Phân kỳ trong chỉ số sức mạnh tương đối: Nghiên cứu cặp ngoại tệ EUR/USD và một số khuyến nghị

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 2/2020

Trong phân tích tài chính có nhiều phương pháp phân tích kỹ thuật, một trong những công cụ hiệu quả nhất là sử dụng chỉ số sức mạnh tương đối (RSI). Chỉ số RSI có giá trị từ 1 đến 100 và thể hiện tỷ lệ giữa mức trung bình số ngày tăng giá so với mức giá trung bình của những ngày giảm giá trong một giai đoạn nhất định. Bài nghiên cứu nâng cao kết quả dự đoán khi kết hợp giá trị và tín hiệu phân kỳ của chỉ số RSI để phân tích lịch sử tỷ giá EUR/USD theo tháng giai đoạn 1997 - 2019 và đưa ra kết quả dự đoán xu hướng tỷ giá này cũng như một số khuyến nghị giúp cải thiện kết quả phân tích tài chính.

Bài nghiên cứu nâng cao kết quả dự đoán khi kết hợp giá trị và tín hiệu phân kỳ của chỉ số RSI để phân tích lịch sử tỷ giá EUR/USD theo tháng giai đoạn 1997 - 2019. Nguồn: internet
Bài nghiên cứu nâng cao kết quả dự đoán khi kết hợp giá trị và tín hiệu phân kỳ của chỉ số RSI để phân tích lịch sử tỷ giá EUR/USD theo tháng giai đoạn 1997 - 2019. Nguồn: internet

Chỉ số sức mạnh tương đối và khái niệm phân kỳ

Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) được tạo ra bởi J. Welles Wilder Jr, và được ông giới thiệu trong cuốn sách "Các khái niệm mới trong hệ thống phân tích kỹ thuật" và Tạp chí Commodities (Tạp chí Futures) vào năm 1978. Từ đó đến nay, RSI vẫn và đang được sử dụng rộng rãi và được bao gồm trong hầu hết các nền tảng biểu đồ và phần mềm giao dịch.

Chỉ số RSI thể hiện độ mạnh hay yếu của một cổ phiếu hoặc thị trường dựa trên giá đóng cửa trong một thời kỳ cụ thể. RSI cung cấp một đánh giá tương đối về sức mạnh của hiệu suất giá gần đây của một thị trường, do đó làm cho nó trở thành một chỉ báo động lượng (tốc độ tăng hoặc giảm giá) bằng cách đo vận tốc và cường độ của các biến động giá. RSI thường được sử dụng với khoảng thời gian 14 ngày, được đo trên thang điểm từ 0 đến 100, với mức cao và thấp được đánh dấu tương ứng là 70 và 30. Khung thời gian ngắn hơn hoặc dài hơn được sử dụng cho các triển vọng ngắn hoặc dài hơn xen kẽ.

Giá trị RSI dao động từ 0 đến 100. Khung thời gian mặc định để so sánh trung bình tăng và trung bình giảm là 14 giai đoạn. Trong đó, trung bình tăng là mức tăng trung bình của số kỳ tăng trong một giai đoạn thời gian được chọn, so sánh giữa giá đóng cửa và giá mở cửa. Tương tự, trung bình giảm là mức giảm trung bình của số kỳ giảm trong một giai đoạn thời gian được chọn.

RS (Relative Strength) là sức mạnh tương đối:

RS=(Trung bình tăng)/(Trung bình giảm)

Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) được tính theo công thức sau:

RSI=100-100/(1+RS)

Phân kỳ trong chỉ số sức mạnh tương đối: Nghiên cứu cặp ngoại tệ EUR/USD và một số khuyến nghị - Ảnh 1

Nhìn chung, khi giá của một thị trường lên, chỉ số RSI cũng sẽ tăng lên, bởi vì trung bình tăng sẽ vượt qua trung bình giảm. Khi giá thị trường giảm, trung bình giảm thường vượt quá mức tăng, khiến chỉ báo giảm. Tuy nhiên, tăng hoặc giảm không tiếp tục vô thời hạn và đây là nơi mà chỉ báo RSI có thể giúp đưa ra quyết định giao dịch.

Mức quá mua và quá bán

Ứng dụng cơ bản nhất của RSI là sử dụng giá trị của chỉ báo để xác định các khu vực có khả năng bị mua quá mức hoặc bán quá mức chứng khoán. Các biến động trên 70 cho thấy, tình trạng quá mua, nghĩa là trị trường đã mua quá nhiều so với mức cân bằng. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ bán bớt ra để trở về mức cân bằng, làm cho giá giảm xuống. Thường khi đường RSI rớt xuống dưới ngưỡng 70, cũng là dấu hiệu giá chứng khoán sắp giảm.

Ngược lại, các chuyển động dưới 30 phản ánh điều kiện quá bán nghĩa là lượng bán ra quá nhiều làm giá giảm xuống thấp hơn so với giá cân bằng. Nhà đầu tư sẽ mua thêm để đẩy giá lên. Thường khi đường RSI từ dưới lên và vượt ngưỡng 30, đó là dấu hiệu giá chứng khoán đó sắp tăng. Mức 50 đại diện cho một thị trường trung lập. Các mức quá mua và quá bán của chỉ báo RSI hoạt động tốt nhất khi thị trường đi ngang chứ không có xu hướng tăng hay giảm cụ thể. Tín hiệu sai xảy ra khi chỉ báo cho tín hiệu mua hoặc bán sau đó giá không theo hướng dự kiến.

Phân kỳ

Sự phân kỳ giữa RSI và hành động giá là dấu hiệu cho thấy, khả năng đảo chiều sẽ xảy ra. Phân kỳ xuất hiện khi thị trường đang quá bán hoặc quá mua và chỉ báo RSI hình thành các đỉnh cao mới hoặc đỉnh thấp mới.

Phân kỳ đảo chiều giảm giá tức là giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, nhưng RSI đỉnh sau lại thấp hơn đỉnh trước, đây là tín hiệu phân kỳ có nguy cơ đảo chiều. Phân kỳ đảo chiều tăng giá tức là giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước, nhưng RSI đáy sau lại cao hơn đáy trước. Đây là tín hiệu phân kỳ có nguy cơ đảo chiều.

Phân kỳ âm

Phân kỳ âm cũng được sử dụng để phát hiện sự đảo chiều về giá. Một phân kỳ âm tăng khi RSI di chuyển dưới 30, tăng trở lại trên 30 và kéo trở lại một lần nữa, nhưng giữ trên mức thấp nhất ban đầu. Phân kỳ âm tăng được hoàn thành khi RSI phá vỡ mức cao gần đây của nó; đột phá này được hiểu là tín hiệu tăng.

Một phân kỳ âm giảm khi RSI di chuyển trên 70, kéo xuống dưới 70 và tăng trở lại, nhưng giữ dưới mức cao nhất ban đầu. Phân kỳ âm giảm được hoàn thành khi RSI phá vỡ mức thấp gần đây của nó; đột phá này được hiểu là tín hiệu giảm.

Phân kỳ trong chỉ số sức mạnh tương đối: Nghiên cứu cặp ngoại tệ EUR/USD và một số khuyến nghị - Ảnh 2

Phân kỳ ẩn

Phân kỳ không chỉ phát hiện sự đảo chiều xu hướng của giá, nó còn phát hiện ra sự tiếp tục trong xu hướng hiện tại. Phân kỳ ẩn có thể phát hiện sự tiếp diễn xu hướng.

Khi giá tạo đáy sau cao hơn đáy trước nhưng chỉ báo đang thể hiện đáy sau thấp hơn đáy trước thì nó là phân kỳ ẩn tăng giá và xác định xu hướng giá tăng sẽ tiếp tục. Khi giá tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước nhưng chỉ báo tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước thì đó là phân kỳ ẩn giảm giá và xác định xu hướng giá giảm sẽ tiếp tục.

Áp dụng chỉ số sức mạnh tương đối phân tích cặp giao dịch EUR/USD

Bài nghiên cứu áp dụng chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) để phân tích lịch sử giá theo khung thời gian tháng của cặp giao dịch EUR/USD trong giai đoạn 1999 – 2019, sử dụng nền tảng MetaTrader 4 để đọc và phân tích dữ liệu cặp giao dịch EUR/USD. MetaTrader 4 là nền tảng điện tử cho phép các nhà giao dịch giao dịch ngoại hối và các sản phẩm tài chính khác, được phát hành vào năm 2005 bởi Công ty MetaQuotes Software và được hầu hết công ty môi giới ngoại hối cung cấp cho các khách hàng của họ. Dữ liệu được sử dụng nghiên cứu được lấy từ website https://www.forextory.net/ do ngân hàng Dukascopy Thụy Sĩ cung cấp. Dữ liệu có chất lượng với mức độ chính xác 99% được kiểm tra bởi nền tảng MetaTrader 4 (MT4),

Bài nghiên cứu sử dụng robot hỗ trợ Forextory_Divergence_RSI_v2.6.ex4 được cung cấp bởi https://www.forextory.net/. Robot được viết trên nền tảng MQL4 dưới dạng một chỉ số và được sử dụng trên nền tảng MetaTrader 4 với mục đích phát hiện tín hiệu Phân kỳ của chỉ số RSI.

Lịch sử tỷ giá EUR/USD bắt đầu khi đồng Euro được phát hành lần đầu tiên vào tháng 1/1999.

Dựa vào kết quả lịch sử giá và chỉ số RSI của cặp giao dịch EUR/USD giai đoạn 1999 – 2019, bài nghiên cứu chỉ ra tất cả những dấu hiệu dự báo đảo chiều giá, tiếp tục xu hướng giá và kiểm tra kết quả dự báo đó. Bài nghiên cứu chỉ sử dụng phương pháp kết hợp giá trị của RSI và tín hiệu phân kỳ để đưa ra dự báo. Ngoài ra, tác giả đã tự vẽ lại các tín hiệu thông báo với mục đích dễ quan sát hơn.

Phân kỳ trong chỉ số sức mạnh tương đối: Nghiên cứu cặp ngoại tệ EUR/USD và một số khuyến nghị - Ảnh 3

Trong giai đoạn 2000 – 2001, cặp EUR/USD có 2 tín hiệu phân kỳ RSI. Tín hiệu đầu tiên bắt đầu vào tháng 12/2000 khi tỷ giá tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, 0.97040 vào tháng 6/2000 và 0.95990 vào tháng 1/2001, trong khi đó, RSI tạo mô hình phân kỳ khi đỉnh trước thấp hơn đỉnh sau, 3.481.288 vào tháng 6/2000 và 43.61460 vào tháng 12/2000. Đây là tín hiệu phân kỳ ẩn giảm giá khi đỉnh giá tạo phân kỳ giảm còn đỉnh RSI tạo phân kỳ tăng. Trong thực tế, tỷ giá đã giảm ngay sau khi có tín hiệu một khoảng 10790 điểm trong giai đoạn tháng 1/2001 đến tháng 7/2001 từ 0.94260 (Giá đóng cửa tháng 12/2000) xuống 0.83470 (Giá thấp nhất của tháng 7/2001).

Vào tháng 8/2001, tín hiện phân kỳ RSI thứ hai được hình thành khi RSI lớn hơn 30, tức là tỷ giá không trong tình trạng quá bán, và tạo mô hình phân kỳ 3 đỉnh tăng liên tiếp khi các đỉnh trước thấp hơn các đỉnh sau, 3.481.288 vào tháng 6/2000 và 4.361.460 vào tháng 12/2000 và 4.557.726 vào tháng 8/2001, trong khi đó, tỷ giá lại tạo mô hình phân kỳ 3 đỉnh giảm liên tiếp khi các đỉnh trước lần lượt cao hơn đỉnh sau, 0.97040 vào tháng 6/2000 và 0.95990 vào tháng 1/2001 và 0.92440 vào tháng 8/2001. Như vậy, đây là tín hiệu phân kỳ ẩn giảm giá khi đỉnh tỷ giá tạo phân kỳ giảm còn đỉnh RSI tạo phân kỳ tăng và báo hiện xu hướng giá sẽ tiếp tục giảm. Ngay sau khi có tín hiệu, tỷ giá EUR/USD bắt đầu giảm 5520 điểm từ tháng 10/2001 tại giá đóng của tháng 9 là 0.91140 xuống 0.85620 là giá thấp nhất của tháng 2/2002.

Tín hiệu thứ 3 xuất hiện khi tỷ giá và RSI hình thành mô hình phân kỳ đảo chiều giảm giá. Tín hiệu này được xác định khi kết thúc năm 2003 và mở đầu bằng việc RSI chạm mức quá mua trong suốt năm 2003. Trong năm 2003, RSI hình thành các đỉnh tạo thành mô hình phân kỳ giảm, cùng lúc đó, tỷ giá EUR/USD hình thành các đỉnh tạo thành mô hình phân kỳ tăng. Tín hiệu dự báo sắp có khả năng đảo chiều giá trong tương lai gần và dự báo này là chính xác khi xu hướng giá đã đảo chiều ngay trong tháng 1/2004, khi 4 tháng tiếp theo tỷ giá giảm từ 1.25580 xuống chạm mức 1.17580, tương đương với việc giảm liên tục 6.37%.

Trong khoảng thời gian tín hiệu thứ 3 dự báo giảm giá được xác định, một tín hiệu phân kỳ ẩn của RSI bắt đầu hình thành. Vào tháng 8/2003, RSI tạo đáy tại 61.93776 trong khi tỷ giá EUR/USD cũng tạo đáy 1.07840. Phân kỳ ẩn tăng giá được xác nhận vào 7/2004 khi RSI tạo đáy mới tại 61.93776, thấp hơn đáy cũ, và tỷ giá EUR/USD tạo đáy mới tại 1.19900, cao hơn đáy cũ. Thêm vào đó, giá trị RSI của 2 đáy trong mô hình này đều dưới 70, đồng nghĩa với việc tỉ giá EUR/USD chưa rơi vào tình trạng quá mua. Từ tháng 8 đến hết năm 2004, tỷ giá tiếp tục xu hướng tăng trước đó đúng với tín hiệu dự đoán, với 5 nến tương đương 5 tháng tăng liên tiếp 16450 điểm, từ 1.20240 (giá đóng cửa tháng 7/2004) lên 1.36690 (giá cao nhất tháng 12/2004).

Trong cùng một giai đoạn, 3 tín hiệu dự báo trái chiều nhau được hình thành. 3 tín hiệu này kết hợp đã tạo nên dự đoán chuẩn xác sự di chuyển của tỷ giá EUR/USD xuyên suốt hai năm 2004 và 2005 với 3 xu hướng chính là giảm từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2004, tăng từ tháng 8 đến hết năm 2004, giảm trong cả năm 2005. 

Từ tháng 9/2007, tỷ giá EUR/USD bắt đầu trạng thái quá mua khi chỉ số RSI bắt đầu vượt mức 70. Năm 2008, tỷ giá hình thành 2 đỉnh tại 1.60190 và 1.60370 lần lượt vào tháng 4 và tháng 7. Cùng khoảng thời gian đó, chỉ số RSI tạo thành 2 đỉnh vào tháng 4 và tháng 6 tại 83.707,66 và 79.170,38. Như vậy, tỷ giá EUR/USD tạo phân kỳ đỉnh tăng trong khi RSI tạo mô hình phân kỳ đỉnh giảm. Từ đó, tín hiệu phân kỳ đảo chiều giảm giá được xác nhận. Tỷ giá cặp EUR/USD đã đảo chiều giảm giá ngay sau đó. Cụ thể, 5 tháng liên tiếp tiếp theo, cặp EUR/USD đã giảm mạnh liên tục 21% từ 1.560,20 (Giá mở cửa tháng 8) xuống 1.23290 (Giá thấp nhất tháng 10). Thời gian này cũng chính là thời điểm khủng hoảng kinh tế thế giới có nguồn gốc từ khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ từ năm 2007 và bùng phát mạnh từ cuối năm 2008. Điều này được phản ánh hoàn toàn trùng khớp với những tín hiệu dự báo bởi chỉ số RSI từ tình trạng quá mua USD từ cuối năm 2007 khi đồng USD liên tục mất giá. Năm 2008 mô hình phân kỳ đảo chiều giảm giá được hình thành dự báo kết thúc cuộc khủng hoảng khi Mỹ bắt đầu khôi phục lại vị trí kinh tế của mình.

Năm 2009, chỉ số RSI ở trong mức 30 đến 70; tỷ giá trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2009, một mô hình Phân kỳ ẩn giảm giá được xác nhận khi tỷ giá EUR/USD hình thành các đỉnh tạo thành mô hình phân kỳ giảm, còn chỉ số RSI hình thành các đỉnh tạo thành mô hình phân kỳ tăng. Tín hiệu này dự báo, giá sẽ tiếp tục giảm như trong xu hướng nửa cuối năm 2008. Thực tế, tỷ giá EUR/USD đã giảm 3960 điểm vào tháng 6 năm 2009 (khoảng cách giá mở cửa và giá thấp nhất tháng 6), nhưng ngay sau đó đã bắt đầu một xu hướng tăng mới.

Đầu năm 2015, tín hiệu phân kỳ âm đầu tiên xuất hiện trên cặp tỷ giá EUR/USD theo tháng khi RSI hình thành đáy dưới mức 30 tại 21.593,23 vào tháng 3, kéo lên trên 30 tại 31.080,64 vào tháng 4 và giảm trở lại xuống 29.2756 vào tháng 5 và cao hơn mức vào tháng 3. Phân kỳ âm hoàn thành vào tháng 6 khi RSI phá vỡ mức cao gần đây của nó tại 31.08064, đột phá này được hiểu là tín hiệu tăng. Ngay sau đó, giá đã tăng 5747 điểm từ 1.11393 (Giá mở cửa tháng 7/2015) lên 1.17140 (Giá cao nhất tháng 8/2015).

Tín hiệu RSI cuối cùng xuất hiện trên cặp EURUSD được ghi trong giai đoạn cuối năm 2015 và đầu năm 2016. RSI hình thành các đỉnh tạo thành mô hình phân kỳ tăng, 35.081,65 vào tháng 8/2015 và 44.644,96 vào tháng 4/2016. Cùng lúc đó, tỷ giá EUR/USD hình thành các đỉnh tạo thành mô hình phân kỳ giảm, 1.17140 vào tháng 8/2015 và 1.14647 tháng 4/2016. Tuy nhiên, đầu năm 2016, tín hiệu phân kỳ ẩn giảm giá được hình thành, dự báo rằng giá sẽ ngừng tăng từ tín hiệu phân kỳ âm tăng trước mà sẽ tiếp tục giảm giá như xu hướng từ năm 2014 trước đó. Ngay sau khi có tín hiệu này, tỷ giá cặp EUR/USD đã giảm 1.121,3 điểm như dự báo trong suốt năm 2016 và đầu năm 2017 từ 1.14616 (Giá mở cửa tháng 5/2016) xuống 1.03403 (Giá thấp nhất tháng 1/2017).

Kết luận

Nghiên cứu đã đưa ra nhưng khái niệm còn mới tại Việt Nam về phân kỳ, phân kỳ âm, và phân kỳ ẩn. Khác với phương pháp truyền thống khi chỉ sử dụng RSI thông báo trạng thái thị trường ở mức quá mua hay quá bán dễ gây nhầm lẫn và đưa ra tín hiệu sai cho các nhà phân tích tài chính, phương pháp kết hợp giá trị RSI và tín hiệu phân kỳ đưa ra một tín hiệu dự báo có độ chính xác cao hơn.

Tỷ giá cặp EUR/USD theo tháng được chọn làm đối tượng nghiên cứu để minh họa áp dụng phương pháp trên. Dựa vào dữ liệu lịch sử tỷ giá EUR/USD từ năm 1997 đến 2019, bài nghiên cứu đã chỉ ra, phân tích và tổng hợp những tín hiệu dự báo xu hướng khi sử dụng phương pháp kết hợp giá trị và tín hiệu phân kỳ của chỉ số RSI. Kết quả nghiên cứu cho thấy phương pháp có độ chính xác 100% với tỷ giá cặp EUR/USD theo tháng khi dự báo về xu hướng của thị trường. Có tổng cộng 9 tín hiệu xuất hiện. Trong đó, 3 tín hiệu là phân kỳ đảo chiều giảm giá, 4 tín hiệu là phân kỳ ẩn giảm giá, 1 tín hiệu là phân kỳ ẩn tăng giá và 1 tín hiệu còn lại là phân kỳ âm tăng giá. Tuy tất cả tín hiệu là chính xác nhưng kết quả của tín hiệu vẫn còn có thể tiếp tục cải thiện. Cụ thể, tín hiệu ảnh hưởng nhiều nhất là khi giá giảm 21% sau dự đoán; tín hiệu ảnh hưởng ít nhất là khi giá chỉ giảm trong vòng 1 tháng như dự báo. Mức độ ảnh hưởng của tín hiệu có thể được cải thiện khi kết hợp các phương pháp phân tích hoặc nâng cao phương pháp phân tích này.

Nghiên cứu này cung cấp thêm góc nhìn mới và là nền tảng để áp dụng phương pháp với các đối tượng nghiên cứu khác tại Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu vẫn còn có thể cải thiện khi kết hợp chỉ số RSI với các phương pháp khác hoặc nâng cao phương pháp phân tích RSI. Đây cũng chính là hướng nghiên cứu cho các bài nghiên cứu tiếp theo.            

Tài liệu tham khảo:

1. Welles Wilder (1978), New Concepts in Technical Trading Systems. Trend Research;

2. Murphy (2009), The Visual Investor: How to Spot Market Trends (2nd ed.). John Wiley and Sons. p. 100;

3. Marek, Patrice; Šedivá, Blanka (2017), Optimization and Testing of RSI. 11th International Scientific Conference on Financial Management of Firms and Financial Institutions;

4. Relative Strength Index. Investors Underground. Day Trading Encyclopedia. Retrieved 29 June 2016.