Ngăn nguy cơ “sập giá” đất nền Đà Nẵng

Theo enternews.vn

Giá đất nền bị đẩy lên cao liên tục nhưng giao dịch chủ yếu giữa giới đầu tư với nhau dễ dẫn đến nguy cơ hình thành những khu đô thị không có người ở.

Thay vì chỉ chia lô bán nền như trước đây, nhiều chủ đầu tư đã tập trung đầu tư các tiện ích cho dự án để qua đó thu hút, giữ chân khách hàng. Nguồn: internet.
Thay vì chỉ chia lô bán nền như trước đây, nhiều chủ đầu tư đã tập trung đầu tư các tiện ích cho dự án để qua đó thu hút, giữ chân khách hàng. Nguồn: internet.

Cơn sốt nhanh chóng hạ nhiệt

Sau cơn sốt kéo dài từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017 khiến giá đất nền tăng gấp đôi trong thời gian ngắn, thị trường nhà đất Đà Nẵng đã nhanh chóng hạ nhiệt. Giao dịch giảm mạnh, chỉ những người dân có nhu cầu bức bách về nhà ở và có tiền tươi mới dám mua.

Tại một dự án nằm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, trái ngược với cảnh nhộn nhịp trước đây khi mỗi ngày có hàng trăm người đi xem đất dự án thì hiện tại, lượng người hiện nay thưa thớt khiến giới đầu cơ cũng như môi giới ngán ngẩm. Các ki ốt hay các phòng giao dịch tại hiện trường cũng vắng bóng người, thậm chí đóng cửa im ỉm.

“Mặc dù giá đã xuống 20% so với thời kỳ nóng sốt, song giao dịch trên thị trường vẫn rất thưa thớt. Cả tháng may ra được một hợp đồng. Đã vậy người mua một mà người bán thì cả trăm. Thị trường đã khó càng thêm khó” – anh Cường, một môi giới chia sẻ.

Thực tế, cơn sốt giá đất nền thời gian vừa qua chủ yếu là do giới đầu tư mua đi bán lại với nhau. Những người có nhu cầu thực mua đất nền để xây nhà ở không nhiều và họ cũng giao dịch thận trọng hơn giới đầu cơ. Nhưng vì giao dịch do giới đầu tư chi phối và khi giá đất nền bị đẩy lên quá cao nằm ngoài khả năng chi trả của những người có nhu cầu thực.

Hơn nữa, do chỉ chăm chăm bán đến nền mà không đầu tư tiện ích nên những dự án này không thu hút được người mua nhà đến xây nhà để ở. Nguy cơ 'sập giá' đất nền cũng vì thế ngày càng cao. 

Trước những khó khăn của thị trường, nhiều chủ đầu tư đất nền tại Đà Nẵng bắt đầu tham gia cuộc đua để giữ chân và thu hút khách hàng đến với dự án của mình.

Ông Bùi Xuân Định – Tổng giám đốc Trung Nam Land cho biết, những năm trước đây, những dự án bán “lúa non” có thể được ưa chuộng vì có thể sinh lời cao và khách hàng cũng không quan tâm nhiều đến thiết kế, tiện ích của dự án. Nhưng hiện nay, khách hàng chủ yếu là người mua để ở nên nếu thông tin về sản phẩm không rõ ràng, sản phẩm không có sức cạnh tranh thì rất khó bán.

Lấy ví dụ dự án Golden Hills, ông Định cho biết, dù dự án có tổng diện tích đến hơn 400ha nhưng chủ đầu tư chỉ xây dựng với mật độ 42,1%, đồng thời xây dựng hàng loạt tiện ích như hơn 10 công viên xanh, khu vui chơi thể thao phức hợp gồm sân bóng, sân tennis.

Mới đây, chủ đầu tư đã khánh thành đường Nguyễn Tất Thành nối dài qua dự án rộng 21m với tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng; xây dựng trường cấp 2 Đàm Quang Trung nằm trong dự án với 30 tỷ đồng và xây dựng đê kè ven sông Cu Đê kết hợp với lối đi bộ với tổng vốn hơn 300 tỷ đồng.

“Với những dự án do Trung Nam phát triển, chúng tôi rất chú trọng phát triển các tiện ích để phục vụ khách hàng. Tất nhiên, khi phát triển các tiện ích, giá bán sẽ cao hơn nhưng bù lại, khách hàng sẽ hưởng những gì xứng đáng với đồng tiền mà họ bỏ ra để đầu tư”, ông Định nhấn mạnh.

Cuộc đua giữ chân người mua

Một số dự án trên địa bàn Đà Nẵng cũng bắt đầu tham gia xu hướng này. Ông Trần Ngọc Thành – Tổng giám đốc Đất Xanh miền Trung cho biết, dự án Danang Pearl rộng 64 hecta sẽ có 2 công viên với tổng diện tích hơn 15 ha và 1 quảng trường ánh sáng với diện tích gần 8ha, cùng với hàng loạt các tiện ích như câu lạc bộ du thuyền kayak, trường quốc tế.

Nhận xét về cuộc chạy đua đầu tư tiện ích của các doanh nghiệp bất động sản tại Đà Nẵng, ông Đỗ Minh Dương – chuyên gia bất động sản cho biết nếu như trước đây, khi mua bất động sản, khách hàng chưa thực sự chú trọng đến các hạng mục tiện ích thì hiện nay, nhà đầu tư cũng như người mua để ở thường tìm đến những sản phẩm có môi trường sinh thái thân thiện, thiết kế hiện đại, sang trọng, khác biệt.

 “Theo thời gian, khách hàng sẽ không chỉ nhìn nhận về góc độ giá cả, chất lượng công trình mà ngày càng có những yêu cầu khắt khe hơn về thiết kế kiến trúc, không gian sống, tiện ích... mang tính đẳng cấp, thời thượng. Đó là lý do nhiều chủ đầu tư sẵn sàng chịu chi cho những hạng mục này”, ông Dương nói.

Là người trong cuộc, ông Thành cho rằng, xu hướng này sẽ hỗ trợ thị trường phát triển bền vững hơn, chứ không thể cứ “ăn theo” cơn sốt đất nền mà bán càng nhanh càng tốt để kiếm lời.

“Với một doanh nghiệp bất động sản, anh phải tính toán, phải đầu tư theo hướng những cư dân trong dự án của mình cần gì để đáp ứng nhu cầu của “thượng đế”. Cùng với đó, anh cũng phải suy nghĩ những cái táo bạo, những cái mới của Việt Nam cũng như thế giới để cung ứng cho khách hàng, tạo sự khác biệt cho dự án”, ông Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, khách hàng cũng cần lưu ý những gì để tránh “bánh vẽ” do chủ đầu tư đưa ra. Bởi trên thực tế, tại Đà Nẵng cũng có không ít những dự án mà chủ đầu tư “nói một đằng, làm một nẻo”.

Như dự án The Summit do Meridian Property làm chủ đầu tư là một ví dụ. Với “bánh vẽ” là khu căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp độc đáo mang tiện ích đẳng cấp của khu resort với 356 căn hộ, các tiện ích độc đáo như bể bơi, sân vườn trên tầng thượng, café The Rooftop.

Tuy nhiên, trái ngược với mức độ “hoành tráng trên giấy” mà chủ đầu tư “vẽ” ra, đến hiện tại, dự án mới xây dựng phần thô rồi nằm bất động, cỏ mọc nham nhở, tường gạch rêu phủ, hôi hám, thành tụ điểm trú ngụ cho chuột và các loại côn trùng... phơi mưa phơi nắng của miền Trung nhiều năm qua.

Cũng có những dự án khu đô thị “vẽ” ra rất nhiều tiện ích hoành tráng nhưng vài năm trôi qua vẫn chỉ là những lô đất nền lác đác vài nhà dân xây dựng.

Ông Định cho rằng, đầu tư tiện ích là một xu hướng rõ nét trong các dự án bất động sản thời gian gần đây và nó chứng tỏ thị trường đã thật sự đi vào nhu cầu thực và người mua nhà đã thật sự ở vị thế trung tâm. Tuy nhiên, khách hàng cũng cần lưu ý nên lựa chọn sản phẩm của những công ty bất động sản uy tín, tài chính vững mạnh, có thương hiệu để tránh những rủi ro không đáng có có thể xảy ra trong quá trình đầu tư.