Ngành Tài chính: Dẫn đầu trong công tác cải cách hành chính và hiện đại hóa

PV.

(Tài chính) Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều hoạt động và giải pháp nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, đồng thời, duy trì vị trí thứ nhất trong khối các bộ, ngành về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin.

Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan là đơn vị đầu tiên trong toàn Ngành Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015. Nguồn: baohaiquan.vn
Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan là đơn vị đầu tiên trong toàn Ngành Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015. Nguồn: baohaiquan.vn

1. Kết quả trong công tác cải cách hành chính:

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính một cách đồng bộ từ xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật cho đến việc tổ chức thực hiện và toàn diện trên các lĩnh vực tài chính; đặc biệt, trong các lĩnh vực thuế, hải quan để triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ, Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều hoạt động và giải pháp nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để những kết quả cải cách sớm đi vào cuộc sống, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp, phát huy mọi nguồn lực xã hội và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong năm 2014. Cụ thể:

- Lĩnh vực thuế:

+ Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan, các tổ chức hiệp hội nghề, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để điều tra, đánh giá, rà soát và xác định nguyên nhân dẫn đến thời gian nộp thuế cao. Đây là vấn đề quan trọng, là vướng mắc của doanh nghiệp do một số quy định chưa phù hợp thực tế cần nghiên cứu chỉnh sửa. Theo đó, tập trung vào các giải pháp và chương trình hành động nhằm giảm số lần, thời gian khai, nộp thuế của người nộp thuế.

+ Cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, đã đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tính đến nay, 63/63 cục thuế và trên 300 chi cục thuế trực thuộc đã triển khai hệ thống khai thuế qua mạng; Hệ thống khai thuế qua mạng đã cung cấp dịch vụ được cho hơn 397.130 người nộp thuế thực hiện khai thuế điện tử; đồng thời hệ thống khai thuế qua mạng cũng đã tiếp nhận và xử lý hơn 17,6 triệu hồ sơ khai thuế điện tử vào hệ thống quản lý thuế. Như vậy, ngay trong năm 2014, số doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử trên toàn quốc từ 65% lên 95%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm được 290 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm (không bao gồm thời gian nộp bảo hiểm). Khi Luật sửa đổi một số điều của các Luật Thuế có hiệu lực (1/1/2015) sẽ giảm thêm được 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm.

-  Lĩnh vực hải quan:

+ Để thực hiện các mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ giảm thời gian làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất,nhập khẩu qua cảng/cửa khẩu bằng mức bình quân chung của các nước ASEAN-6, từ đầu năm đến nay, cơ quan Hải quan thực hiện nhiều bước chuyển mạnh mẽ trong cải cách TTHC, thực hiện các giải pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Đã triển khai áp dụng thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại (VNACCS/VCIS). Đến nay, VNACCS/VCIS đã được triển khai tại tất cả các đơn vị hải quan trong toàn quốc, đảm bảo chất lượng, không gây xáo trộn hay làm gián đoạn quá trình làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã nhanh chóng tiếp cận với hệ thống mới và việc thực hiện thông quan đã đi vào ổn định, việc thực hiện các chức năng quản lý nhà nước của cơ quan hải quan được bảo đảm, chặt chẽ và hiệu quả. Tính đến ngày 30/11/2014, đã có 100 % cục, chi cục trong phạm vi cả nước thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS với kết quả: Tổng số doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu: 48,23 nghìn doanh nghiệp; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu: 170,61 tỷ USD; Tổng số tờ khai: 4,24 triệu tờ khai.

+ Triển khai áp dụng Cơ chế hải quan một cửa quốc gia (NSW) mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, trong đó, lợi ích lớn nhất của NSW đó là rút ngắn thời gian để hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam thông quan qua biên giới giảm xuống đáng kể, từ 21 ngày xuống còn 17 ngày đến 17,5 ngày.

+ Tích cực triển khai các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành, đã đề nghị 11 Bộ, ngành có liên quan phối hợp triển khai rà soát, ban hành quy trình kiểm tra chuyên ngành đảm bảo thống nhất các nội dung về: hồ sơ, thủ tục và trình tự đăng ký kiểm tra chuyên ngành; mẫu giấy đăng ký kiểm tra, giấy thông báo kết quả kiểm tra; biện pháp xử lý hàng hóa không đạt yêu cầu kiểm tra…, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

+ Ban hành thủ tục về kê khai, thu nộp thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản thu khác đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu góp phần giảm nhiều thủ tục và vướng mắc đối với doanh nghiệp. Việc nộp thuế của doanh nghiệp sẽ được cơ quan Hải quan cập nhật nhanh hơn, thường xuyên hơn, chính xác hơn và sẽ hạn chế tối đa việc treo nợ thuế của người nộp thuế bằng các biện pháp như: truyền thông tin thu theo từng tờ khai qua cổng thanh toán điện tử hải quan cho cơ quan Hải quan 15 phút/01 lần.

+ Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát hải quan, đã trang bị 11 hệ thống máy soi container không thu phí, cho hầu hết các cửa khẩu hoặc địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung tại các địa bàn trọng điểm có lưu lượng hàng hóa lớn.

- Lĩnh vực Kho bạc Nhà nước

Đã hoàn thành và vận hành hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu ngân sách trên toàn quốc với 4 hệ thống ngân hàng thương mại  cho hơn 700 kho bạc nhà nước cấp huyện trong hệ thống kho bạc nhà nước và sở giao dịch kho bạc nhà nước, đồng thời triển khai thành công thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu ngân sách tại 45 đơn vị KBNN cấp tỉnh đang có tài khoản chuyên thu tại các ngân hàng thương mại. Hệ thống thanh toán song phương điện tử và phối hợp thu ngân sách được triển khai thành công đã góp phần quan trọng để kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện có hiệu quả cải cách TTHC trong công tác phối hợp thu ngân sách.

2. Kết quả trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin:

Năm 2014, Bộ Tài chính đã tiếp tục vượt qua các bộ, ngành khác về chỉ số ICT Index để duy trì vị trí thứ nhất trong khối các bộ, ngành về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT. Công tác triển khai ứng dụng CNTT, thống kê  trong ngành Tài chính từng bước đã tiệm cận và đáp ứng được những ưu tiên hàng đầu mà Bộ Tài chính đặt ra đó là Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thông qua Cổng thông tin Bộ Tài chính đã tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành về lĩnh vực tài chính, tạo kênh cung cấp và trao đổi thông tin, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện chương trình  CCHC. Trên Cổng thông tin Bộ Tài chính và Cổng thông tin của các Tổng cục đã cung cấp 1.026 thủ tục hành chính công (mức 1, mức 2); 6 dịch vụ hành chính công đạt mức độ 3; 8 dịch vụ hành chính công mức độ 4. Cung cấp miễn phí các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp như: kiosk thông tin; ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế  mã vạch; ứng dụng khai hải quan điện tử… góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế khi thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách, cải cách thủ tục hành chính;  thông tin nhanh số thu, tập trung quản lý đối với các khoản thu vào NSNN và các khoản tạm thu qua Kho bạc Nhà nước, khắc phục tình trạng không thống nhất về thông tin thu nộp. Triển khai các Hệ thống chỉ đạo điều hành, Quản lý văn bản và điều hành đã đạt được mục tiêu tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của ngành Tài chính, góp phần cải cách hành chính, tiết kiệm chi phí; chương trình quản lý đăng ký tài sản gắn với chữ ký số được triển khai cho các Bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc góp phần dần hình thành CSDL tập trung về tài sản nhà nước, đáp ứng được yêu cầu tổng hợp thông tin quản lý, sử dụng tài sản trên toàn quốc để báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội, giảm thiểu báo cáo giấy như trước đây.

Đã tạo ra một hạ tầng kỹ thuật hiện đại về công nghệ, ổn định, đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu của các bài toán ứng dụng lớn như hệ thống thông tin tích hợp kho bạc (TABMIS), hệ thống Thuế, Hải quan điện tử... duy trì ổn định hạ tầng truyền thông thống nhất trong toàn ngành, kết nối 100% các đơn vị cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện đảm bảo phục vụ cả các hoạt động tác nghiệp quan trọng hàng ngày của ngành về thu chi ngân sách, trao đổi dữ liệu, thống tài chính, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý điều hành tại các phân hệ và các đơn vị trực thuộc Bộ. Đồng thời, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đáp ứng yêu cầu an toàn bảo mật, giảm nguy cơ tấn công qua mạng vào các ứng dụng, thông tin, dữ liệu đối với hệ thống ứng dụng CNTT của ngành.