Ngành Bảo hiểm trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0: Hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội

PV.

Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) ảnh hưởng đến mọi mặt của ngành Bảo hiểm, bởi các công đoạn của một chu trình sản phẩm dịch vụ bảo hiểm đều chịu sự ảnh hưởng rất lớn của kỹ thuật số.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đón đầu xu thế CMCN 4.0

Tại Việt Nam, không ít doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã nhanh nhạy đón đầu xu thế để tận dụng lợi thế của cuộc CMCN 4.0 thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Trong số các DNBH tiên phong đón đầu cuộc CMCN 4.0 phải kể đến một số tên tuổi lớn, hàng đầu trên thị trường bảo hiểm Việt Nam như Tập đoàn Bảo Việt. Năm 2018, Bảo Việt sẽ tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh triển khai các dự án công nghệ thông tin trọng điểm nhằm đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong xu hướng CMCN 4.0, góp phần nâng cao chất lượng của công tác quản trị điều hành tập trung và thúc đẩy hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống, tạo điều kiện cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tài chính trực tuyến trọn gói và đáp ứng yêu cầu cạnh tranh trong xu hướng CMCN 4.0.

Minh chứng cho chiến lược này của Bảo Việt là việc ngày 1/2/2018, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt) – đơn vị thành viên của Tập đoàn Bảo Việt đã tiên phong và chính thức ký kết hợp đồng hợp tác cùng MoMo – Công ty Fintech cung cấp giải pháp ví điện tử an toàn. Kế hoạch này nằm trong định hướng phát triển bền vững thông qua việc ứng dụng thành quả công nghệ của cuộc CMCN 4.0 trong hoạt động kinh doanh để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm ngày một thuận tiện hơn, thú vị hơn và nhanh hơn khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm tài chính. Có thể thấy, việc một DN lớn như Bảo hiểm Bảo Việt hợp tác với 1 startup về Fintech có uy tín tại Việt Nam đã cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ, sẵn sàng đón đầu CMCN 4.0 để mang sản phẩm gần hơn, tiện lợi hơn, thông minh hơn đến cho khách hàng trong thời đại số hoá.

Với thoả thuận này, Bảo hiểm Bảo Việt đã trở thành công ty bảo hiểm đầu tiên ký kết hợp tác bán trực tuyến các sản phẩm của mình trên ứng dụng ví MoMo - kênh phân phối chính thức cho các sản phẩm bảo hiểm cá nhân của Bảo hiểm Bảo Việt như: Bảo hiểm xe ô tô, xe máy, bảo hiểm sức khỏe, ung thư, bảo hiểm du lịch… Khách hàng có thể chủ động lựa chọn và trực tiếp mua sản phẩm bảo hiểm của Bảo Việt thông qua ứng dụng ví điện tử MoMo, đồng thời được trải nghiệm quy trình đặt mua và thanh toán trực tuyến khép kín, vô cùng nhanh chóng, tiện lợi với các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn bảo mật quốc tế chỉ bằng một chạm trên di động.

Việc hợp tác chiến lược với MoMo là một trong những bước đi tiên phong của Bảo hiểm Bảo Việt không chỉ mang đến giải pháp toàn diện trong việc mua bán, thanh toán không tiền mặt - xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0 – đối với các sản phẩm bảo hiểm cần thiết cho cuộc sống, mà còn thể hiện rõ định hướng phát triển lâu dài dựa nền tảng công nghệ thông tin của Bảo hiểm Bảo Việt khi InsurTech đang dần trở thành xu hướng mới và là tương lai của ngành bảo hiểm.

Ngoài ra, có thể kể đến một số trường hợp điển hình khác như Công ty bảo hiểm nhân thọ FWD Việt Nam hiện đã số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ, hay Công ty Prudential Việt Nam trong năm 2017 cũng đã giới thiệu giải pháp công nghệ ứng dụng trên nền tảng AI và Big Data như chatbox tư vấn bảo hiểm PRUbot hay tương tác với khách hàng thông qua facebook, website. Theo thống kê của Prudential trong năm 2017, đã có gần 290.000 lượt tin nhắn trò chuyện của khách hàng với PRUbot...

Hóa giải thách thức, tận dụng cơ hội

Trong bối cảnh CMCN 4.0, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, mang lại cho lĩnh vực bảo hiểm nhiều lợi ích như gia tăng kênh bán hàng, phương tiện tương tác, cơ hội có được dữ liệu toàn diện, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNBH…

Theo các chuyên gia bảo hiểm, cuộc CMCN 4 với các ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp các DNBH đẩy mạnh kênh phân phối qua giao dịch điện tử, đồng thời giúp các DNBH tiết kiệm chi phí nguồn nhân lực thực hiện công đoạn bán hàng. Khách hàng cũng sẽ chủ động tìm hiểu các nguồn thông tin về sản phẩm bảo hiểm đáp ứng nhu cầu đa dạng của họ...

Theo Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), CMCN 4.0 sẽ ảnh hưởng đến mọi mặt của ngành Bảo hiểm, bởi các công đoạn của một chu trình sản phẩm dịch vụ bảo hiểm (hay chuỗi giá trị bảo hiểm) đều chịu sự ảnh hưởng rất lớn của kỹ thuật số.
Chẳng hạn, trong giai đoạn tìm hiểu thị trường, thiết kế sản phẩm, dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối (IoT) mang lại những phân tích đáng tin cậy, nhanh hơn nhiều so với các phương tiện truyền thống trước đây. Từ đó, các DNBH phát triển được những sản phẩm bảo hiểm cá thể hoá cao, sản phẩm bảo hiểm cho từng đối tương. Đến giai đoạn tiếp thị/chào bản sản phẩm, IoT, mạng xã hội hỗ trợ việc tiếp cận và tương tác với khách hàng nhanh hơn trước đây rất nhiều. Với trí tuệ nhân tạo (AI) và Big Data, DNBH cung cấp cho dại lý các thông tin để tối ưu hóa sản phẩm/dịch vụ đối với mỗi khách hàng với một khoảng thời gian tối ưu. Công nghệ số giúp việc lập bản chào phí bảo hiểm nhanh, trực tiếp, thủ tục đơn giản hơn, giảm bớt chi phí và thời gian.
Đến giai đoạn thẩm định rủi ro, tính phí bảo hiểm, Big Data giúp tra xuất dữ liệu về khách hàng tiện lợi, đầy đủ, khiến việc thẩm định, tính phí bảo hiểm diễn ra nhanh hơn. Big Data cũng giúp tránh, ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm hoặc hành vi lựa chọn bất lợi. Đến giai đoạn phục vụ sau bán hàng, các công cụ trực tuyến giúp quản trị hợp đồng bảo hiểm mọi nơi, mọi lúc, rất thuận tiện cho khách hàng. Các dịch vụ 24/7, sử dụng AI trả lời những thắc mắc của khách hàng; công nghệ định vị, địa phương hóa, cá thể hoá chăm sóc khách hàng...
Tuy nhiên, trong dài hạn các DNBH phải đối mặt với nguy cơ khách hàng rút khỏi thị trường bảo hiểm truyền thống khi tận dụng được hiệu quả của dịch vụ quản lý rủi ro, cũng như sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực vật lý, sinh học, y học...

Cuộc CMCN 4 với các ứng dụng công nghệ hiện đại cũng có khả năng gây ra nguy cơ giảm việc làm cho người lao động khi người dân lựa chọn hình thức giao dịch điện từ nhiều hơn cho nhu cầu mua bảo hiểm. Các DNBH cũng đối mặt với nguy cơ an ninh mạng, mất các cơ sở dữ liệu cá nhân... Trong khi đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm đối với cơ quan giám sát bảo hiểm cũng cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Trong thời gian tới, để đón đầu cuộc CMCN 4.0, các cơ quan quản lý và DNBH cần phải tiếp tục tái cơ cấu DNBH, tăng cường quản lý giám sát giao dịch, an toàn tài chính các DNBH, đổi mới các sản phấm dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, DNBH cần chuẩn bị tốt quy trình quản lý rủi ro, đặc biệt là rủi ro hệ thống và rủi ro bán hàng để sẵn sàng triển khai áp dụng trên thực tế, bước đầu đối với những sản phẩm bảo hiểm đơn giản. Các DNBH cần đầu tư một hệ thống công nghệ hiện đại, một cơ sở dữ liệu đầy đủ để có thể thiết kế chi tiết mỗi rủi ro được bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm rất đa dạng để thu hút khách hàng lựa chọn...