Đất nền Sài Gòn hạ “cơn sốt” ảo

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Chưa bao giờ cơn sốt đất nền trong mấy tháng qua nhận được sự quan tâm của giới chuyên gia cùng các cơ quan ban ngành TP. Hồ Chí Minh nhiều tới như vậy. Nguyên do là từ đầu năm 2017, giá đất TP. Hồ Chí Minh liên tục tăng, trung bình mỗi tháng tới 10%. Theo giới chuyên gia, biên độ tăng này là rất lớn nếu xét trong thời gian ngắn hạn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong khi đó, tỷ lệ tăng bình quân trong khoảng thời gian từ đầu năm 2015 đến nay chỉ ở mức 100% tuy một số ít khu vực có mức tăng đột biến đến 200%. Đây chính là dấu hiệu bất ổn của thị trường bất động sản (BĐS) gây nguy cơ cho nhiều nhà đầu tư sẽ bị “thua lỗ” nếu không có biện pháp ngăn chặn “cơn sốt” này.

Thao túng gây sốt ảo

Nhiều tháng trở lại đây, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) liên tục đưa ra những cảnh báo, biện pháp gửi các cơ quan chức năng nhằm hạn chế “cơn sốt ảo” đất nền.

Cụ thể, ngày 7/4/2017, tại báo cáo số 35/CV-HoREA, HoREA đã đưa ra một số nhận định: “Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có hiện tượng “sốt giá ảo” trong phân khúc đất nền ở các quận vùng ven và một số huyện như: quận 9, quận 12, quận Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ”.

Đối tượng là đất nền do hoạt động tách thửa, phân lô theo Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 15/10/2014, hoặc đất thổ vườn trong các khu dân cư nông thôn ở những quận vùng ven và huyện ngoại thành, thậm chí có cả một số khu đất nông nghiệp cũng bị phân lô bán giấy viết tay trái pháp luật.

Tiếp đó, ngày 11/5/2017, tại báo cáo số 46/CV- HoREA, HoREA tiếp tục có văn bản đề nghị các cơ quan ban ngành cần có giải pháp hiệu quả để hạ nhiệt cơn sốt giá đất nền. Trong văn bản này, HoREA một lần nữa khẳng định cơn sốt đất nền là do bị thao túng.

“Giới đầu nậu và cò đất là bên thủ lợi trong cơn sốt giá ảo đất nền hiện nay. Cơn “sốt giá ảo” này rất nguy hiểm, đã và đang làm méo mó và tác động tiêu cực đến thị trường BĐS, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường BĐS, cần phải có các giải pháp hạ nhiệt kịp thời, hiệu quả, không để xảy ra vỡ “bong bóng” gây thiệt hại dây chuyền trên thị trường BĐS cũng như để bảo vệ người tiêu dùng”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận định.

Và cũng mới đây, công ty DKRA đã đưa ra bản báo cáo mới có nêu rõ, từ đầu năm 2017 đến nay, giá đất TP. Hồ Chí Minh có mức tăng bình quân 10%/tháng, biên độ tăng giá này được đánh giá là rất lớn nếu xét trong ngắn hạn.

Sốt ảo đã hạ nhiệt

Trong khi đó, tỷ lệ tăng giá bình quân toàn thị trường trong vòng 12 tháng qua ở mức trên 100%, không ít khu vực đã xảy ra tình trạng giá đất tăng đột biến 200%. Đáng chú ý là cơn sốt đất đã lan nhanh ra toàn thành phố, không loại trừ những khu vực vùng ven, vùng sâu, vùng xa.

Vì vậy, ông Lê Hoàng Châu khẳng định: “Hoạt động của giới đầu nậu và cò đất bất chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “sốt giá ảo” đất nền hiện nay nên cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời”.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của cơn sốt đất nền, các chuyên gia BĐS đã đưa ra cảnh báo nguy cơ nhiều nhà đầu tư, môi giới sẽ “điêu đứng” nếu cơn sốt ảo bị vỡ.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lo ngại thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh đang bị thao túng bởi các chiêu làm giá của cò đất địa phương. Nếu cơn sốt ảo kéo dài, đất nền theo đà tăng lên rồi đột ngột hạ xuống, sẽ gây bất ổn cho thị trường.

Để tìm hiểu thực hư, trong vai người đi mua đất nền, nhóm phóng viên (PV) đã trực tiếp xuống các khu vực như quận 12, Củ Chi, quận 9, Thủ Đức… Tuy xuất hiện khá nhiều áp phích và các trung tâm giao dịch nhà đất tự phát song dường như đều “vắng bóng” khách hàng, tình hình giao dịch không còn tập nấp như mấy tháng trước. Ngay cả những văn phòng nhà đất được đánh giá là sôi động trên đường Đỗ Xuân Hợp, Lò Xu thuộc khu vực quận 9 cũng chỉ nhìn thấy chung một quang cảnh vắng vẻ.

Trao đổi với anh Tân, người dân sống trên đường Đỗ Xuân Hợp, anh cho biết: “Cách đây mấy tháng, lượng khách hàng đến tìm hiểu thông tin, mua đất khá đông. Song gần tháng trở lại đây, lượng khách tới đây đã ít hẳn. Nếu có chủ yếu là đi tìm hiểu thông tin”.

Tiếp tục tìm hiểu, một số khu vực khác như phường Thạnh Xuân (quận 12), khu vực Củ Chi, hiện tượng các nhà đầu tư tới gom đất không còn sôi động như trước, thay vào đó là sự yên ắng lạ thường. Thỉnh thoảng cũng có xuất hiện một số nhóm đến tìm hiểu các dự án phân lô bán nền, tuy nhiên khách hàng chỉ muốn tham khảo thông tin là chính.

Thực tế hiện nay cho thấy, thị trường BĐS đất nền một số khu vực đang có dấu hiệu “hạ nhiệt”, không còn sôi động như trước. Như vậy, điều mà nhiều chuyên gia BĐS lo ngại đang dần trở thành sự thực.

Trong những tháng tới, nếu thị trường đất nền không còn sôi động, việc giá đất nền hạ xuống là điều không thể tránh khỏi. Như vậy sẽ khiến giới đầu cơ, đầu nậu đón nhận sự thất thoát lớn khi ôm đất giá cao mà không thể bán lại.