Ngành Thuế kịp thời đôn đốc, thu hồi nợ thuế cho ngân sách
Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Thuế đã triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý nợ thuế nhằm đôn đốc thu hồi kịp thời cho ngân sách và hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh. Đồng thời, tới đây, sẽ tiếp tục tập trung xử lý thu hồi nợ thuế, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp (DN) lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế.
Nợ thuế tiếp tục xu hướng tăng
Tính đến thời điểm cuối tháng 6/2020, tổng số tiền thuế nợ ngành Thuế quản lý ước đạt 102.690 tỷ đồng, tăng 19,4% so với thời điểm ngày 31/12/2019, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ tổng nợ thuế trên tổng thu năm 2020 ở mức 7,7%.
Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 56.570 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 55,1% tổng số tiền thuế nợ, bằng 4,2% tổng thu năm 2020, tăng 34,9% so với thời điểm ngày 31/12/2019, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh) là 46.120 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 44,9% tổng tiền thuế nợ, tăng 4,7% so với thời điểm ngày 31/12/2019, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, lũy kế tính đến thời điểm ngày 30/6/2020, toàn Ngành ước thực hiện thu hồi nợ đọng tại thời điểm ngày 31/12/2019 đạt 14.921 tỷ đồng, bằng 35,6% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm ngày 31/12/2019, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 10.054 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 4.867 tỷ đồng.
Đồng bộ các giải pháp xử lý nợ thuế
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã xây dựng và giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2020 đến từng Cục Thuế.
Theo đó, Tổng cục Thuế giao cụ thể tổng số tiền thuế nợ, tổng số tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày đến thời điểm 31/12/2020; thu tối thiểu 80% các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày thời điểm 31/12/2019; giải quyết dứt điểm các khoản tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh, các khoản tiền thuế nợ đang xử lý còn tồn đọng tại thời điểm 31/12/2019 trước ngày 30/6/2020.
Bên cạnh đó, thông báo danh sách DN nợ tiền thuế có khả năng thu lớn, người nộp thuế có tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh, người nộp thuế có tiền thuế nợ đang xử lý, người nộp thuế có tiền thuế đang khiếu nại đến từng Cục Thuế để rà soát, thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế, công khai thông tin để thu hồi nợ vào ngân sách nhà nước.
Tổng cục Thuế cũng đã tổ chức giám sát chặt chẽ các Cục Thuế thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ, tiến độ thu nợ hàng tháng, công khai thông tin nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện của các Cục Thuế và đôn đốc nhắc nhở và thông báo bổ sung những trường hợp nợ thuế mới phát sinh cho các Cục Thuế để tổ chức đôn đốc thu kịp thời các khoản nợ đọng thuế vào ngân sách.
Tổng cục Thuế đã trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 19/3/2020 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Đồng thời, yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 94/2019/QH14 tại cấp trung ương là Tổng cục Thuế và cấp địa phương là các Cục Thuế...
Thực hiện rà soát phân loại tiền thuế nợ, làm rõ được bản chất các khoản nợ thuế, theo các tiêu chí phân tích nợ thuế đảm bảo việc phân loại phải đầy đủ hồ sơ, phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, của từng trường hợp nợ thuế, để áp dụng các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế cũng như các biện pháp khác phù hợp để thu hồi nợ thuế...
Chỉ đạo, hướng dẫn các Cục Thuế thực hiện xử lý gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp đối với người nộp thuế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Rà soát đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế thu nợ ngay khi hết hạn gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Trong những tháng cuối năm, ngành Thuế sẽ tiếp tục tập trung xử lý thu hồi nợ thuế, không để xảy ra tình trạng DN lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế. Kiểm tra, rà soát chặt chẽ, hồ sơ khai thuế của người nộp thuế trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra trước đối với DN có rủi ro cao về thuế, không để DN lợi dụng chủ trương hỗ trợ DN của Nhà nước để vi phạm pháp luật, đồng thời không gây phiền hà, sách nhiễu cho người nộp thuế.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác kiểm tra sau hoàn thuế nhằm hạn chế tối đa hiện tượng lợi dụng thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát để khai không đúng hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng nhằm chiếm đoạt số tiền hoàn thuế của Nhà nước.
Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, lũy kế tính đến thời điểm ngày 30/6/2020, toàn Ngành ước thực hiện thu hồi nợ đọng tại thời điểm ngày 31/12/2019 đạt 14.921 tỷ đồng, bằng 35,6% nợ thuế có khả năng thu tại thời điểm ngày 31/12/2019, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ là 10.054 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ là 4.867 tỷ đồng.