Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc:

Ngành Tài chính góp phần quan trọng trong thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”


Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN 6 tháng cuối năm 2020", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ngành Tài chính đã quyết tâm, phấn đấu triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành tài chính – NSNN. Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chủ trì tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới dự và chủ trì tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Xác định vai trò trong "Cỗ xe tam mã" của nền kinh tế

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Tài chính tổ chức sáng 7/7/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đại dịch Covid-19 đã có những tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Trong bối cảnh đó, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động đề xuất các giải pháp chính sách tài khoá, góp phần tích cực vào kết quả thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân và chuẩn bị điều kiện sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau dịch.

"Tôi rất mừng vì tại Hội nghị lần này, được nghe đồng chí Bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương báo cáo với quyết tâm rất cao khi không điều chỉnh các chỉ tiêu, mà quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Đây là những sự nỗ lực, quyết tâm rất đáng trân trọng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.

Nhìn lại 6 tháng đầu năm, hầu hết các ngành, lĩnh vực đều bị suy giảm tăng trưởng; nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; nhiều lao động phải nghỉ luân phiên hoặc mất việc làm. Đời sống của một bộ phận người dân gặp khó khăn. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%, mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong hàng chục năm trở lại đây. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là thành công bởi nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Đặc biệt, Việt Nam vẫn duy trì được các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Việt Nam cũng là một trong số ít các nước vẫn duy trì được hệ số tín nhiệm quốc gia, trong khi đã có trên 90 nước bị hạ bậc tín nhiệm hoặc điều chỉnh triển vọng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ghi nhận và biểu dương những kết quả ấn tượng của ngành Tài chính, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đây là thời điểm để ngành Tài chính tiếp tục cùng nhau động viên để vượt qua khó khăn, nhưng cũng cần tiếp tục thay đổi cách nghĩ, tư duy trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong hoàn cảnh nào cũng cần nhận thức rằng, Tài chính có vai trò vô cùng quan trọng, là huyết mạnh của nền kinh tế. Cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa là công cụ của Nhà nước trong điều hành nền kinh tế, nhằm kích thích tổng cầu nền kinh tế, đặc biệt sau một thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, khiến tổng cầu đang giảm mạnh.

"Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu ngành Tài chính là cần xác định vai trò của mình như thế nào trong "Cỗ xe tam mã" của nền kinh tế gồm 3 cấu phần quan trọng nhất, đó là: đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Ngành Tài chính cần làm gì để thúc đẩy "Cỗ xe tam mã" này để nền kinh tế nước ta không rơi vào suy thoái, không bị tăng trưởng âm?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý vấn đề tại hội nghị.

Hoàn thành "nhiệm vụ kép": Vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc không khỏi lo lắng trước những thách thức từ nay đến cuối năm khi mà dịch bệnh Covid-19 vẫn có dấu hiện diễn biến phức tạp, khó lường đặc biệt ở những quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam. Hiện nay, các quốc gia này đều đang đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế dù đã triển khai nhiều gói cứu trợ kinh tế lên đến hàng nghìn tỷ USD. Thậm chí, nhiều quốc gia còn nới lỏng bội chi ngân sách, mua lại các khoản nợ tư nhân nhằm ứng phó với tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế...

Khẳng định thách thức, khó khăn phía trước còn rất lớn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành cần tiếp tục chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn, gắn với 3 trụ cột chính gồm: Chống dịch, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, ngành Tài chính cần triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo một số nguyên tắc như: Bảo đảm dự toán thu ngân sách đề ra; Bảo đảm nguồn lực tài chính cần thiết để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Đồng thời, để hoàn thành mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, trong thời gian tới, cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, chính sách tài khóa, chính sách tài chính cần chủ động linh hoạt để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, nhiều quốc gia đang thực hiện chính sách tài khóa chủ động, nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Đối với Việt Nam, hiện nay không gian tài khóa khá rộng mở do nợ công trong mức an toàn, tình hình vĩ mô ổn định... Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính cần chủ động nghiên cứu xây dựng chính sách tài khóa phù hợp để thúc đẩy kinh tế, trong đó, có thể tính đến việc tăng bội chi ngân sách mà không ảnh hưởng đến an toan nợ công để sử dụng nguồn lực cho phát triển kinh tế. Vấn đề quan trọng là làm sao có phương án sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định gắn với công tác kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Hai là, Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu đẩy mạnh khơi thông các nguồn lực tài chính cho nền kinh tế, chú trọng điều tiết vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tăng cường công tác quản lý giá gắn với kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nhận được sự chia sẻ, đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm phát triển thị trường tài chính, thị trường chứng khoán; Tăng cường công tác kiểm tra chống buôn lậu và gian lận thương mại... Các cơ quan thuế, hải quan cần làm tốt công tác thu ngân sách gắn với việc đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh tác động ra sao đến hoạt động thu ngân sách, từ đó có những tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính và các địa phương ứng phó kịp thời. Có giải pháp thực hiện tiết kiệm chi, cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ba là, quyết liệt đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư công. Cần coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó gồm cả phần vốn ODA và vốn vay ưu đãi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Bộ Tài chính cần phối hợp với các Bộ, ngành khẩn trương rà soát phân bổ chi tiết dự toán đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân. Từ nay đến tháng 8/2020, với các trường hợp chậm giải ngân, sẽ điều chuyển dự toán cho dự án khác. Đồng thời, cứ nửa tháng, các bên liên quan sẽ họp giao ban để thông báo tình hình. Thành lập các đoàn kiểm tra Trung ương để kịp thời có những giải pháp điều chỉnh những địa phương, những ngành chưa giải ngân hoặc giải ngân chậm, gắn với việc làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành địa phương để xảy ra tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công.

Bốn là, làm tốt công tác đảm bảo hàng dự trữ quốc gia để đối phó với tình huống bất ngờ, đảm bảo an sinh xã hội. Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ, tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư và các nguồn lực hợp pháp khác để đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, trong đó có nhiệm vụ phòng, chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai và các nhiệm vụ cấp bách khác theo quy định.

Năm là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát các điều kiện kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan, tạo điều kiện thuận nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt các kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời sửa đổi, bổ sung các chính sách.

Sáu là, tăng cường kỷ luật kỷ cương thực hiện công vụ. Không để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến và chính phủ điện tử để cắt giảm các thủ tục hành chính, hạn chế tiếp xúc giữa cơ quan công quyền và doanh nghiệp. Từ nay đến cuối năm, cần hạn chế các cuộc thanh tra kiểm tra tại doanh nghiệp, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Bảy là, tăng cường công tác hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính. Cụ thể, thực hiện đồng bộ các giải pháp hội nhập và hợp tác tài chính quốc tế nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài, thu hút có hiệu quả nguồn vốn ODA và các nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế.  Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình cắt giảm thuế trong khuôn khổ các FTA đã ký. Chủ động đánh giá tác động của các FTA đến thu NSNN để chủ động giải pháp điều hành...

Tám là, rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công. Trong đó, tích cực triển khai đổi mới sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế tinh gọn, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, hoạt động hiệu lực, hiệu quả... Tập trung thu hút và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có trình độ cao, vừa có tâm vừa có tầm nhằm đáp ứng cho giai đoạn phát triển mới. Thực hiện tốt bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, tạo động lực phấn đấu cho các cán bộ trong Ngành.

“Năm 2020 có nhiều sự kiện quan trọng lớn của Đất nước và cũng là dịp kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống ngành Tài chính, tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo chủ động quyết liệt của lãnh đạo Bộ Tài chính, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể cán bộ công chức toàn ngành Tài chính trong cả nước, ngành Tài chính sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2020 ở mức cao nhất, góp phần hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, tạo tiền đề thuận lợi cho việc triển khai các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, hướng tới chào mừng thắng lợi của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.