Ngành Chứng khoán “tìm long mạch, đón gió đông”
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và dần phục hồi, được kỳ vọng tạo ra nhiều điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán từ cuối năm 2023.
"Gió đông" sẽ về từ cuối năm 2023
Sau một năm 2022 đầy biến động của thị trường chứng khoán, hầu hết các nhà đầu tư đều e dè cổ phiếu các công ty chứng khoán. Do đó, định giá của ngành này đã bị áp lực đáng kể từ đầu năm 2023.
Theo Trung tâm phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, định giá của ngành Chứng khoán hiện đang ở mức P/B là 1,6 lần, thấp hơn so với mức trung bình trong 3 năm gần đây.
Với kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2023 nhờ hỗ trợ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng, VNDirect cho rằng, ngành môi giới sẽ là đại diện tốt nhất cho sự phục hồi của thị trường chứng khoán. Do đó, các công ty chứng khoán sẽ có kết quả hoạt động tốt hơn trong nửa cuối năm 2023.
VNDirect nhận định, Việt Nam là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, được hưởng lợi từ thị trường chứng khoán với mức độ thâm nhập thấp, tốc độ tăng trưởng thu nhập khả dụng cao và cam kết của Chính phủ phát triển lĩnh vực chứng khoán như triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán mới do Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) phát triển, với ngày ra mắt dự kiến là trong vài tháng tới.
Hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nâng cao năng lực với thanh khoản cao hơn (lên đến 4 tỷ USD mỗi phiên), giảm thời gian thanh toán từ T+2,5 hiện nay (từ đó có thể thúc đẩy tỷ lệ quay vòng vốn) và giải quyết các vấn đề cần thiết để được nâng cấp lên thị trường mới nổi. Ngoài ra, vốn hóa thị trường của Việt Nam/GDP chỉ đạt xấp xỉ 60% vào cuối quý II/2023, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ là 120% vào cuối năm 2025 và thấp hơn mức hiện tại của Thái Lan (103%) và Malaysia (84%).
Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi đang trong xu hướng giảm sẽ hỗ trợ dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào các tài sản có tính sinh lời cao hơn dù có thể đi kèm rủi ro, chẳng hạn như chứng khoán khi chi phí cơ hội giảm. Điều này cũng cải thiện nhu cầu cho dịch vụ môi giới, thúc đẩy giá trị giao dịch, từ đó tăng doanh thu phí giao dịch cho các công ty chứng khoán.
Hoạt động cho vay margin theo đó cũng cải thiện. Với chi phí vốn thấp hơn, công ty chứng khoán sẽ có nhiều dư địa để giảm lãi suất cho vay margin, giúp đẩy mạnh hoạt động giao dịch chứng khoán, cũng như hoạt động giao dịch và gia tăng doanh thu cho các công ty môi giới. Lợi nhuận vì thế cũng được cải thiện, từ đó nâng hiệu quả đầu tư của danh mục đầu tư.
Gọi tên công ty chứng khoán có “long mạch”
Với gần 90 công ty chứng khoán trên thị trường, ngành Chứng khoán đang rất phân mảnh. Top 5 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất tại HOSE trong quý II/2023 bao gồm: Chứng khoán VPS (VPS), SSI, VND, Chứng khoán Techcom (TCBS) và Chứng khoán Mirae Asset (MAS).
Cùng với sự gia tăng của các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán trong quý II/2023, các công ty chứng khoán có lợi thế về tệp khách hàng cá nhân lớn đã có sự cải thiện về thị phần so với quý trước, cụ thể là VPS, VND và MBS. Trong khi đó, các công ty chứng khoán có tỷ trọng nhiều về nhà đầu tư tổ chức lại giảm thị phần so với quý trước như HSC, VCI.
Theo VNDirect, các công ty môi giới có lợi thế về nhà đầu tư bán lẻ và mức độ số hóa cao sẽ được hưởng lợi, bao gồm: SSI, VND, MBS, TCBS. Các công ty chứng khoán này có lượng khách hàng cá nhân lớn để tăng thị phần trong tương lai, đồng thời có nhiều sản phẩm dựa trên công nghệ để hỗ trợ và tư vấn cho nhà đầu tư như trí tuệ nhân tạo (AI), môi giới ảo và sao chép giao dịch.
Ví dụ: Sản phẩm i-Invest của BSI sử dụng dữ liệu giao dịch, chỉ số tài chính và chỉ số định giá để giới thiệu cổ phiếu tiềm năng cho nhà đầu tư. TCBS và MBS cũng cung cấp dịch vụ sao chép giao dịch, cho phép nhà đầu tư sao chép hoạt động giao dịch của nhà đầu tư khác.
Báo cáo phân tích của VNDirect cho thấy, VPS mặc dù là một cái tên nổi bật trong mảng môi giới, đã ghi nhận lợi nhuận gộp từ hoạt động môi giới trong giai đoạn 2020-2022 thấp hơn nhiều do chiến lược chi mạnh tay cho mảng môi giới, gồm phí giao dịch thấp và hoa hồng hấp dẫn cho các chuyên viên môi giới. Trong khi đó, TCBS với chiến lược tập trung vào số hóa và mô hình hoạt động không môi giới giúp giảm thiểu chi phí trung gian cũng như tăng biên lợi nhuận mảng này.
Hoạt động cho vay margin cũng được cải thiện trong môi trường lãi suất thấp. Các công ty môi giới có tiềm năng cao cho tăng trưởng cho vay margin và spread cao, cùng với chiến lược không tập trung mở rộng danh mục đầu tư có thể mở rộng thu nhập từ cho vay ký quỹ, bao gồm: SHS, AGR, SSI, BSI và MBS.
Thu nhập của toàn bộ thị trường chứng khoán được cải thiện nhờ lãi suất duy trì ở mức thấp, do đó cải thiện hiệu quả đầu tư trong danh mục đầu tư của các công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán có lợi suất cho vay cao hơn so với các công ty cùng ngành bao gồm: AGR, MBS, BSI, SSI và SHS.