Tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng giảm

Theo Trân Anh/ndh.vn

Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại các ngân hàng giảm trong quý I. Techcombank vượt MB dẫn đầu về tỷ lệ CASA.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo thống kê của Người Đồng Hành, lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại 24 ngân hàng tới cuối quý I giảm 11% so với cuối năm trước, xuống 950.303 tỷ đồng. Phần lớn ngân hàng đều ghi nhận giảm CASA về giá trị và tỷ trọng trong cơ cấu tiền gửi khách hàng. 

Đứng đầu về mức giảm CASA là VietBank giảm từ 41% giá trị trong quý I, xuống 71.852 tỷ đồng. 2 ngân hàng khác cũng có xu hướng tương tự là BacABank và Kienlongbank, CASA thấp hơn 39-40% so với cuối năm 2019, lần lượt ở 16.200 tỷ đồng và 11.741 tỷ đồng. 

CASA tại các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng, %
CASA tại các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng, %
 

Ở nhóm giữa, MB, NamABank LienVietPostBank, TPBank… có giá trị CASA giảm 16-19% so với cuối năm trước. Trong khi đó, các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, ACB… giảm quanh 10-13%. Nhóm còn lại giảm 5-8% có thể điểm tới là Techcombank, Sacombank, Vietcombank…

4 ngân hàng ngược dòng tăng trưởng CASA trong quý I gồm MSB với 16.646 tỷ đồng, cao hơn 5% so với cuối năm 2019, ABBank 7.935 tỷ đồng, tăng 2% và HDBank tăng 1%. 

Cùng với giá trị giảm, tỷ trọng CASA trong cơ cấu tiền gửi của các nhà băng cũng đi xuống. MB, ngân hàng dẫn đầu hệ thống vào cuối năm 2019, hạ tỷ trọng từ 34% xuống 29,8%, rơi xuống vị trí thứ 2 vào cuối quý I. Techcombank vươn lên dẫn đầu khi tỷ lệ CASA chỉ giảm hơn 2 điểm phần trăm trong quý I, dừng ở 30,7%. 

Một số ngân hàng giảm mạnh tỷ trọng CASA khác như LienVietPostBank (giảm 3,1 điểm phần trăm), TPBank, ACB, Vietbank, Vietcombank… giảm 2-2,4 điểm phần trăm. Ở nhóm dưới, phần lớn đều giảm 1-1,9 điểm phần trăm so với cuối năm trước. 

2 ngân hàng tăng tỷ trọng CASA là MSB tăng 0,7 điểm phần trăm lên 20,4% và ABBank tăng 0,6 điểm phần trăm lên 11,9%, lần lượt đứng thứ 4 và thứ 11 trong hệ thống. 

Tỷ trọng CASA của các ngân hàng. Đơn vị: %
Tỷ trọng CASA của các ngân hàng. Đơn vị: %
 

Nguyên nhân tỷ lệ CASA giảm một phần lớn do doanh nghiệp rút mạnh tiền gửi trong những tháng đầu năm. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức 3,77 triệu tỷ đồng, giảm hơn 4,8%, tương đương giảm hơn 190.000 tỷ đồng. Mức giảm này lớn hơn so với con số 2,87% của cùng kỳ năm 2019.

Đơn cử tại MB, tiền gửi tại tổ chức kinh tế (TCKT) giảm 24% so với đầu năm xuống 115.450 tỷ đồng. Mặt khác, việc sụt giảm CASA cũng đến từ việc khách hàng doanh nghiệp lớn của MB chuyển từ tiền gửi không kỳ hạn sang có kỳ hạn và một số hoạt đông nghiệp vụ như hoạt động bảo lãnh (khiến dòng tiền thường rất lớn vào cuối năm). 

Điều này có thể thấy ở một số nhà băng khác khi tỷ trọng CASA cuối quý I cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Đơn cử tại MB và Techcombank, tỷ lệ này tăng 4,7 điểm phần trăm và 4 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tương tự với HDBank, SeABank, VPBank… tỷ trọng CASA tăng 2-3 điểm phần trăm.