Ngành Hải quan áp dụng biện pháp “mạnh” trong thu hồi, xử lý nợ thuế
Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục Kiểm tra sau thông quan áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ đối với người nộp thuế còn nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp, đảm bảo thu hồi kịp thời nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước, giảm nợ đọng thuế.
Theo dõi chặt chẽ các khoản nợ thuế
Thời gian qua, ngành Hải quan đã chú trọng xây dựng phương án xử lý, thu hồi nợ quá hạn để có giải pháp thu, xử lý nợ hiệu quả, hợp lý; đảm bảo công tác quản lý, cưỡng chế, thu hồi nợ được đồng bộ, nhất quán, đáp ứng mục tiêu công bằng xã hội giữa các đối tượng nộp thuế trong việc chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Các cục hải quan tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ các khoản nợ; thường xuyên theo dõi kết quả thực hiện các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp để đôn đốc ngay từ khi nợ thuế mới phát sinh và thực hiện liên tục đến khi giảm nợ.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đôn đốc các Cục Hải quan tỉnh, thành phố hoàn thiện hồ sơ đối với các trường hợp có khả năng xóa nợ theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 và Luật Quản lý thuế năm 2019 để thực hiện xóa nợ nhằm làm giảm số nợ thuế.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, nợ thuế truy thu và tạm thu do cơ quan hải quan quản lý đến ngày 31/12/2022 là khoảng 7.166 tỷ đồng, tăng gần 2% so với năm 2021, bằng 1,64% so với tổng số thu của toàn Ngành. Trong đó, số nợ chuyên thu quá hạn là 5.716 tỷ đồng, chiếm 1,3% số thu Ngành và số nợ tạm thu là 1.450 tỷ đồng.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) nợ thuế trên 30 ngày trở lên đã bị cơ quan chức năng gọi điện, nhắn tin, gửi thư điện tử, ban hành văn bản đôn đốc, trong đó nêu rõ các biện pháp cưỡng chế sẽ áp dụng nếu người nộp thuế không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế.
Đối với DN cố tình chây ỳ, nợ thuế từ 91 ngày trở lên, cơ quan chức năng cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản.
Còn đối với DN nợ thuế trên 121 ngày, cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế như: “Bêu” tên; dừng làm thủ tục hải quan; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; thu hồi giấy phép kinh doanh; cấm xuất cảnh...
Thực hiện quy trình quản lý nợ để thu hồi nợ thuế hiệu quả
Ngay cả khi cơ quan Hải quan đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thì nhiều DN nợ thuế vẫn chây ỳ, không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Công tác quản lý và xử lý nợ thuế của ngành Hải quan cũng còn một số hạn chế do việc áp dụng các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế còn lúng túng; hệ thống công nghệ thông tin không đáp ứng yêu cầu...
Để đảm bảo số nợ thuế giảm và không phát sinh thêm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đề nghị, các đơn vị trong toàn Ngành nghiên cứu, triển khai thực hiện quy trình xử lý nợ nhằm thu hồi nợ thuế một cách hiệu quả theo quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông tư số 06/2021/TT-BTC.
Đồng thời, các đơn vị chấn chỉnh công tác theo dõi, phân loại chính xác số nợ để đưa ra các biện pháp quản lý xử lý một cách hiệu quả; giao trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ công chức làm công tác này; Rà soát hệ thống công nghệ thông tin đảm bảo đáp ứng quy trình khoanh nợ, khắc phục tối đa hạn chế; Rà soát đội ngũ cán bộ công chức làm công tác theo dõi, xử lý nợ thuế theo hướng ổn định và yên tâm công tác ở vị trí này.
Ngoài các biện pháp trên, thực hiện cưỡng chế tiền thuế phải theo Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 2317/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan.
Ông Nông Phi Quảng - Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, Quy trình quản lý nợ nhằm hướng dẫn cụ thể trình tự các bước, các thao tác nghiệp vụ để cơ quan Hải quan thực hiện việc phân loại, theo dõi đầy đủ, đôn đốc thu hồi nợ kịp thời và xử lý các khoản tiền thuế và khoản thu khác của người nộp thuế phải nộp NSNN theo quy định tại Luật Quản lý thuế năm 2019, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và các văn bản pháp luật liên quan.
Quy trình quản lý nợ cũng sẽ sát sao hơn việc rà soát các nhóm nợ đảm bảo việc phân loại nợ theo đúng bản chất nhóm nợ, đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo quy định.
Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa xuất nhập khẩu gồm 3 phần, 3 chương với 29 điều hướng dẫn cụ thể việc phân loại nợ, lập hồ sơ và đôn đốc thu hồi nợ; cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Các khoản nợ phát sinh sắp xếp theo tiêu chí được phân vào nhóm nợ có khả năng thu, cơ quan Hải quan sẽ tổng hợp theo dõi, đôn đốc thu hồi kịp thời. Đối với khoản nợ quá hạn như: Quá hạn 90 ngày, quá thời hạn nộp phạt vi phạm hành chính... cơ quan Hải quan tổng hợp để triển khai các biện pháp cưỡng chế phù hợp.