Ngành Thuế đẩy mạnh phòng chống gian lận, mua bán hoá đơn điện tử
Tổng cục Thuế vừa yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế yêu cầu tăng cường công tác quản lý hóa đơn điện tử (HĐĐT).
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Công văn Số 5475/VPCP-KTTH ngày 20/7/2023 về việc quản lý, giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý HĐĐT, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về hóa đơn, Tổng cục Thuế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trong toàn ngành Thuế khẩn trương triển khai ngay các giải pháp để quản lý HĐĐT.
Cụ thể, các cục thuế phải phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đồng chí lãnh đạo Cục Thuế, Chi cục thuế, phòng chức năng từng bộ phận, từng cán bộ quản lý thực hiện quyết liệt việc rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp (DN) thuộc danh sách DN rủi ro cao trong công tác quản lý và sử dụng hóa đơn, các DN có chênh lệch giữa hóa đơn và tờ khai giá trị gia tăng (GTGT) để kiểm soát chặt chẽ việc phát hành, sử dụng HĐĐT; kịp thời phát hiện và xử lý hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn.
Các đơn vị thuộc, trực thuộc Tổng cục Thuế theo chức năng, thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện trên Hệ thống HĐĐT của các cục thuế. Đồng thời, quán triệt, phổ biến đến tất cả cán bộ, công chức trong đơn vị tiếp tục khai thác, sử dụng đầy đủ, hiệu quả các chức năng của Hệ thống HĐĐT (bao gồm: Danh sách người nộp thuế có doanh thu tháng đột biến so với tháng trước; Danh sách người nộp thuế có số lượng hóa đơn trong tháng tăng, giảm đột biến so với tháng trước, Danh sách các hóa đơn có doanh thu bất thường, Danh sách người nộp thuế có số lượng hóa đơn hủy vượt ngưỡng; đối chiếu giữa tờ khai GTGT và hóa đơn; Cảnh báo theo hệ số K...) và các chức năng của Ứng dụng quản lý rủi ro hóa đơn, kết hợp với thực tế công tác quản lý thuế để xây dựng danh sách người nộp thuế có rủi ro cao để thực hiện kiểm tra nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong sử dụng HĐĐT.
Các đơn vị cũng phải tiếp tục tăng cường rà soát, xử lý các trường hợp sai lệch khi đối chiếu dữ liệu hóa đơn và tờ khai thuế GTGT trên ứng dụng hddtbaocao.gdt.gov.vn ngay sau khi kết thúc nghĩa vụ kê khai thuế theo hướng dẫn đã triển khai nhằm kịp thời đôn đốc người nộp thuế kê khai điều chỉnh số thuế phải nộp theo quy định.
Đồng thời, chủ động rà soát cơ sở dữ liệu HĐĐT để giảm sát việc kê khai của người nộp thuế được tuân thủ đúng quy định nâng cao hiệu quả quản lý thuế, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm trong sử dụng HĐĐT.
Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ trực tiếp về chính sách pháp luật thuế, về HĐĐT ngay sau khi DN đăng ký sử dụng HĐĐT, DN chuyển địa bàn, qua đó kịp thời thu thập thông tin để đánh giá rủi ro trong phát hành, sử dụng hóa đơn của DN để có biện pháp quản lý phù hợp. Kịp thời thông báo, công khai danh sách DN không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, DN mua bán hóa đơn không hợp pháp đã bị cơ quan điều tra phát hiện, các DN có rủi ro cao về hóa đơn do cơ quan thuế quản lý thông báo để các DN chủ động rà soát và kịp thời thực hiện kê khai điều chỉnh, bổ sung, đảm bảo đúng với thực tế hàng hóa giao dịch; xác định chính xác nghĩa vụ thuế theo đúng quy định pháp luật.
Đáng chú ý, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan công an, các cơ quan chức năng, xây dựng kế hoạch trao đổi thông tin nắm bắt tình hình, quy chế phối hợp để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống gian lận, mua bán HĐĐT, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tạo tính lan tỏa, cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai tổ chức hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Thuế đáp ứng yêu cầu quản lý của ngành và nhiệm vụ được giao tại Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06); rà soát, bổ sung, thay thế trang thiết bị đảm bảo đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ; giám sát chặt chẽ chất lượng cung cấp dịch vụ truyền nhận, hạn chế tình trạng nghẽn mạng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tra cứu dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp.