Ngân hàng BRICS: Liệu có đối trọng được với WB hay IMF?
(Tài chính) Sau hơn 2 năm tích cực đàm phán và thảo luận, nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) cũng thống nhất được với nhau về việc thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ dự phòng chung (CRA) của nhóm với số vốn tổng cộng dự kiến là 200 tỷ USD. Với số vốn khởi đầu không lớn đó, NDB và CRA của BRICS được kỳ vọng sẽ trở thành đối trọng với những thể chế tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Liệu điều đó có trở thành hiện thực?
Ngân hàng và quỹ dự phòng chung của BRICS
Ngân hàng của nhóm BRICS có tên gọi là Ngân hàng Phát triển mới (NDB) do 5 nước BRICS (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cùng bỏ vốn thành lập, với số vốn đăng ký ban đầu là 50 tỷ USD, chia đều cho 5 nước thành viên sáng lập, mỗi nước góp 10 tỷ USD. Sau đó, vốn của NDB sẽ được nâng lên 100 tỷ USD thông qua việc phát hành các loại trái phiếu. Trụ sở của NDB đặt tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) và Thống đốc đầu tiên của NDB do một người Ấn Độ đảm trách trong nhiệm kỳ 5 năm. Thống đốc nhiệm kỳ tiếp theo sẽ lần lượt luân phiên cho người Braxin và Nga. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov cho biết, NDB sẽ bắt đầu cho vay từ năm 2016 với tiêu chí ưu tiên hàng đầu cho các dự án phát triển của 5 nước thành viên không thể vay vốn được từ các tổ chức tín dụng quốc tế khác. NDB cũng tiếp nhận sự tham gia góp vốn của các quốc gia ngoài BRICS nhưng phần vốn góp của các nước trong nhóm luôn chiếm ưu thế, không dưới 55%.
Các nước sáng lập NDB kỳ vọng rằng, thông qua ngân hàng chung của khối, họ sẽ có nguồn lực tài chính tốt hơn để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững tại từng quốc gia thành viên, các thị trường mới nổi khác cũng như các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, NDB sẽ giúp các nước thành viên giảm thiểu sự phụ thuộc về kinh tế và sẵn sàng đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai.
Bên cạnh việc thành lập ngân hàng chung, BRICS cũng thành lập Quỹ dự phòng khẩn cấp (CRA) có quy mô vốn là 100 tỷ USD nhằm trợ giúp các quốc gia đang phát triển “tránh sức ép thanh khoản ngắn hạn, thúc đẩy sự hợp tác hơn nữa trong khối BRICS, tăng cường mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu và bổ trợ cho các thỏa thuận quốc tế hiện thời”. CRA đặt trụ sở tại Durban (Nam Phi). Trung Quốc góp 41 tỷ USD vào CRA trong khi Braxin, Nga, Ấn Độ mỗi nước đóng góp 18 tỷ USD, còn Nam Phi góp 5 tỷ USD.
Không như NDB, CRA có nhiệm vụ giúp các nước thành viên ứng phó với sức ép thanh khoản ngắn hạn. Trong trường hợp khẩn cấp, Trung Quốc được quyền yêu cầu CRA cấp tối đa một nửa mức đóng góp (20,5 tỷ USD), Nam Phi được nhận gấp đôi mức đóng góp (10 tỷ USD) và 3 nước còn lại (Braxin, Nga và Ấn Độ) được nhận mức tương đương với số vốn bỏ ra (18 tỷ USD/1 nước). Theo quy định, số tiền đóng góp sẽ được các nước giữ ngay tại ngân hàng trung ương nước mình và được chuyển khoản cho nước thành viên khi một trong 5 nước gặp khó khăn về cán cân thanh toán.
Liệu có đối trọng được với WB hay IMF?
Với quy mô dân số chiếm gần một nửa và GDP chiếm 25% toàn thế giới, dự trữ ngoại tệ trên 4.400 tỷ USD, BRICS được xem là có nền tảng tốt cũng như động lực lớn để phát triển khi đóng góp trên 50% cho nhịp độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặc dù thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của BRICS có chậm lại theo xu thế chung và sự điều chỉnh kinh tế của mỗi nước, song tốc độ tăng trưởng của cả khối hiện vẫn ở mức cao nhất thế giới.
Việc thành lập ngân hàng phát triển chung sẽ giúp BRICS có tiếng nói lớn hơn trong trật tự tài chính toàn cầu. Nó cũng được xem là biểu tượng cho tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các nền kinh tế mới nổi trong cơ cấu tài chính quốc tế vốn đang do Mỹ và châu Âu chi phối thông qua hai định chế tài chính lớn là WB và IMF. Được biết, NDB và CRA sẽ có mô hình tổ chức tương tự như WB và IMF, nhưng với quy mô nhỏ hơn.
Trong tuyên bố được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh của khối, các nhà lãnh đạo BRICS bày tỏ mối “quan ngại sâu sắc” trước việc các biện pháp cải tổ IMF không được thực hiện, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả hoạt động và niềm tin đối với thể chế này. Hiện cả WB và IMF đều bị đánh giá là hoạt động thiếu khách quan và độc lập, chịu sự chi phối lớn của Mỹ khi việc giải ngân cho các dự án nhiều khi phụ thuộc vào “thái độ chính trị của con nợ” đối với Mỹ thay vì dựa trên hiệu quả và tính cấp thiết của dự án.
Các nhà phân tích đánh giá NDB là “Quỹ tiền tệ quốc tế của các nước mới nổi”. Tờ Le Monde (Pháp) thậm chí còn đề cập đến việc Trung Quốc đang cho triển khai một dự án khác là thành lập Ngân hàng đầu tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng châu Á và nhấn mạnh rằng cùng với việc thành lập NDB, hai định chế này có thể thay thế cho những định chế tài chính đang do Mỹ, châu Âu và Nhật Bản thống trị. Còn các nhà lãnh đạo Nga, Braxin cũng tỏ rõ sự hài lòng, cho rằng ngân hàng của BRICS có thể “thách thức được sự thống trị về tài chính của Mỹ” hay cho phép “theo đuổi các nỗ lực cải cách hệ thống tài chính quốc tế đang bị tổn hại, do sự mất cân đối đáng kể theo hướng có lợi cho phương Tây”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, sự chi phối của NDB trong bàn cờ chính trị - tài chính toàn cầu phần nhiều chỉ mang tính biểu tượng vì BRICS dường như còn quá phân tán để phát huy vai trò như một khối thống nhất thực sự. Tiềm lực của các nền kinh tế trong BRICS hiện khá chênh lệch và không có nhiều điểm chung. Trong khi “thị phần” đóng góp của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới tiếp tục gia tăng, từ mức 11% năm 2008 lên 18% dự kiến vào năm 2018 thì Ấn Độ lần lượt là 4,8% và 6,3%. Còn Nga và Braxin chỉ chiếm chưa tới 3% sản lượng kinh tế toàn cầu trong khi Nam Phi vẫn “dậm chân tại chỗ” với mức khiêm tốn dưới 1%. Không những thế, việc thành lập NDB trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế thành viên cũng chưa phải là yếu tố “thiên thời”. Dự báo, trong năm 2014, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 7,5%; Ấn Độ 5,4%; Nga và Braxin chỉ đạt mức 1%.
Mặt khác, với quy mô số vốn ban đầu là 50 tỷ USD, ngân hàng chung của BRICS chỉ có thể cho vay khoảng 3,4 tỷ USD/năm. Con số này quá nhỏ so với mức cho vay trên 60 tỷ USD/năm như hiện nay của WB. Quỹ dự phòng với số vốn 100 tỷ USD cũng được xem là quá nhỏ so với mục tiêu mà quỹ này phải gánh vác. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều ngân hàng chung của khu vực hay nhóm nước thành lập nhưng hiệu quả hoạt động vẫn còn là dấu hỏi lớn. Năm 2009, các nước Mỹ La-tinh là: Braxin, Venezuela, Argentina, Bolivia, Ecuador, Paraguay và Uruguay cũng đã công bố quyết định thành lập Ngân hàng phương Nam với nguồn vốn được công bố ban đầu là 20 tỷ USD để thay thế WB và IMF. Song đến nay, Ngân hàng này vẫn chưa chứng minh được hiệu quả hoạt động và càng không thể thay thế được vai trò của WB và IMF.
Nếu so sánh về quy mô vốn, thì số vốn ban đầu 50 tỷ của NDB chỉ như “muối bỏ biển” so với những định chế tài chính khác như: Ngân hàng Đầu tư châu Âu (vốn 331 tỷ USD); WB (223 tỷ USD); Ngân hàng Phát triển châu Á (163 tỷ USD); Ngân hàng Phát triển Trung - Nam Mỹ (129 tỷ USD); Ngân hàng Phát triển châu Phi (103 tỷ USD)... Số vốn của NDB chỉ nhỉnh hơn một chút so với số vốn 47 tỷ USD của Ngân hàng Phát triển Hồi giáo.
Bên cạnh đó, số vốn của CRA là 100 tỷ USD cũng nhỏ hơn rất nhiều so với quy mô vốn 800 tỷ USD của IMF. Trong khi quy chế cấp cứu khẩn cấp của IMF phụ thuộc vào sự thống nhất của Hội đồng xét duyệt thì quỹ CRA phụ thuộc vào 5 nước thành viên vốn chưa có được sự đồng thuận cao.
Do đó, về mặt lý thuyết, việc thành lập NDB và CRA sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nước thành viên BRICS và các quốc gia đang phát triển, giúp hạn chế những ảnh hưởng bất lợi từ Mỹ. Song, việc NDB và CRA trở thành “quyết định lịch sử” hay “canh bạc rủi ro” hoàn toàn phụ thuộc vào hành động cụ thể của chính các nước thành viên trong khối BRICS.
Đức Mạnh - Thông tin Tài chính số 17 kỳ 1 tháng 9/2014