Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý ngân hàng


Tái cơ cấu, lợi nhuận, xử lý nợ xấu… là những vấn đề thường nhật của hệ thống ngân hàng (NH) Việt Nam những năm qua và nhiều năm tới. Điều này đặt ra những thách thức cho hệ thống NH trong năm 2019.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thông tư số 13 về kiểm soát nội bộ

Đây là thông tư đã khiến các ngân hàng thương mại (NHTM), chi nhánh NH nước ngoài quan tâm, lo lắng nhất trong 6 tháng cuối năm 2018. Mặc dù được ban hành từ tháng 5, và từ tháng 8 đến tháng 10/2018 đã có 3 buổi tọa đàm trao đổi giữa các tổ chức hội viên của Hiệp hội NH Việt Nam với Cơ quan thanh tra, giám sát NH (NHNN) tại Hà Nội và TPHCM, nhưng đến nay các NH vẫn muốn kiến nghị thêm về một số nội dung của thông tư.

Ý nghĩa của Thông tư số 13 đã tiệm cận các thông lệ quốc tế, tạo các chuẩn mực mới cao hơn, chặt chẽ hơn trong việc quản trị rủi ro của NH. Đặc biệt Thông tư 13 đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn sát hơn với thông lệ quốc tế về quản trị NH, từng bước thực hiện các quy định của Basel II về bảo đảm an toàn trong hoạt động, thúc đẩy các NH phát triển và hoàn thiện cơ sở dữ liệu…

Song theo yêu cầu của Thông tư số 13, các NH phải có đủ nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ thông tin, để đảm bảo hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, do đó sẽ làm gia tăng chi phí tuân thủ cho NH. Thời hạn hiệu lực của Thông tư số 13 từ 1/1/2019 đối với các yêu cầu về hệ thống quản lý rủi ro, và từ 1/1/2021 đối với các yêu cầu về quy trình đánh giá an toàn vốn nội bộ, khả năng chịu đựng sức căng về vốn, khẩu vị rủi ro và nội dung khác (ICAAP). Vì vậy, thời gian tới các NHTM sẽ gặp rất nhiều thách thức trong việc tuân thủ.

Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Công ty TNHH Raffles Việt Nam, cho rằng Thông tư số 13 có thể coi là văn bản có hàm lượng kỹ thuật cao nhất từ trước tới nay. Thông thường, tại các nước cơ quan thanh tra giám sát thường ban hành ít nhất 9 loại văn bản khác nhau để quy định về ICAAP. Tuy nhiên, NHNN đã rút ngắn được rất nhiều nội dung có tính chất tương đồng giữa các loại văn bản trên, đặc biệt là các quy định về quản trị doanh nghiệp. Ngược lại, do bao gồm quá nhiều nội dung, các yêu cầu trong Thông tư số 13 sẽ cần thêm những hướng dẫn từ NHNN trong quá trình triển khai.

Những thách thức từ CPTPP

Nền kinh tế số và NH số đang phát triển nhanh chưa từng thấy. Hầu hết tổ chức đều có thông tin cá nhân quan trọng cần được bảo vệ. Các tổ chức tín dụng (TCTD) dù đã dùng các sản phẩm bảo mật mạng để bảo vệ dữ liệu, nhưng chúng không hoàn hảo. Những vụ khách bị rút tiền ngay trên tài khoản diễn ra không ít trong năm 2018 và sẽ còn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng hơn vì tin tặc sẽ liên tục tấn công thông qua tiến bộ công nghệ.

Làm thế nào để giúp các mạng lưới an toàn chống lại các vi phạm nội bộ, ngăn chặn các gián đoạn vô tình từ các xung đột địa chỉ IP, giảm nhẹ rủi ro không tuân thủ các yêu cầu pháp lý để bảo mật và kiểm soát khách hàng, ngăn chặn tin tặc ăn cắp tiền của khách hàng… đang là thách thức rất lớn đối với các NH trong năm 2019 và những năm tới.

Bên cạnh đó, Luật An ninh mạng có hiệu lực sẽ góp phần xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhưng rất cần các nghị định và thông tư hướng dẫn cụ thể về việc lưu trữ dữ liệu người dùng trong phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử, nhất là trong bối cảnh thực thi các cam kết mở cửa theo Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Sau khi CPTPP có hiệu lực, việc mở cửa thị trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các NH nước ngoài với kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, công nghệ và trình độ quản lý cao, tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam, dẫn đến các NHTM Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các NH nước ngoài trên sân nhà, trong đó ưu thế sẽ thuộc về các NH nước ngoài.

Bởi với thế mạnh về chất lượng phục vụ và dịch vụ đa dạng, các NH ngoại sẽ thu hút được lượng lớn khách hàng trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn đến nguy cơ sụt giảm thị phần của các NHTM nội địa. Bên cạnh đó sẽ diễn ra chảy máu chất xám từ các NH trong nước sang NH nước ngoài. 
CPTPP Việt Nam phải thực hiện các cam kết về môi trường pháp lý trong lĩnh vực NH.

Điều này đòi hỏi NHNN phải rà soát các quy định trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, cân nhắc tương thích/phù hợp với quy định/cam kết trong CPTPP và các hiệp định thương mại tự do khác Việt Nam tham gia; đặc biệt trong các cam kết về vung cấp dịch vụ tài chính mới; chuyển thông tin; dịch vụ thanh toán điện tử cho các giao dịch bằng thẻ; cơ chế Ratchet (giữ nguyên các biện pháp hiện hành, có sửa đổi phải sửa theo hướng tự do hơn). Đây sẽ là khối lượng công việc rất lớn và cấp bách để hệ thống NH Việt Nam bắt kịp với môi trường cạnh tranh mới.

Khuôn khổ pháp lý ngân hàng số, fintech

Hiện nay, số lượng các công ty fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã lên tới gần 100, hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó lĩnh vực thanh toán đóng vai trò chủ đạo với 26 công ty đã được NHNN cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, lĩnh vực cho vay ngang hàng, các giải pháp để hỗ trợ hoạt động của NH, như bảo mật, định danh khách hàng điện tử, quản lý tài sản, các nền tảng ứng dụng công nghệ blockchain cho hoạt động tài trợ thương mại, quản lý chuỗi cung ứng… Năm 2018, sự hợp tác giữa các NH và công ty fintech diễn ra rất mạnh mẽ.

Vấn đề đặt ra hiện nay là fintech phát triển quá mạnh mẽ, với nhiều hình thức thanh toán mới, ý tưởng mới, đã khiến hành lang pháp lý của Việt Nam chưa theo kịp. Trong khu vực, nhiều nước đã đi nhanh hơn  trong việc quản lý fintech. Như Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã thành lập Vụ Công nghệ tài chính. Malaysia giao cho Ủy ban Chứng khoán quản lý hoạt động của fintech và họ đã có những khung pháp lý cho một số lĩnh vực của fintech. Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore cũng đã ban hành các quy định quản lý một số hoạt động fintech. 

Trong khi đó, đến tháng 3/2017, NHNN mới thành lập Ban chỉ đạo fintech để nghiên cứu chuyên sâu về các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ NH mới cũng như đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái (bao gồm cả khuôn khổ pháp lý) để hỗ trợ cho sự phát triển của các công ty fintech hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Cho đến nay, dự thảo đề án về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) cho các doanh nghiệp fintech cung ứng giải pháp, dịch vụ trong lĩnh vực NH mới được gửi lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan và một số tổ chức tài chính quốc tế.