Ngăn chặn thủ đoạn làm giá
Mới đây, bà Phạm Thị Hinh, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Khoáng sản Bình Thuận (KSA) bị tuyên phạt 18 tháng tù do là chủ mưu trong việc làm giá cổ phiếu (CP). Vào năm 2015, khi giá CP KSA giảm mạnh, bà Phạm Thị Hinh đã lập đến 69 tài khoản để mua qua bán lại, tạo ra cung cầu ảo, thu hút các nhà đầu tư (NĐT).
Bài quá cũ
Hành vi của Phạm Thị Hinh và đồng phạm được cơ quan tố tụng đánh giá là đã gây ra thiệt hại cho gần 1.500 NĐT với số tiền hơn tám tỷ đồng và một số công ty chứng khoán (CTCK) cũng bị thiệt hại về cho vay margin gần 800 triệu đồng. Việc lãnh đạo một doanh nghiệp (DN) niêm yết vướng vòng lao lý vì làm giá CP không phải là chuyện lạ trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhưng câu chuyện của bà Phạm Thị Hinh cần được nhìn ở góc độ khác, đó là ý thức tuân thủ và sự chuyên nghiệp khi tham gia TTCK.
Việc CP bỗng dưng tăng mạnh, kịch trần, hoặc có khối lượng giao dịch “khủng” trên sàn là bình thường và việc những NĐT có thâm niên trên TTCK ngay lập tức có thể xác minh được lực mua, lực đẩy đến từ đâu, “đội”, “nhóm” nào còn… bình thường hơn. Nhìn vào cái gọi là “thủ thuật” làm giá tại KSA thì có thể thấy sự thô sơ quá đỗi, lập hàng chục tài khoản để mua đi bán lại một CP mà nền tảng cơ bản rất kém, thuần túy đầu cơ thì dấu hiệu làm giá đã quá rõ ràng. Không rõ chủ mưu của vụ làm giá KSA ngờ nghệch quá đỗi hay coi thường cơ quan quản lý quá mức mà thực hiện những chiêu vô cùng lộ liễu này và việc bị xử phạt hình sự là cái giá tất yếu phải trả.
Bộ lọc ngày càng dày
Ngoài những nguồn thông tin, hiện nay các công cụ thống kê, robot, AI… ngày một hiện đại cũng thừa sức phát hiện những dấu hiệu bất thường, CP bị lũng đoạn và có thể nói, nếu để mang tiếng hoặc có “vệt” làm giá thì CP hoặc cá nhân liên quan coi như bị gạt sang một bên trên TTCK. Chưa cần cơ quan quản lý lên tiếng, thì việc những CP mà NĐT không rõ hoạt động như thế nào, tài sản có gì, thương hiệu ra sao, nhưng giá cứ liên tục tăng giảm thì lập tức được xếp vào nhóm… hàng chợ, hàng dạt. Thậm chí, những CP giá vài nghìn đồng, có hoạt động, nhưng kém hiệu quả, không minh bạch còn bị gán cho cái tên “hàng móc cống”. Sự phân hóa trên TTCK ngày một khắc nghiệt và rõ ràng.
Ông Trí Lê, Giám đốc Chi nhánh quận 3, CTCK Phú Hưng cho biết: “Những nhân viên môi giới có trách nhiệm sẽ phải bảo đảm sự an toàn cho NĐT trước tiên, nghĩa là trước khi tính đến việc có lợi nhuận thì không được mất tiền. Vì vậy, những CP kém chất lượng sẽ không được khuyến cáo mà thay vào đó là những CP có chất lượng”.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các bộ lọc trên TTCK ngày càng dày và chỉ cần CP bộc lộ dấu hiệu rủi ro là có thể bị gạt sang một bên. Cũng nên nhắc lại một thông lệ của TTCK, là những cá nhân đã từng có dính líu hoạt động làm giá thì cửa quay lại TT xem như bị đóng lại và ngoài việc phải vướng vào vòng lao lý thì cơ hội để làm lại cũng rất khó. Yếu tố minh bạch, uy tín cá nhân ngày càng được đề cao để bảo đảm sự chuẩn mực cho TT. Làm giá lộ liễu, trục lợi chưa chắc đã được gì, nhưng mất tất cả là cái giá quá rõ cho hoạt động phi pháp.