Ngành Hải quan nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp

PV. (tổng hợp)

(Tài chính) Nhằm giúp các doanh nghiệp (DN) thực hiện thủ tục hải quan nhanh chóng và kịp thời đảm bảo sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố giải quyết các vấn đề về thủ tục hải quan cho DN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kiến nghị 1: Tồn tại sự thiếu đồng bộ trong ban hành văn bản pháp luật thực hiện chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến đối tượng và thời hạn áp dụng đối với hàng trong kho ngoại quan so với hệ thống pháp luật hiện hành.

Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 07/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và gửi kho ngoại quan, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 59/2013/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với một số loại hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển cửa khẩu và gửi kho ngoại quan. Nội dung chủ yếu:

- Tăng cường quản lý đối với hàng cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, hàng có ảnh hưởng đến môi trường;

- Quản lý chặt chẽ, rút ngắn thời gian gửi kho ngoại quan, yêu cầu có đặt cọc… đối với hàng hóa có rủi ro cao: thực phẩm đông lạnh, hàng hóa có rủi ro cao về thuế (rượu, bia, thuôc lá).

- Khuyến khích đối với hàng hóa phục vụ sản xuất để sản xuất hàng xuất khẩu, sản xuất trong nước.

Kiến nghị 2: Về địa điểm tập kết hàng hóa trước khi làm thủ tục hải quan

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có công văn số 3925/BTC-TCHQ ngày 28/3/2014 hướng dẫn. Theo đó:

- Đối với nhóm hàng: khoáng sản, thủy sản tươi sống, thực phẩm đông lạnh… được xếp ngay lên phương tiện vận tải từ cơ sở khai thác, sản xuất.

- Đối với nhóm hàng: dầu thô, khí hóa lỏng, hàng rời, hàng siêu trường, siêu trọng: không yêu cầu phải tập kết đủ hàng, nhưng phải thông báo địa điểm tập kết hàng, địa điểm neo đậu phương tiện vận tải chở hàng xuất khẩu.

- Đối với một số ngành nghề đặc thù, có tính thời vụ cao, khối lượng lớn như gia công, sản xuất xuất khẩu: hàng may mặc, da giầy, chế biên nông, thủy sản ... không yêu cầu phải tập kết đủ hàng nhưng phải khai báo địa điểm tập kết hàng xuất khẩu.

Kiến nghị 3: Vấn đề áp giá và áp mã hàng hóa: Vẫn còn nhiều hiện tượng tham vấn nhiều lần đối với cùng một mặt hàng (Ví dụ xe ô tô của Toyota)

Về phản ánh của DN vẫn còn hiện tượng tham vấn nhiều lần đối với cùng một mặt hàng, nội dung này Bộ Tài chính tiếp thu, bổ sung quy định đối với cùng một mặt hàng nhập khẩu qua nhiều cửa khẩu trong cùng một thời kỳ sẽ giao cho một đơn vị tiến hành tham vấn, tránh tham vấn nhiều lần gây khó khăn cho DN.

Kiến nghị 4: Về nâng cao hiệu quả của đường dây nóng

Bộ Tài chính tiếp thu để tăng cường việc rà soát, giám sát, kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ, tiếp nhận thông tin của DN qua đường dây nóng, tăng cường hỗ trợ cho DN thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan và các Trang thông tin điện tử của các Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Nếu có bất cứ khó khăn vướng mắc nào đề nghị các doanh nghiệp có thể phản ánh trực tiếp hoặc thông qua các địa chỉ: website Tổng cục Hải quan (địa chỉ: http://www.customs.gov.vn); Báo Hải quan điện tử hoặc Vụ Pháp chế Tổng cục Hải quan (địa chỉ email: vupc@customs.gov.vn) để được nghiên cứu giải quyết kịp thời.

Kiến nghị 5: Về việc phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết thủ tục hải quan cho DN

Bộ Tài chính tiếp thu, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết nhanh chóng thủ tục hải quan cho DN. Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên chấn chỉnh việc thực thi các quy định pháp luật tại các Chi cục Hải quan, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện.