Ngành Hải quan hỗ trợ doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành mục tiêu thu ngân sách 2020


Theo thông báo mới nhất của Tổng cục Hải quan về thu ngân sách nhà nước (NSNN), đến 25/5/2020 giảm 15,47% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong năm 2020, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý nguồn thu về ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Tổng cục Hải quan, do dịch Covid-19 bùng phát làm hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, nhiều cửa khẩu, đường bay bị đóng cửa khiến hoạt động xuất nhập khẩu đình trệ, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm,.... tác động đến tình hình thu ngân sách của ngành Hải quan. Với tình hình này, công tác thu nộp ngân sách năm 2020 của ngành Hải quan khó có khả năng hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Theo đó, năm 2020, Tổng cục Hải quan được giao chỉ tiêu thu NSNN là 338.000 tỷ đồng theo Quyết định số 2503/QĐ-BTC ngày 29/11/2019 của Bộ Tài chính, tăng 12,5% so với chỉ tiêu giao năm 2019. Chỉ tiêu giao được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng GDP 6,8%; giá dầu thô 60USD/thùng; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 9%.

Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước 4 tháng đầu năm đạt 158,94 tỷ USD chỉ tăng 0,85% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 80,86 tỷ USD, tăng 2% và nhập khẩu đạt 78,08 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu có thuế đạt 33,41 tỷ USD, giảm 9,46% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu có thuế đạt 1,9 tỷ USD, giảm 8,8% và kim ngạch nhập khẩu có thuế đạt 31,51 tỷ USD, giảm 9,5%. Cụ thể:

Thu ngân sách nhà nước giảm

Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 1 và tháng 2/2020, do các hợp đồng thương mại của các doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện nên lượng hàng hóa xuất nhập khẩu giảm không đáng kể. Nhưng bắt đầu tháng 3, dịch Covid-19 lan rộng ra nhiều quốc gia, một số cửa khẩu, sân bay đóng cửa đã khiến các mặt hàng xuất nhập khẩu chính giảm mạnh ảnh hưởng đến công tác thu nộp ngân sách. Điển hình như kim ngạch một số dòng hàng chính mang lại số thu cao bị giảm mạnh trong tháng 4 như ô tô nguyên chiếc các loại, xăng dầu…

Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu có thuế của nhóm hàng ô tô nguyên chiếc các loại dưới 9 chỗ ngồi chỉ còn 459 triệu USD, giảm 35,8%, số thuế phải thu là 7.815 tỷ đồng, giảm 5.076 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước; xăng dầu các loại: 768 triệu USD, giảm 41%, số thuế phải thu đạt 3.799 tỷ đồng, giảm 3.237 tỷ đồng; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng: 5,55 tỷ USD, giảm 9,6%, số thuế phải thu đạt 14.548 tỷ đồng, giảm 1.522 tỷ đồng; linh kiện phụ tùng ô tô đạt 1 tỷ USD, giảm 13,7%, số thuế phải thu đạt 5.544 tỷ đồng, giảm 1.259 tỷ đồng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm tới 46,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019; sắt thép các loại giảm tới 15,7% về trị giá,…

Các mặt hàng xuất khẩu như: dầu thô cũng giảm 18,4% về trị giá; quặng các loại giảm 18,6% về lượng và giảm tới 23,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động xuất nhập khẩu tại một số cửa khẩu bị gián đoạn, dẫn đến nguồn cung cấp nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng… Điều này, đã tạo sức ép ngày càng lớn đến nguồn thu NSNN, đặc biệt từ đầu tháng 3 đến nay.

Tính đến 25/5/2020, số thu NSNN toàn ngành đạt 118.583 tỷ đồng, bằng 35,08% dự toán, bằng 33,41% chỉ tiêu phấn đấu, giảm 15,47% so với cùng kỳ.

Tình hình thu của một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố lớn hầu hết đều bị ảnh hưởng, đặc biệt là một số đơn vị có số thu lớn trong ngành như Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh thu đạt 38.020 tỷ đồng, đạt 33,06% dự toán và giảm tới 17,79% so với cùng kỳ năm 2019; Cục Hải quan Hải Phòng thu gần 21.501 tỷ đồng, giảm tới 23,74% so với cùng kỳ năm 2019; Cục Hải quan Bắc Ninh thu đạt gần 3.489 tỷ đồng, giảm 13,53% so với cùng kỳ...

Đáng chú ý, trong số 35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố của cả nước có 8 đơn vị có số thu cao, chiếm 83% tổng dự toán toàn ngành. Nhưng số thu đến 25/5 của các đơn vị này giảm 16,54% so với cùng kỳ năm 2019 (tương đương khoảng 18.673 tỷ đồng).

Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

Trước tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các nước, các thị trường lớn trên thế giới. Vì vậy, trong các tháng tiếp theo hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn hạn chế, điều này sẽ tác động mạnh đến công tác thu nộp ngân sách của ngành Hải quan. Việc hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2020 là nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với ngành Hải quan.

Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong bối cảnh ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh hiện đại hóa hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ

Để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong bối cảnh ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh hiện đại hóa hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu nghiệp vụ: quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, thu thuế,... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ngành Hải quan sẽ đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng dịch vụ công trực tuyến vào thực hiện thủ tục hải quan điện tử và phối hợp với Kho bạc, ngân hàng để thu thuế điện tử 24/7 đảm bảo thông quan hàng hóa nhanh chóng cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thực hiện thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, gia hạn nộp thuế.

Vừa qua, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thông quan hàng hóa cho cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra, Tổng cục Hải quan đã tham mưu giúp Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BTC quy định thời điểm, hình thức nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan đã và đang tích cực hỗ trợ, tháo gỡ các vướng mắc cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó tích cực tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, khẩu trang, trang thiết bị y tế… nhằm tạo nguồn thu để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách.

Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố ưu tiên làm thủ tục hải quan đối với các mặt hàng hoa quả tươi trong thời điểm mùa vụ; bố trí công chức chuyên trách tư vấn, giải quyết thủ tục xuất khẩu nông sản, hoa quả tươi cho doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp thu các phản hồi của doanh nghiệp, thực hiện thủ tục nhanh gọn nhằm giảm thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Tổng cục còn yêu cầu cơ quan Hải quan không thanh, kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật.

Giải pháp quản lý, nắm chắc nguồn thu

Song song với các hoạt động nhằm thúc đẩy, hỗ trợ để các doanh nghiệp nhanh chóng vực dậy hoạt động kinh doanh, sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tập trung rà soát, nắm chắc tình hình thu thuế, quản lý nợ thuế ở từng Chi cục trực thuộc; phân loại các nhóm nợ có khả năng thu, nợ chờ miễn, giảm, xóa; đánh giá chi tiết từng khoản nợ theo từng tờ khai, từng doanh nghiệp ở mỗi nhóm nợ; đưa ra các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với các khoản miễn, giảm thuế có điều kiện như: hàng gia công, hàng nhập khẩu để sản xuất hàng gia công, hàng nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu để không phát sinh nợ thuế mới, không phát sinh nợ khó đòi, tránh trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Mặt khác, các đơn vị hải quan cần tăng cường kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong đó tập trung vào các mặt hàng có trị giá lớn, thuế suất cao, hàng hóa nhập khẩu của các doanh nghiệp từ các thị trường có nghi vấn; hàng hóa khai giảm giá, hàng hóa có mức giá khai báo thấp hơn cơ sở dữ liệu; hàng hóa khai báo thuế suất ưu đãi đặc biệt, hàng khai thuộc đối tượng miễn thuế, hoàn thuế; hàng hóa khai sai loại hình sau đó đề nghị thanh khoản, hoàn thuế,...

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan còn chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tiếp tục nắm bắt, đánh giá tình hình thu ngân sách trong quý II và những tháng tiếp theo để kịp thời phân tích, đánh giá những biến động của kim ngạch xuất nhập khẩu, mặt hàng xuất nhập khẩu có thuế cũng như thị trường của các nước lớn có ảnh hưởng, kịp thời báo cáo lãnh đạo Tổng cục để báo cáo cấp có thẩm quyền có những giải pháp kịp thời, phù hợp nhằm đảm bảo nhiệm vụ thu ngân sách trong năm 2020.

Thực hiện phương châm hành động chung của Chính phủ là “kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, Tổng cục Hải quan đang tích cực chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc hoạt động hiệu quả để đạt được dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 ở mức cao nhất.