Ngân hàng 0 đồng: Khó thu hồi nợ xấu

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Kiểm toán Nhà nước cho biết: Việc tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng vẫn còn chậm và chưa triệt để, thực trạng tài chính của các ngân hàng không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc thu hồi nợ xấu khó khăn.

Việc tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng vẫn còn chậm và chưa triệt để. Nguồn: Internet
Việc tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng vẫn còn chậm và chưa triệt để. Nguồn: Internet

Trong báo cáo kiểm toán gửi Quốc hội mới đây, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có báo cáo về kết quả kiểm toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 9 tổ chức tài chính, ngân hàng khác, trong đó chỉ ra những tồn tại như: nợ xấu còn cao, tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép, lãi suất cho vay giảm không đáng kể. Đặc biệt, việc tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng (VNCB, Oceanbank và GPbank) được đánh giá là chậm và chưa triệt để.

Tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép

KTNN đánh giá, năm 2016, NHNN đã điều hành tương đối linh hoạt và hiệu quả chính sách tiền tệ, góp phần hoàn thành mục tiêu kinh tế vĩ mô theo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN như: CPI tăng 4,74%; tăng trưởng tín dụng 18,25%, tổng phương tiện thanh toán tăng 17,65%; dự trữ ngoại hối tăng, tỷ giá và thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định.

Cùng với đó, các tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, kinh doanh có lãi. Trừ GPbank và Ocean Bank, còn lại hầu hết các ngân hàng có tỷ suất lợi nhuận/vốn trên 10% (xếp loại A), ổn định thanh khoản.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) tăng trưởng tín dụng vượt mức cho phép của NHNN, điển hình là VietinBank, BIDV, Ngân hàng TMCP Nam Á, Việt Á, Đại Chúng Việt Nam...

Kết quả kiểm toán cho thấy, đến hết năm 2016, tổng nợ xấu và tiềm ẩn trở thành nợ xấu khoảng 485.306 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng 150.124 tỷ đồng, nợ xấu tồn đọng tại công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 235.872 tỷ đồng, nợ được cơ cấu 66.810 tỷ đồng, chưa chuyển nợ xấu theo kết luận của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng 32.500 tỷ đồng, chiếm 8,81% tổng dư nợ. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu tại 3 NHTM được NHNN mua lại 0 đồng rất cao.

Mặt bằng lãi suất cho vay trong năm giảm không đáng kể. Lãi suất cho vay bình quân ở các lĩnh vực ưu tiên không có xu hướng giảm.

Trong khi đó, cho vay thông thường ở khối NHTM cổ phần không có vốn nhà nước chi phối không giảm (luôn duy trì ở mức 7,8-9%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 9-10%/năm đối với trung, dài hạn).

Khối NHTM cổ phần nhà nước giảm không đáng kể (8 tháng cuối năm 2016 là 6,8-8,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và 9,3-10,3%/năm đối với trung, dài hạn, giảm 0-0,3% so với đầu năm).

KTNN cho biết, trong năm 2016, quy mô dự trữ ngoại hối tương đương khoảng 11,25 tuần nhập khẩu, khả năng chi trả của Quỹ dự phòng nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thấp, hết năm 2016 đạt 1,14% số tiền cần chi trả bảo hiểm.

Tính riêng các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cần lưu ý thì khả năng chi trả của Quỹ dự phòng nghiệp vụ là 42,6%.

Chậm tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng

Nhận định về kết quả kiểm toán 3 ngân hàng 0 đồng, KTNN cho biết, việc tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng vẫn còn chậm và chưa triệt để, thực trạng tài chính của các ngân hàng không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn, việc thu hồi nợ xấu khó khăn.

KTNN nêu, NHNN chưa kịp thời chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt và giám sát triển khai phương án cơ cấu lại GPbank theo quy định tại Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; chậm phê duyệt Đề án tái cơ cấu GPbank, Oceanbank dẫn đến không thể triển khai các biện pháp nhằm giảm suy giảm tài chính của các ngân hàng được mua 0 đồng; công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt của NHNN còn hạn chế.

Bên cạnh đó, thực trạng tài chính của các ngân hàng không được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn như: GPbank từ thời điểm mua bắt buộc (7/7/2015) đến 31/12/2016 lỗ thêm 451 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 13.448 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 10.363 tỷ đồng.

Oceanbank lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro năm 2016 là 1.417 tỷ đồng, gấp 2,07 lần so với năm 2015 (684 tỷ đồng), lỗ lũy kế đến 31/12/2016 là 15.894 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 11.625 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc thu hồi nợ xấu khó khăn như: GPbank năm 2016 thu hồi 307 tỷ đồng nợ xấu, đạt 14,99% kế hoạch; Ước tính chỉ có thể thu hồi 866 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 31,53% tổng nợ xấu. Oceanbank cũng có nhiều khoản nợ xấu khó thu hồi do không có tài sản đảm bảo, tài sản đảm bảo chưa đầy đủ tính pháp lý hoặc khách hàng không hợp tác.

Tốc độ thu hồi nợ có xu hướng giảm (từ 6/5/2015, thời điểm NHNN mua lại đến 31/12/2015 thu hồi 2.061 tỷ đồng, năm 2016 là 1.964 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2017 là 757 tỷ đồng).

Tính đến thời điểm kiểm toán, nợ xấu của GPbank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ; Oceanbank là 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,25% dư nợ; Ngân hàng TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam: Nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) là 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ (19.024 tỷ đồng, theo Báo cáo số 1477/TTGSNH4 ngày 12/5/2017 của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng).