Ngành Ngân hàng sẽ khả quan hơn trong nửa cuối năm 2023?

Tuấn Thủy

Trước áp lực tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu gia tăng, ngành Ngân hàng vẫn đặt ra mục tiêu tăng trưởng tốt cho thấy dấu hiệu lạc quan của ngành, dù có thể đến chậm.

Nhiều ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2023.
Nhiều ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2023.

Thách thức đầu năm

Những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại.

Đến ngày 20/4/2023, tăng trưởng tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, nhưng thấp hơn nhiều so với năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,46%). Tăng trưởng tín dụng khó khăn khiến biên lợi nhuận NIM ngân hàng giảm, các trụ chính liên quan đến thu phí của ngân hàng cũng sẽ giảm.

Tỷ lệ NIM trung bình của 25 ngân hàng niêm yết đã giảm 18 điểm cơ bản trong quý I/2023. Ngoài ra, một số ngân hàng cổ phần như TPBank, VPBank, MBBank... có NIM giảm đáng kể do thị trường trái phiếu doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng (hai lĩnh vực có lợi suất cao hơn các khoản vay thông thường) đang khó khăn.

Tăng trưởng tín dụng chậm, tốc độ huy động vốn còn chậm hơn, gây sức ép lên thanh khoản hệ thống ngân hàng. Trong quý I/2023, tổng tiền gửi khách hàng tại các ngân hàng chỉ tăng 0,57%. Mặc dù môi trường lãi suất huy động cao, nhưng chỉ hấp dẫn tiền gửi từ cá nhân. Tiền gửi từ doanh nghiệp tiếp tục suy giảm do áp lực thanh khoản của chính doanh nghiệp.

Trong khi đó, nợ xấu của các ngân hàng đang có xu hướng gia tăng khiến chất lượng tài sản suy giảm. Mặc dù, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn, gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Trong khi đó, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19 đã hết hiệu lực.

70% tài sản đảm bảo các khoản vay tại ngân hàng là bất động sản, nhưng bất động sản đang trong giai đoạn đóng băng. Do đó, việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường hiện rất khó thực hiện.

Thông qua báo cáo tài chính quý I của các ngân hàng, có thể thấy, định giá tài sản chung bên ngoài thị trường đi xuống, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng lại không tăng, cảnh báo sự thiếu một bộ đệm an toàn cho các ngân hàng.

Tín hiệu tốt hơn sẽ đến vào cuối quý III/2023

Theo Công ty Chứng khoán Guotai Junam Việt Nam, bán lẻ sẽ giữ nhiệt triển vọng cho ngành Ngân hàng cuối năm 2023. NIM của các ngân hàng đã chịu áp lực trong ngắn hạn do tác động của việc tăng lãi suất huy động, nhưng thu nhập dịch vụ dự kiến tăng trưởng 30%/năm nhờ động lực tổng hòa từ mảng phí thẻ tín dụng và hoạt động thanh toán.

Theo ước tính, tổng kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận của 17 ngân hàng niêm yết trung bình khoảng 13%. Có một số ngân hàng đặt kế hoach kinh doanh tăng trưởng cao như HDBank khoảng gần 30%, còn lại đều khoảng 11-15%, chỉ riêng Techcombank đặt chỉ tiêu xuống thấp do chỉ số cho vay bất động sản đang hơi cao.

VPBank với mục tiêu tín dụng đạt 636.000 tỷ đồng (tăng 33% so với năm 2022) và lợi nhuận trước thuế 2023 đạt 24.000 tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ, nếu loại khoản thu nhập bất thường từ phí trả trước bảo hiểm trong 2022 là tăng 53%).

Sacombank cũng là một trong số những cái tên nổi bật trong ngành, với kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cao bất kể những khó khăn hiện tại, khi đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 9,5 nghìn tỷ đồng,  tăng 50% so với năm 2022.

Bất chấp tình hình thị trường khó khăn hiện tại, Vietcombank công bố kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư tài chính trong năm 2023 để cải thiện CAR 2 - 2,5%, giúp cải thiện hạn mức tăng trưởng tín dụng. MSB cũng kế hoạch M&A (mua bán, sáp nhập) với một ngân hàng thương mại khác trong năm nay.

Có thể thấy, kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2023, cũng như tăng vốn và sáp nhập của những ngân hàng này cho thấy sự tự tin của ban lãnh đạo về triển vọng ngành Ngân hàng, một tín hiệu tích cực trong bối cảnh hiện tại.

Theo ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phân tích Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng (MBKE), 4 năm vừa qua, các ngân hàng đã tăng trưởng lợi nhuận tốt, 2 năm gần đây tăng trưởng lợi nhuận trên 30%. Do đó, trong năm 2023, lợi nhuận của các ngân hàng có thể bị điều tiết lại.

“Chúng ta có lẽ phải chờ đến giữa hoặc cuối quý III thì tín dụng sẽ quay trở lại tốt hơn", ông Thành nhận định.