Nghị định số 138/2024/NĐ-CP: "Đi trước", giải quyết ngay vướng mắc trong thực tiễn

Trần Huyền (thực hiện)

Trao đổi với Tạp chí Tài chính bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, việc Chính phủ ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP đã thể hiện tinh thần đồng hành, "đi trước, đi sớm" để tháo gỡ ngay các vướng mắc trong thực tiễn.

Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: internet
Đại biểu Hoàng Văn Cường. Ảnh: internet

Phóng viên: Phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” cần phải tập trung tháo gỡ. Theo ông, việc hoàn thiện thể chế có vai trò như thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Chúng ta biết rằng, những quy định của pháp luật nhằm đưa ra các khuôn khổ phải thực thi, tuân thủ, tránh tình trạng là lợi dụng để vụ lợi hoặc là không lợi dụng nhưng vì không có các quy định nên có thể vô tình làm thất thoát các tài sản, công quỹ của Nhà nước. Do đó, mục tiêu của pháp luật là giúp làm việc một cách khách quan, công minh, công bằng và đáp ứng một cách phù hợp nhất với nhu cầu của thực tiễn.

Trên thực tế hiện nay, cuộc sống luôn luôn là vận động, có rất nhiều những thay đổi, đòi hỏi là phải có những phương thức hành động phù hợp, cơ chế chính sách cũng phải đổi mới, thay đổi theo thực tiễn. Tuy nhiên, công cụ pháp luật đôi khi có thể đi chậm, chưa phù hợp hoặc có thể chồng chéo hay quy định quá chi tiết. Điều này khiến những người thực thi vì phải tuân thủ pháp luật nên không thể có những quyết định cách hợp lý, phù hợp để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhu cầu phát triển tốt hơn.

Đây chính là những nút thắt về thể chế, nút thắt về luật pháp so với yêu cầu của thực tiễn. Do đó, để việc đổi mới, hoàn thiện thể chế để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra là vấn đề vô cùng quan trọng như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Phóng viên: Như ông chia sẻ, thực tế thời gian qua, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương gặp vướng mắc trong mua sắm tài sản, trang thiết bị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng do nhiều cách hiểu khác nhau. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP để gỡ vướng mắc này. Ông đánh giá như thế nào về việc ban hành Nghị định này?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Theo quy định của Luật Đầu tư công, dự án bố trí từ nguồn vốn đầu tư công phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn mới thực hiện được. 

Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta thấy rằng, có nhiều những hoạt động có tính chất đầu tư, chẳng hạn như: Đầu tư những công trình nhỏ, chi sửa chữa các công trình, mua sắm trang thiết bị… Tuy nhiên, nếu theo quy định của Luật Đầu tư công để thực hiện chi đầu tư thì phải xây dựng kế hoạch đầu tư công 5 năm, đầu tư công trung hạn, quy trình xét duyệt mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, những khoản đầu tư này rất nhỏ lẻ, cần phải được xử lý ngay để đáp ứng kịp thời hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

Thực tế này đòi hỏi phải có thủ tục nhanh gọn hơn để xử lý một cách kịp thời. Hiện nay, Chính phủ đang đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, trong đó cũng có quy định được phép sử dụng nguồn chi thường xuyên để phục vụ cho các hoạt động có tính chất đầu tư như: Chuẩn bị các dự án đầu tư, chi cho các công trình sửa chữa, cải tạo, mua sắm trang thiết bị, những công trình chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn... Tôi cho rằng việc đề xuất như vậy rất phù hợp.

Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2024/NĐ-CP ngày 24/10/2024 vừa qua quy định về việc lập dự toán, quản lý và sử dụng chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho các hoạt động mua sắm tài sản, trang thiết bị và cải tạo, nâng cấp, mở rộng hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng. Nghị định đã quy định cụ thể việc sử dụng chi thường xuyên để chi cho các hoạt động mang tính chất đầu tư nêu trên.

Tôi cho rằng, Nghị định này được ban hành rất kịp thời và đáp ứng được ngay nhu cầu thực tiễn, giải quyết được yêu cầu phát sinh đang vướng trong những năm qua. Nhưng cũng cần lưu ý rằng là không được dùng ngược lại là chi đầu tư để thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên. Nguyên tắc khi thực hiện là càng ngày tiết kiệm chi thường xuyên và tăng chi đầu tư.

Phóng viên: Nghị định này có hiệu lực ngay từ ngày ký được cho rằng đã thể hiện sự quyết liệt vào cuộc của Chính phủ. Ông kỳ vọng Nghị định sẽ tháo gỡ vướng mắc cho các cơ quan, đơn vị, địa phương như thế nào khi được triển khai ngay?

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Việc ban hành Nghị định nêu trên và có hiệu lực ngay từ ngày ký đã thể hiện tinh thần đồng hành của cơ quan quản lý. Chính phủ vẫn trình Quốc hội sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước để tạo khuôn khổ pháp lý, làm cơ sở để ban hành các văn bản dưới luật.

Cùng với đó, Chính phủ đã "đi trước, đi sớm, đón trước" để ban hành Nghị định này nhằm tháo gỡ ngay các vướng mắc trong thực tiễn trong quá trình sử dụng dự toán ngân sách nhà nước cho các hoạt động mua sắm tài sản, trang thiết bị và cải tạo, nâng cấp, mở rộng hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

Căn cứ vào Nghị định này, các bộ, ngành, địa phương sẽ chủ động sử dụng chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội. 

Tinh thần Quốc hội cũng đồng tình với quy định theo hướng trên. Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV lần này cũng sẽ xem xét thông qua Dự án Luật sửa 7 luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Từ đó, tạo khung khổ pháp lý đồng bộ trong vấn đề này.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!