Ngân hàng hy sinh lợi nhuận để tăng “sức đề kháng”
Để hạn chế rủi ro trước những diễn biến khó lường của đại dịch, nhiều ngân hàng lựa chọn chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để tăng bộ đệm dự phòng nhằm tăng cường năng lực xử lý nợ xấu, chống đỡ tốt hơn với các cú sốc lớn.
Cắt lợi nhuận để tăng bộ đệm dự phòng
Đại dịch COVID-19 lây lan, kéo dài đang gây ảnh hưởng vô cùng lớn đối với tất cả các ngành kinh tế. Riêng đối với ngành ngân hàng, những tác động bất lợi của đại dịch đã bắt đầu được lượng hóa, khi các khoản thu nhập từ lãi, phí giảm xuống do ngân hàng thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng thông qua việc cung cấp các gói cho vay lãi suất ưu đãi, cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán.
Trong khi đó, chất lượng tài sản cũng bị ảnh hưởng lớn khi nợ xấu đã bắt đầu tăng lên khi doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền, không thể thanh toán các khoản vay, lãi vay đến hạn.
Tại phiên thẩm tra về tình hình kinh tế - xã hội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành hồi cuối tháng 9, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cả hệ thống cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Đây là kết quả được dự báo khi các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.
Theo lãnh đạo NHNN, điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe toàn hệ thống khi các nhà băng phải thực hiện hàng loạt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cung ứng vốn cho nền kinh tế. Trong khi, bản thân các nhà băng cũng là doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn chung, họ cũng không thể là ngoại lệ. Và việc tự tăng “sức đề kháng” chính là cách mà các nhà băng đang thực hiện để có thể đủ sức vượt qua “cơn bão” COVID-19.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc ngân hàng chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận, gia tăng bộ đệm dự phòng để có thể chống đỡ tốt hơn với các cú sốc lớn, tăng năng lực xử lý nợ xấu. Đây cũng là lý do khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng chỉ đi ngang, thậm chí đi xuống so với cùng kỳ, dù các hoạt động kinh doanh chính vẫn rất khả quan.
LienVietPostBank là một ví dụ. Kết thúc quý 3/2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng đạt 1.037 tỷ đồng, tăng trưởng tới 23,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí dự phòng kỳ này tăng mạnh gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, lên 271 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng chỉ còn 766 tỷ đồng, nhích nhẹ 3,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tại "ông lớn" BIDV, chi phí dự phòng tiếp tục tăng mạnh tới 30,3% khiến lợi nhuận quý 3 giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ 2020, theo báo cáo tài chính vừa công bố cuối tuần qua.
Hay tại ngân hàng ACB, lợi nhuận quý 3/2021 của ngân hàng đi ngang, đạt 2.616 tỷ đồng dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng tới 27,8% so với cùng kỳ với phần lớn các mảng kinh doanh đều tăng trưởng khá tốt. Nguyên nhân là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng kỳ này tăng tới 5 lần so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó tổng giám đốc, kiêm Kế toán trưởng, Giám đốc Tài chính ACB cho biết, nợ tái cơ cấu của ngân hàng đã tăng mạnh từ 8.200 tỷ đồng (tại thời điểm cuối tháng 6/2021) lên 13.400 tỷ (tại thời điểm cuối tháng 9/2021). ACB đã trích lập toàn bộ dự phòng tổng cộng 2.000 tỷ đồng cho dư nợ tái cơ cấu trong 9 tháng đầu năm 2021 khiến tổng chi phí dự phòng của ACB trong 9 tháng tăng lên ở mức 2.800 tỷ đồng.
Giám đốc tài chính ACB cho biết, nợ tái cơ cấu có thể tiếp tục tăng và dự kiến chi phí dự phòng liên quan đến nợ tái cơ cấu có thể tăng thêm 500 tỷ đồng vào cuối năm.
Tại một số ngân hàng nhỏ như Viet Capital Bank, việc trích lập dự phòng cũng được thực hiện mạnh tay trong kỳ qua. Kết thúc quý 3/2021, lợi nhuận thuần ghi nhận 220 tỷ đồng, tăng tới 59,4% so với cùng kỳ. Dù vậy, khoản trích lập dự phòng gấp tới 2,7 lần cùng kỳ khiến lợi nhuận trước thuế giảm còn 48 tỷ đồng.
Ông Phạm Anh Tú - Phó tổng giám đốc Viet Capital Bank cho biết, những tác động của dịch bệnh đến khách hàng thời gian qua không chỉ nghiêm trọng mà còn kéo dài, vì vậy trong quý 4/2021, ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ khách hàng, đồng thời tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho trích lập dự phòng với danh mục tín dụng của khách hàng đã bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh.
“Định hướng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh quý 4, nhưng chúng tôi cho rằng đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững cho cả khách hàng và ngân hàng”, ông Tú nói.
“Của đề dành” của nhà băng
Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01 (2020) và Thông tư 03 (2021) ban hành hồi đầu tháng 9 vừa qua đã mở rộng đối tượng được cơ cấu nợ tới cả các khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đợt 4 mà Thông tư 03 chưa bao phủ tới, đồng thời, cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian tái cơ cấu, giãn nợ đến giữa năm 2022.
Sự bổ sung này được đánh giá là phù hợp vì một mặt tiếp tục hỗ trợ giảm nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, mặt khác, giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho các TCTD, qua đó giảm bớt rủi ro cho ngành ngân hàng.
Dù vậy, cũng cần nhắc lại rằng, dù không phải tất cả các khoản vay được tái cơ cấu sẽ chuyển thành nợ xấu, nhưng dưới ảnh hưởng của đại dịch, việc nợ xấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới là điều đã được dự báo trước.
Việc tăng nguồn lực dự phòng đối với các nhà băng, theo đó, càng trở nên cấp thiết. Đồng thời, điều này cũng cho thấy khẩu vị rủi ro của nhiều ngân hàng thương mại đã thay đổi rõ hơn, theo hướng thận trọng hơn, chủ động hơn trước các rủi ro tiềm ẩn, đặc biệt là khi nợ xấu vẫn chưa phản ánh đúng thực chất do hỗ trợ cơ chế từ Thông tư 14.
Mặt khác, không phải tất cả các khoản nợ xấu đều mất đi. Khi mỗi khoản nợ xấu được xử lý, thu hồi, số tiền trích lập dự phòng sẽ được hạch toán trực tiếp vào thu nhập bất thường. Quy mô trích lập dự phòng cao, theo đó, cũng có phần "của để dành" để có thể hoàn nhập trở lại và góp vào lợi nhuận trong tương lai của ngân hàng.