13 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý I/2020: Hai mảng màu khác biệt
Đến thời điểm này, đã có 13 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý I/2020 với hai mảng màu khác biệt: 5 ngân hàng lợi nhuận sụt giảm, 8 ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận 20 - 60%, thậm chí có ngân hàng tăng lợi nhuận gấp ba lần.
Nhiều ngân hàng sụt giảm lợi nhuận mạnh chưa từng thấy
Trong số 13 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý I/2020, xét về giá trị tuyệt đối, Vietcombank vẫn đứng ở vị trí quán quân với 5.222 tỷ đồng lợi nhuận, VPBank đứng vị trí thứ hai với hơn 2.900 tỷ đồng, 2 ngân hàng tiếp theo có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng là VIB và TPBank. Năm nay, Sacombank đã tuột khỏi danh sách ngân hàng có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng quý I.
Đến thời điểm này, đã có 5 ngân hàng công bố sụt giảm lợi nhuận trong quý I/2020. Cụ thể, lợi nhuận Vietcombank giảm 11%, Saigonbank giảm 31%, Bac A Bank giảm 27%, Kienlongbank giảm 23%, Sacombank giảm gần 7% so với cùng kỳ.
Dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới các ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng lớn khi phải tăng cường giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng, lẫn các ngân hàng nhỏ, ngân hàng đang tái cơ cấu – vốn có sức chống chịu kém. Điểm chung của các ngân hàng là tín dụng trong quý I/2020 tăng rất chậm, khiến lãi thuần chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong quý I/2020, các hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietcombank tăng trưởng chậm hoặc giảm nhẹ khiến thu nhập lãi thuần của ngân hàng chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái, cộng trích lập dự phòng rủi ro tăng tới 43% khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng giảm tới 11%.
Với Sacombank, mặc dù các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi vẫn tăng trưởng khá song lãi thuần từ hoạt động khác giảm gần 77% và chi phí hoạt động tăng khá mạnh: gần 21% là nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế quý I/2020 của Sacombank đạt 987 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân lợi nhuận Saigonbank sút giảm quý I/2020 lại đến từ rất nhiều yếu tố: tín dụng và huy động đều sụt giảm, kéo theo lãi thuần giảm. Lĩnh vực dịch vụ cũng trong cảnh tương tự trong khi trích lập dự phòng rủi ro tăng 51% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm 31,4% còn 48,3 tỷ đồng.
Còn Kienlongbank, do thu nhập phụ thuộc lớn vào tín dụng nên khi tín dụng quý I/2020 hầu như không tăng trưởng (chỉ tăng 1%), cộng với nợ xấu tăng mạnh, trích lập dự phòng phải tăng tới 64% khiến lợi nhuận sụt giảm còn 57 tỷ đồng (giảm 23%).
Tại BacABank, mức giảm lợi nhuận cũng tương tự (27%), song không phải do tín dụng tăng trưởng thấp, mà do chi phí huy động vốn tăng mạnh hơn doanh thu. Trong khi đó, các mảng kinh doanh khác cũng tăng chậm hoặc sút giảm.
Có thể thấy, Covid-19 không chỉ tác động tới tín dụng mà đang tác động mọi mặt đến các hoạt động của ngân hàng, từ dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh ngoại hối đến các hoạt động khác.
Các ngân hàng có lãi tranh thủ tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro
Mặc dù dịch Covid-19 tác động mạnh đến các ngân hàng, song nhiều ngân hàng vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều trong quý I/2020. Trong quý, vẫn có tới hơn 60% ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng lợi nhuận dương với mức khá cao.
Cụ thể, trong 13 ngân hàng công bố báo cáo tài chính đến thời điểm này, có tới 8 ngân hàng vẫn duy trì lợi nhuận khả quan, đó là VPBank, VIB, TPBank, LienVietPostBank, VietABank, SeABank, VietBank và NCB.
Xét về tốc độ tăng trưởng, dẫn đầu là VietABank với mức tăng 3,5 lần (đạt gần 81 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 23 tỷ đồng). Một số ngân hàng khác có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao là: Vietbank lợi nhuận tăng gấp 2,3 lần và Seabank lợi nhuận tăng gấp 2,1 lần trong quý I.
Xét về giá trị tuyệt đối, ngân hàng lãi lớn nhất là VPBank với hơn 2.900 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 63% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ tín dụng tăng trưởng tốt, các hoạt động kinh doanh khác đều mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, thu nhập phí thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng riêng lẻ tăng 49,4%. Hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán cũng mang lại doanh thu cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Các ngân hàng có lợi nhuận tốt và mức tăng trưởng cao tiếp theo là: VIB lợi nhuận tăng 33%, TPBank và LienVietPostBank có mức tăng trưởng lợi nhuận 18%. Riêng NCB có mức tăng trưởng lợi nhuận 12,4%.
Một điểm chung dễ nhận thấy là trong quý, tranh thủ lợi nhuận khả quan, hàng loạt ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để chuẩn bị đối phó với nợ xấu đang có nguy cơ tăng mạnh.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng dự báo, quý II/2020, lợi nhuận sẽ sụt giảm mạnh do các ngân hàng đồng loạt giảm lãi vay, giãn nợ, cơ cấu nợ để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bên cạnh đó, trích lập dự phòng tăng mạnh cũng ăn mòn đáng kể lợi nhuận ngân hàng.
TS Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, năm 2020, thu nhập hoạt động của các tổ chức tín dụng sẽ giảm ít nhất là khoảng 30.000 - 34.000 tỷ đồng, tương đương giảm 20 - 25% kế hoạch lợi nhuận ban đầu.