm 2016.

Dịch vụ đổi tiền lẻ ngày nay hoạt động kín đáo hơn. Nguồn: nhandan.com.vn
Dịch vụ đổi tiền lẻ ngày nay hoạt động kín đáo hơn. Nguồn: nhandan.com.vn

Theo đó, năm nay là năm thứ tư cơ quan này chủ trương hạn chế phát hành mới tiền lẻ để lưu thông trong dịp Tết. Dù chủ trương này nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân và các bộ, ngành chức năng nhưng thực tế trong quá trình triển khai, việc sử dụng tiền lẻ không đúng với chức năng thanh toán, tuy giảm bớt nhưng vẫn diễn ra.

Càng gần Tết, hoạt động đổi tiền lẻ hưởng phí chênh lệch vẫn "nóng" lên từng ngày, ngay tại khuôn viên di tích, lễ hội, thậm chí còn được quảng cáo tràn lan trên internet.

Hoạt động "ngầm"

Phủ Tây Hồ (Hà Nội) trước kia vốn vẫn luôn sôi động với các dịch vụ đổi tiền lẻ ngay trong khuôn viên và khu vực bên ngoài Phủ. Nhưng vài năm trở lại đây, hoạt động này đã không còn công khai như trước, nhất là từ mùa lễ hội năm 2015, khi Nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2014.

Điểm khác biệt so với cùng thời điểm năm trước đó, chính là: Nếu năm trước du khách vẫn có thể nhìn thấy lác đác ngoài hàng quán bên ngoài khuôn viên Phủ có những tủ kính đề chữ "Đổi tiền", thì năm nay, dường như đã vắng bóng.

Tuy nhiên, sự thay đổi này chỉ là hình thức, bởi trên thực tế, hoạt động đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch tại đây vẫn diễn ra. Ghé vào một quán ngoài cổng Phủ để mua đồ lễ, khi được hỏi về dịch vụ này, chị chủ quán lắc đầu quầy quậy, nhưng chỉ sau ít phút hỏi han và cũng như để "thẩm định" có đúng là khách hàng muốn đổi tiền thật không, thì ngay lập tức, hoạt động đổi tiền diễn ra kèm theo lời dặn: Bên chị tiền nào cũng có nhưng công an, quản lý thị trường làm "gắt" lắm cho nên nếu các em có nhu cầu thì cứ tới đây và bảo chị T. giới thiệu.

Tại các cổng đền, chùa khác trong khu vực Hà Nội như chùa Hà, chùa Phúc Khánh,... dịch vụ đổi tiền lẻ cũng không công khai như trước, thay vào đó, dịch vụ này diễn ra một cách "bí mật", tức là du khách phải mất công "tìm kiếm" hoặc thông qua "cò" dẫn dắt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay tại các khu vực di tích, lễ hội, các hàng quán trong khuôn viên hầu hết đã ký với Ban Quản lý các bản cam kết, trong đó có việc không hoạt động đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch.

"Năm ngoái, Ban Quản lý và các đơn vị chức năng như công an, thanh tra nhắc nhở và tuyên truyền rằng, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt với mức phạt rất cao, từ 20 đến 40 triệu đồng. Nhưng nhiều khách có nhu cầu đổi tiền cho nên chị vẫn đáp ứng, song phải "kín đáo" một chút" - chị H, một người chuyên đổi tiền lẻ gần chùa Phúc Khánh cho biết.

Bên cạnh các điểm đổi tiền ngoài thị trường đang hoạt động "ngầm", cùng với sự "nở rộ" của các trang mạng xã hội, các trang quảng cáo rao vặt trực tuyến, người dân dễ dàng tìm thấy những thông tin và dịch vụ đổi tiền lẻ mới này.

Theo đó, khách hàng có thể dễ dàng liên hệ với người đổi tiền, kèm theo các bảng giá được cập nhật từng ngày. Thông qua số lượng người truy cập tăng cao, có thể thấy sức hấp dẫn của dịch vụ này như thế nào, nhất là trong những ngày sát Tết Nguyên đán.

Chênh lệch tăng cao theo mệnh giá nhỏ

Nhiều năm nay, để tiết kiệm chi phí, NHNN chủ trương hạn chế dần việc phát hành mới tiền lẻ lưu thông trong dịp Tết. Cụ thể, theo thông tin từ cơ quan này, năm 2016 là năm thứ tư liên tiếp NHNN thực hiện ngừng in mới tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống.

"Theo tính toán của NHNN, việc không phát hành các mệnh giá tiền nhỏ để đưa vào lưu thông trong bốn năm qua đã tiết kiệm chi phí in, vận chuyển, bảo quản, đóng gói,... khoảng 1.500 tỷ đồng" - Cục trưởng Phát hành và Kho quỹ (NHNN) Nguyễn Chí Thành cho biết.

Đồng thời, cơ quan quản lý cũng khẳng định, trên thị trường hiện nay, lượng tiền nhỏ lẻ không thiếu, các kho cất trữ của NHNN vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân với đầy đủ các loại mệnh giá tiền.

Tuy nhiên, càng đến gần Tết Nguyên đán, nhu cầu đổi tiền lẻ của người dân vẫn tăng cao đột biến và mức phí chênh lệch đổi tiền lẻ vẫn cao theo hướng tiền mệnh giá càng nhỏ, càng mới, mức phí đổi càng cao.

Tại nhiều điểm đổi tiền trên thị trường, dựa vào lý do NHNN không in tiền lẻ mới, những người đổi tiền họ tha hồ đưa ra mức chênh lệch. Khảo sát trên thị trường những ngày qua, tỷ lệ đổi tiền lẻ đã bị đẩy lên các mức: "10 ăn 8", "10 ăn 7" thậm chí "10 ăn 5", tùy theo từng mệnh giá và thời điểm.

Mặc dù công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong cách "ứng xử" với tiền lẻ đã được các cấp, ngành quản lý tăng cường đẩy mạnh, nhất là sau khi Nghị định 96 ra đời, theo đó việc ngăn chặn không chỉ dừng lại ở mức độ vận động, nhắc nhở mà còn quy định thành các mức độ xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, hoạt động đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch trên thực tế vẫn diễn ra và thay vì công khai, dịch vụ này lại rút vào hoạt động bí mật, càng khiến cho việc ngăn chặn, phát hiện vi phạm thêm khó khăn, phức tạp.

Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, nhất là NHNN, công an, các Ban Quản lý khu di tích lễ hội,... và nhất là nâng cao nhận thức của mỗi người dân.

Nhằm bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán năm 2016, Thống đốc NHNN đã có các văn bản chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán năm 2016.

Trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị phối hợp cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh ngoại tệ, vàng và dịch vụ đổi tiền mới, kinh doanh tiền mặt mệnh giá nhỏ, lẻ trái phép; yêu cầu các ngân hàng duy trì tổ chức hoạt động đổi tiền ngoại tệ một cách hợp lý cho người nước ngoài và khách du lịch trong chín ngày nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân.