Cẩn trọng rủi ro vay tiêu dùng, tránh “vay dễ trả khó”

Theo Đỗ Nga/congthuong.vn

Do tác động của dịch COVID-19 khiến nhu cầu vay tiêu dùng của người dân những tháng cuối năm đang ngày càng gia tăng. Thời gian qua, các ngân hàng thực hiện các giải pháp phù hợp kịp thời giải quyết khó khăn tài chính cho người dân thông qua hình thức vay tài chính góp phần kích thích đầu tư, tăng trưởng kinh tế, đẩy lùi vấn nạn vay tín dụng đen. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi, người dùng nên thận trọng, phòng tránh những rủi ro không đáng có.

Người tiêu dùng cần cân nhắc sử dụng vốn vay hợp lý, đúng mục đích, tránh dẫn đến tình trạng “dễ vay” nhưng “khó trả”
Người tiêu dùng cần cân nhắc sử dụng vốn vay hợp lý, đúng mục đích, tránh dẫn đến tình trạng “dễ vay” nhưng “khó trả”

Theo ghi nhận, nhiều ngân hàng, công ty tài chính đã "tung" ra những sản phẩm với thủ tục cho vay đơn giản, lãi suất cạnh tranh, kỳ hạn trả nợ linh hoạt.

Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) triển khai sản phẩm vay ưu đãi với hạn mức vay đến 12 lần thu nhập và 600 triệu đồng, tối đa 5 năm. Thủ tục nhanh gọn, giải ngân trong 2 ngày làm việc. Không yêu cầu cung cấp sao kê và hợp đồng lao động. Lãi suất vay ưu đãi từ 16-18%/năm, tùy đối tượng khách hàng. Tương tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cũng đưa ra gói vay ưu đãi từ thẻ tín dụng với hạn mức tối đa lên tới 75% hạn mức thẻ tín dụng, với giá trị từ 5 - 100 triệu đồng. Thủ tục vay và giải ngân được thực hiện hoàn toàn online...

Theo các chuyên gia tài chính, đại dịch COVID-19 với những diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế chung của đất nước, kéo theo đó là những tác động tiêu cực đến tình hình lao động việc làm. Trước những khó khăn kéo dài, sẽ có một bộ phận không nhỏ người dân cần đến loại hình tài chính tiêu dùng này để có thể giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt, đáp ứng các nhu cầu cần thiết, ổn định và vực dậy cuộc sống trở lại.

Đặc biệt, so với việc đi vay nặng lãi tại những nguồn cung không đảm bảo, uy tín thì vay tiêu dùng tại các tổ chức tín dụng sẽ là sự lựa chọn khả quan, an toàn hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi cũng như lường trước những hậu quả không đáng có, người tiêu dùng cần cẩn trọng khi có nhu cầu vay tiền. Đó là khi nhận được dự thảo hợp đồng do công ty tài chính cung cấp, người tiêu dùng cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng trước khi quyết định giao kết. Trong đó cần lưu ý và cân nhắc kỹ một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

Trao đổi thêm về vấn đề này về mặt pháp lý, theo luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, trong bối cảnh khó khăn, việc các ngân hàng thực hiện các giải pháp phù hợp kịp thời phục hồi kinh tế, giải quyết khó khăn tài chính cho người dân thông qua hình thức vay tài chính góp phần kích thích đầu tư, tăng trưởng kinh tế, đẩy lùi vấn nạn vay nặng lãi, vay tín dụng đen. Tuy nhiên, đối với người dùng, hình thức này tiềm ẩn những rủi ro nhất định.

“Thực tế, việc thủ tục cho vay đơn giản và dễ dàng quá sẽ khiến người dùng đặt mình vào việc sử dụng vốn vay không đúng, dẫn đến tình trạng “dễ vay” nhưng “khó trả”. Trong đó là thực trạng người dùng sử dụng thẻ tín dụng và các khoản vay chi tiêu quá mức, nhiều hơn so với nhu cầu thực tế. Nhiều trường hợp, người dân sẵn sàng tham gia nhiều chương trình vay mượn tiêu dùng khác nhau, vượt quá khả năng chi trả. Khi hàng loạt khách hàng rơi vào cảnh “nợ nần”, chính bản thân các tổ chức tín dụng cũng phải chịu rủi ro đối với việc thu hồi lại các khoản cho vay”, luật sư Trần Xuân Tiền chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo luật sư Tiền, người dùng cũng phải chịu các rủi ro liên quan đến lãi suất cho vay. Bởi, theo Điều 3, Điều 9 Thông tư số 43/2016/TT-BTC, không có quy định cụ thể về lãi suất cho vay tiêu dùng mà do các công ty tài chính tự đưa ra mức lãi suất cho vay cụ thể và báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước, đồng thời mức lãi suất tại công ty tài chính thuộc sự điều chỉnh của luật chuyên ngành, do đó có thể quy định cao hơn mức 20%/năm theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

“Trong trường hợp người dùng quá hạn thanh toán quá lâu thì các công ty, tổ chức tài chính có quyền thực hiện các biện pháp xử phạt do vi phạm hợp đồng, áp dụng biện pháp nhắc nợ, đòi nợ và chế tài vô cùng khắt khe. Thậm chí, nghiêm trọng hơn, phía tổ chức cho vay có thể thực hiện các thủ tục tố tụng dân sự, nếu có chứng cứ cho thấy bên vay có thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản là tiền giải ngân của ngân hàng còn có thể khởi tố vụ án hình sự” - luật sư Trần Xuân Tiền nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Tiền cũng đưa ra cảnh báo: Để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra đối với người vay mà vẫn đảm bảo được nhu cầu tiêu dùng cho bản thân, trước hết, người tiêu dùng cần xác định rõ nguồn thu nhập và khả năng tài chính của bản thân để tránh trường hợp rơi vào hoàn cảnh nợ nần, mất khả năng chi trả; đặc biệt là chỉ nên vay tiêu dùng khi thực sự có nhu cầu.

Do đó, người vay tiêu dùng cũng nên xem xét, lựa chọn công ty, tổ chức cung cấp dịch vụ cho vay có độ tin cậy và uy tín cao. Tìm hiểu kỹ các các điều kiện và điều khoản quan trọng của hợp đồng và yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích rõ ràng các nội dung trên; nắm rõ các thông tin về lãi suất, khoản trả góp hàng tháng, các phương thức thanh toán, các khoản phí: phí phạt khi thanh toán trễ hoặc tất toán khoản vay trước hạn để tránh việc thanh toán chậm trễ. Sau khi đã kí hợp đồng, người vay nên lưu giữ cẩn thận hợp đồng, thường xuyên theo dõi bảng sao kê tín dụng cá nhân để nắm rõ tình trạng tín dụng.

Các chuyên gia cho rằng, việc người dân thực hiện thủ tục vay tín dụng tại các tổ chức, ngân hàng là cách tiếp cận phù hợp trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên nguy cơ rủi ro cũng luôn tiềm tàng. Do đó, không nên quá đề cao việc cho vay giải ngân “nóng” mà nên sử dụng vốn đúng mục đích. Bên cạnh đó, để giảm thiêu rủi ro, ngân hàng cần chủ động tìm kiếm đúng người vay, ngược lại, người vay cũng cần tìm hiểu, nắm rõ các hình thức cho vay đảm bảo an toàn và hiệu quả, tránh được các rủi ro pháp lý không cần có.