Ngân hàng đang ở thế "Tiến thoái lưỡng nan"?

Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn

Ngân hàng giảm lãi suất cho vay và muốn đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng, nhưng như vậy lại tiềm ẩn rủi ro, vậy có nghịch lý ở đây hay không?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Basico cho rằng, đáng lẽ ngân hàng cần hạn chế cho vay, tăng lãi suất để giảm rủi ro nhưng vì nhiều nguyên nhân, họ đang buộc phải chấp nhận tăng cường cho vay, hạ lãi suất, giảm phí. Tình trạng này có thể dẫn đến rủi ro của ngân hàng, vì vậy, cần có những giải pháp đến từ Ngân hàng thương mại, cơ quan quản lý để thắt chặt, kiểm soát rủi ro chứ không nên hi vọng giảm lãi suất hơn nữa.

Không hạ chuẩn là biện pháp hỗ trợ lâu dài

Chuẩn tín dụng là một điều kiện để ngân hàng bảo đảm an toàn nguồn vốn, vừa đáp ứng đúng chỉ đạo về hạ lãi suất mà vẫn tăng trưởng.

Tuy nhiên, năm nay có một số nghịch lý đã và đang xảy ra đó là các ngân hàng phải cắt giảm lợi nhuận từ 30 - 40 nghìn tỷ đồng để xây dựng các gói hỗ trợ, giảm lãi suất “cứu” doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.Câu hỏi đặt ra là có phải hệ thống ngân hàng đang làm quá nhiều chính sách?

Để trả lời câu hỏi này, các chuyên gia nói rằng, thực ra hệ thống ngân hàng buộc phải làm để cứu doanh nghiệp, người dân cũng là cứu mình.

Tuy nhiên, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho hoạt động ngân hàng? Đó là không được hạ chuẩn tín dụng. Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngành ngân hàng, ngân hàng có thể vẫn giãn, hoãn nợ nhưng không được nới lỏng quá tiêu chuẩn cho vay vốn, bởi như thế tiềm ẩn rủi ro lâu dài cho cả ngân hàng, chính phủ, doanh nghiệp. “Không hạ chuẩn tín dụng cũng là hỗ trợ lâu dài cho doanh nghiệp”, ông Lực nhấn mạnh.

Thứ hai là, vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc thị trường, không được can thiệp của các cơ quan quản lý. Bởi đây là câu chuyện quan hệ tín dụng, thương mại.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động sau điều chỉnh của TCTD phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4-4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,1-6,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,4%/năm. Các TCTD áp dụng lãi suất cho vay tối đa đối với khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên hiện ở mức 5%/năm.

Có thể thấy, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ 1-2%/năm so với đầu năm. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn rất thấp so với cùng kỳ những năm trước. Do đó, ngân hàng muốn đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng, nhưng như vậy lại tiềm ẩn rủi ro, vậy có nghịch lý ở đây hay không?

Tín dụng sẽ tăng tốc trong quý II

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng câu chuyện vướng mắc nghịch lý không phải giờ mới xảy ra, nền kinh tế Việt Nam không hoàn toàn theo thị trường, cộng với nhiều vướng mắc khác tạo ra điều này. Có thời kỳ tất cả lãi suất bằng nhau, hay có trường hợp lãi suất ngắn hạn cao hơn dài hạn…

Ở thời điểm này đáng lẽ ngân hàng cần hạn chế cho vay, thậm chí tăng lãi suất để giảm rủi ro nhưng vì nhiều nguyên nhân mà ngân hàng đang buộc phải chấp nhận tăng cường cho vay, hạ lãi suất, giảm phí. Thậm chí có thể ít nhiều ảnh hưởng đến cả điều kiện cho vay. Do đó, rủi ro của ngân hàng đang hiện hữu.

Bằng chứng là báo cáo tài chính quý I của nhiều ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh, cùng với đó các nhà băng cũng gia tăng trích lập dự phòng rủi ro.

“Chắc chắn sẽ phải có những giải pháp đến từ ngân hàng thương mại, đến từ cơ quan quản lý để thắt chặt, kiểm soát rủi ro chứ không hi vọng giảm lãi suất hơn được nữa”, ông Đức nói.

Mặc dù tín dụng quý đầu năm tăng trưởng thấp song nhu cầu vốn đã bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 4, với tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 4 là 1,32%. Đến tháng 5, theo số liệu do NHNN cập nhật cho thấy đã tăng tương đối tốt.

Chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết trong tháng 4, tín dụng có tăng trở lại nhưng không đáng kể vì còn đang giãn cách xã hội. Nhưng thời gian gần đây, huy động vốn và tín dụng đã sôi động trở lại. Khả năng bật lò xo là khá lớn, nhưng sẽ chủ yếu trong nội địa. Thị trường nội địa của chúng ta cũng rất lớn và tiềm năng. Tiêu dùng cá nhân của Việt Nam rất lớn, tương đương 80% GDP. Do đó, nếu có biện pháp kích cầu trong nước, bao gồm cả tiêu dùng nội địa thì khả năng tăng trưởng nhanh hơn.

Chuyên gia này dự báo tín dụng sẽ tiếp tục tăng trở lại, đến hết quý 2 sẽ đạt khoảng 3,5-4%, và hết năm sẽ đạt khoảng 9-10%.

"Nếu tăng trưởng GDP năm nay phấn đấu đạt 4-5%, thì tín dụng khoảng 9-10%, gấp hơn 2 lần mức tăng GDP là tương đối phù hợp và cũng là con số cao nhất khu vực. Nhu cầu về vốn của người dân và doanh nghiệp đang phục hồi trở lại và sẽ tăng lên trong thời gian tới, mức tăng là tương đối lớn vì phát triển kinh tế xã hội của chúng ta đang ở mức tương đối cao so với khu vực", ông phân tích thêm.