Ngành Thuế Dẫn đầu về cải cách, hiện đại hóa và chuyển đổi số

Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng số hóa đang bùng nổ, ngành Thuế Việt Nam đã xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ cốt lõi nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập, cải cách và phát triển bền vững. Với những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành Thuế đã khẳng định vai trò tiên phong trong hệ thống tài chính quốc gia, đồng thời góp phần tích cực vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia do Chính phủ đề ra.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tặng hoa chúc mừng tập thể Lãnh đạo Tổng cục Thuế tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2024 và triển khai công tác thuế năm 2025 của Tổng cục Thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tặng hoa chúc mừng tập thể Lãnh đạo Tổng cục Thuế tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2024 và triển khai công tác thuế năm 2025 của Tổng cục Thuế.

Hiện đại hóa quản lý thuế

Cải cách và hiện đại hóa là những nền tảng quan trọng giúp ngành Thuế không ngừng đổi mới. Thời gian qua, ngành Thuế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc tối ưu hóa quy trình quản lý và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Việc triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin đã giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế, nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế. Đặc biệt, các ứng dụng thuế điện tử, kê khai, nộp thuế trực tuyến, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử (HĐĐT) và các dịch vụ số hóa khác đã góp phần thay đổi cách thức quản lý truyền thống, tạo ra bước đột phá lớn trong công tác thuế.

Khai thuế điện tử là dịch vụ thuế điện tử đầu tiên được triển khai từ năm 2009. Đến nay, sau hơn 15 năm triển khai, đã có hơn 100 triệu hồ sơ khai thuế điện tử, hơn 50 triệu giao dịch nộp thuế điện tử của doanh nghiệp đã được gửi đến cơ quan thuế. Có hơn 99% doanh nghiệp trên cả nước đã thực hiện kê khai thuế qua mạng, và hơn 98% doanh nghiệp sử dụng hình thức nộp thuế điện tử. Các quy trình này không chỉ đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu gánh nặng hành chính mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch, chống thất thu thuế và gian lận.

HĐĐT là một cột mốc quan trọng trong hành trình hiện đại hóa của ngành Thuế. Kể từ khi được triển khai trên toàn quốc, hệ thống HĐĐT đã mang lại những kết quả vượt mong đợi. Ngành Thuế đã xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, áp dụng công nghệ 4.0 để đáp ứng việc tiếp nhận, lưu trữ, xử lý, khai thác toàn bộ dữ liệu hoá đơn đã được sử dụng. Tính đến hết năm 2024, cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý hơn 11,48 tỷ hóa đơn điện tử, trong đó 2,76 tỷ hóa đơn có mã và hơn 7,45 tỷ hóa đơn không mã. Đặc biệt, toàn bộ cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng giao dịch, đảm bảo sự minh bạch và chính xác trong quản lý thuế.

Đáng chú ý, để tiếp tục triển khai giải pháp hóa đơn mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử thuận tiện đối với các mô hình kinh doanh bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng, ngành Thuế đã triển khai giải pháp HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đối với các cơ sở kinh doanh thuộc các nhóm ngành nghề như kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ hàng hóa, bán lẻ thuốc tân dược, dịch vụ vui chơi giải trí, kinh doanh vàng, bạc, xăng dầu, phí đường bộ, sân golf, cáp treo... Kết quả triển khai lũy kế đến hết năm 2024, có 91,5 nghìn cơ sở kinh doanh đã áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đã sử dụng là 1,26 tỷ hóa đơn.

Thành công này không chỉ giúp ngành Thuế nhận được nhiều lời khen ngợi từ Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, mà còn củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào hệ thống thuế.

Cùng với đó, ngành Thuế đã triển khai thành công quy trình hoàn thuế điện tử, mang lại sự thuận tiện và minh bạch tối đa cho người nộp thuế. Hiện tại, hơn 95% hồ sơ hoàn thuế được xử lý trực tuyến, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nhanh chóng nhận được tiền hoàn thuế.

Song song đó, Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài cũng được đưa vào vận hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn lớn như: Google, Meta, Apple và Amazon thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam. Kết quả đến nay, đã có 116 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử đến từ nhiều quốc gia như: Hoa Kỳ, Singapore, Ireland, Anh… Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp trong năm 2024 là 8.687 tỷ đồng.

Ngành Thuế cũng đã triển khai Cổng tiếp nhận thông tin thương mại điện tử để nhận thông tin của doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử đáp ứng quy định tại Nghị định số 91/NĐ-CP ngày 30/10/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/05/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, sau 8 kỳ cung cấp thông tin từ quý IV/2022, đã có 422 sàn thương mại điện tử gửi thông tin đến cơ quan thuế.

Ứng dụng thuế điện tử trên thiết bị di động (eTax Mobile) cũng là một điểm sáng trong nỗ lực chuyển đổi số của ngành Thuế. Với việc triển khai mở rộng Dịch vụ Thuế điện tử dành cho cá nhân trên thiết bị di động thông minh (eTax Mobile), người nộp thuế có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để đăng nhập vào các dịch vụ thuế điện tử. Từ khi ra mắt, eTax Mobile đã có hơn 830.900 lượt tải và cài đặt, với 1,2 triệu giao dịch qua ngân hàng thương mại và tổng số tiền nộp ngân sách đạt 3.148 tỷ đồng. Ứng dụng này không chỉ giúp người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ một cách nhanh chóng, tiện lợi mà còn phản ánh rõ sự chuyển đổi mạnh mẽ từ phương thức quản lý truyền thống sang quản lý hiện đại dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.

Đặc biệt, ngành Thuế đã chú trọng vào việc rà soát, chuẩn hóa mã số thuế trên toàn quốc để nâng cao chất lượng dữ liệu quản lý. Tính đến nay, hơn 4 triệu mã số thuế đã được chuẩn hóa, với lũy kế số mã số thuế cá nhân khớp đúng cơ sở dữ liệu quốc gia đạt 56,8 triệu, tương đương 70,3% tổng số mã số thuế cá nhân. Đây là bước tiến quan trọng giúp tăng cường hiệu quả quản lý thuế và kết nối đồng bộ với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

 

Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, đưa toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách với tổng số thu ước đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, đạt 116% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 1,44 triệu tỷ đồng, khẳng định sự quyết tâm và nỗ lực trong chuyển đổi số, hiện đại hóa công tác quản lý thuế.

Có thể nói, ngành Thuế đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi số toàn diện với nhiều mục tiêu tham vọng. Trong năm 2024, ngành Thuế phấn đấu tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đảm bảo tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến hoàn toàn. Hệ thống thông tin liên quan đến người dân và doanh nghiệp sẽ được kết nối, chia sẻ dữ liệu qua nền tảng tích hợp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.

Ngành Thuế cũng đặt mục tiêu xử lý ít nhất 80% hồ sơ công việc trên môi trường mạng và triển khai 90% hệ thống máy chủ trên nền tảng điện toán đám mây. Đồng thời, 100% cán bộ, công chức sẽ được đào tạo kỹ năng số cơ bản, đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại số hóa. Bên cạnh đó, ngành Thuế hướng đến việc 100% số tiền nộp thuế điện tử được hạch toán theo thời gian thực, đảm bảo sự an toàn và hiệu quả trong quản lý thuế.

Những nỗ lực này nằm trong kế hoạch triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022–2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là định hướng chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, đồng thời đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.

Thúc đẩy chuyển đổi số, đồng hành cùng người nộp thuế

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, vai trò của ngành Thuế không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ thu ngân sách, mà còn là một nhân tố quan trọng trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch. Cộng đồng doanh nghiệp được xem là động lực chính của nền kinh tế, đã và đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt từ ngành Thuế.

Những năm gần đây, ngành Thuế đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận trong việc cải cách hành chính, giảm thiểu thủ tục rườm rà, qua đó giúp người nộp thuế tiết kiệm thời gian và chi phí. Các chính sách thuế cũng không ngừng được hoàn thiện để đảm bảo phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng triển khai nhiều chương trình tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế thông qua các kênh trực tuyến và trực tiếp, nhằm đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân đều nắm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Các hội nghị, hội thảo, và đối thoại với doanh nghiệp được tổ chức thường xuyên để tháo gỡ vướng mắc và tạo cơ hội trao đổi, hợp tác hiệu quả.

Tinh thần “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ” được ngành Thuế đặt lên hàng đầu trong mọi hoạt động. Đây không chỉ là một khẩu hiệu mà còn là kim chỉ nam cho mọi quyết định, chính sách của ngành Thuế. Ngành Thuế luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế để không ngừng cải thiện chất lượng phục vụ. Mọi khó khăn, vướng mắc đều được ngành Thuế quan tâm giải quyết kịp thời thông qua các kênh hỗ trợ trực tuyến, đường dây nóng, hoặc gặp gỡ trực tiếp. Điều này giúp xây dựng niềm tin và sự đồng thuận của người nộp thuế đối với các chính sách, quy định của ngành.

Để hiện thực hóa tinh thần này, ngành Thuế đã tập trung đầu tư, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ thuế. Các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng mềm được tổ chức thường xuyên nhằm giúp cán bộ thuế không chỉ đáp ứng được yêu cầu công việc mà còn phục vụ người nộp thuế với thái độ tận tâm, chuyên nghiệp. Những cải cách và đổi mới của ngành Thuế không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế, mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Có thể thấy, một hệ thống thuế minh bạch, hiệu quả sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế mà còn tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của toàn xã hội. Bên cạnh đó, việc đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế sẽ giúp duy trì sự ổn định và cân bằng trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp, cá nhân tuân thủ tốt nghĩa vụ thuế sẽ được công nhận, khuyến khích, trong khi những hành vi gian lận, trốn thuế sẽ bị xử lý nghiêm minh, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Phát triển hệ thống công nghệ thông tin quản lý thuế tích hợp, tập trung

Thời gian tới, trên cơ sở định hướng của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Thuế đặt mục tiêu phát triển hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước.

Ngành Thuế sẽ cung cấp các dịch vụ thuế số và các dữ liệu điện tử để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, góp phần nâng cao xếp hạng của Việt Nam về mức độ đơn giản, thuận lợi về thuế. Xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, hỗ trợ công tác quản lý thuế, quản lý rủi ro thuế và hoạch định chính sách. Phát triển hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Hệ thống công nghệ thông tin của ngành Thuế được phát triển theo định hướng Chính phủ điện tử và Chính phủ số.

Ngành Thuế sẽ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu xử lý, cung cấp thông tin cho quản lý thuế và chỉ đạo điều hành của cơ quan thuế, cung cấp dịch vụ điện tử cho người nộp thuế. Cụ thể, phát triển hệ thống quản lý thuế tích hợp, tập trung, đảm bảo lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, công khai minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy cải cách hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giảm chi phí hoạt động, cũng như đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả của quản lý nhà nước theo định hướng của Chính phủ về Chính phủ điện tử và chuyển đổi số.

Việc cung cấp các dịch vụ điện tử và các dữ liệu điện tử sẽ tạo thuận lợi cho người nộp thuế với nhiều trải nghiệm tốt hơn theo hướng phát triển ứng dụng trên thiết bị di động, hướng tới số hóa toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, chuyển sang sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

Ngành Thuế sẽ tiếp tục xây dựng các nền tảng tích hợp, nền tảng dữ liệu lớn để cung cấp thông tin đầy đủ cho việc chỉ đạo điều hành, kết nối trao đổi thông tin liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. Cùng với đó, ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế.

Tổng cục Thuế sẽ xây dựng hệ thống ứng dụng quản lý rủi ro trên cơ sở thu thập dữ liệu từ các ứng dụng tác nghiệp và từ các bên thứ 3 (ngân hàng, cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan công an…) hoặc dữ liệu thu thập từ mạng xã hội, internet, từ đó phân tích theo các tiêu chí hoặc áp dụng trí tuệ nhân tạo (phân tích dữ liệu lớn, sử dụng phương pháp máy học) phục vụ quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử, chống chuyển giá, giao dịch liên kết, quản lý thuế đối với bất động sản...

Có thể khẳng định, đây là nhiệm vụ tất yếu trong bối cảnh nền kinh tế đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Với phương châm “lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”, ngành Thuế cam kết tiếp tục đổi mới, cải tiến công nghệ và phát triển các ứng dụng hiện đại nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Những kết quả đã đạt được không chỉ giúp ngành Thuế khẳng định vai trò đầu tàu trong cải cách và chuyển đổi số mà còn góp phần xây dựng một nền tài chính công minh bạch, hiệu quả và hiện đại. Với những chiến lược rõ ràng và mục tiêu cụ thể, ngành Thuế đang từng bước hiện thực hóa khát vọng dẫn đầu trong đổi mới, đồng hành cùng sự phát triển bền vững của Đất nước.

 

Ngành Thuế đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2025 với dự toán 1.719.556 tỷ đồng, bao gồm thu dầu thô 53.200 tỷ đồng và thu nội địa 1.666.356 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, ngành Thuế xác định tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ thuế và phấn đấu để tất cả 63 tỉnh, thành phố hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách. Những nỗ lực này không chỉ đảm bảo nguồn thu bền vững mà còn tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển và hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế trong tương lai.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 tháng 1/2025