BÁO CHÍ NGÀNH TÀI CHÍNH VỚI CÔNG TÁC DÂN VẬN:

Đi trước và định hướng dư luận

Lê Hiền

(Tài chính) Bám sát chủ trương của Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều hoạt động để không ngừng “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong ngành Tài chính”, trong đó, báo chí của Ngành là đội quân tiên phong, đóng góp không nhỏ trong lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho 10 tập thể có số lượng bài tham gia giải báo chí viết về ngành Tài chính diễn ra năm 2013. Nguồn: financeplus
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính cho 10 tập thể có số lượng bài tham gia giải báo chí viết về ngành Tài chính diễn ra năm 2013. Nguồn: financeplus
Trong năm 2014, BCH TƯ Đảng đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, đặt công tác Dân vận thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước, nhất là trong công cuộc đổi mới hiện nay do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Đây cũng là điều kiện tất yếu đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong công cuộc đó, việc thông tin, tuyên truyền của báo chí có ý nghĩa hết sức quan trọng, vì tuyên truyền là nhiệm vụ đầu tiên và cũng là nhiệm xuyên suốt trong quá trình thực hiện NQ 25-NQ/TW.

 I. BÁO CHÍ NGÀNH TÀI CHÍNH LÀ CÔNG CỤ QUAN TRỌNG THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN VẬN

  Với đặc điểm là hệ thống báo chí trong một bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó, chức năng huy động và quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách, thuế, phí và  các khoản thu khác của NSNN là một trong các công tác quan trọng nhất,  liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, vì vậy các cơ quan báo chí - phương tiện truyền thông đại chúng thiết yếu của Ngành - đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của mình là phải dùng công cụ thông tin, tuyên truyền để hướng dẫn, trao đổi các vấn đề về pháp luật, chính sách, chế độ và nghiệp vụ trong lĩnh vực kinh tế - tài chính và các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trong nước và quốc tế theo định hướng của Đảng, của Chính phủ và Bộ Tài chính đến cộng đồng xã hội, đến từng người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp hiểu đúng, làm đúng, từ đó, giúp Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện chức năng điều hành quản lý, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội và quốc phòng toàn dân.
Để làm được tốt nhiệm vụ đó các cơ quan báo chí ngành Tài chính đã quán triệt sâu sắc các quan điểm dân vận của Đảng, cụ thể hóa các Kế hoạch của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Bộ Tài chính thành những nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế của từng đơn vị báo chí, từ đó, liên hệ vận dụng để tổ chức, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần trực tiếp vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của toàn ngành Tài chính nói chung và từng cơ quan, đơn vị nói riêng. Để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền gắn với công tác dân vận, báo chí Ngành đã hội tụ các ưu thế sau:

1.   Đủ trí và lực:

Để có thể triển khai hiệu quả công tác dân vận trước hết phải có sự chỉ đạo đúng đắn, sát sao của cấp trên và phải có đội ngũ cán bộ đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ đó. Các cơ quan báo chí trong Ngành vừa có đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên (PVBTV) có trình độ, tâm huyết với nghề, vừa được Lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác tuyên truyền:
- Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng và ban lãnh đạo Bộ thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công tác báo chí của Ngành, quan tâm kiện toàn bộ máy quản lý báo chí, lãnh đạo các đơn vị báo chí của Ngành đủ mạnh, đủ tầm, đủ năng lực và trách nhiệm trong lãnh đạo công tác báo chí. Với đặc thù là báo chí ngành, lĩnh vực tuyên truyền có chuyên môn sâu đòi hỏi cán bộ PVBTV trong các cơ quan báo chí phải có trình độ chuyên môn về báo chí nói chung và tài chính nói riêng. Các lĩnh vực Bộ tuyên truyền thường nhạy cảm, tác động trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng xã hội (người dân và doanh nghiệp...) do vậy, hàng năm, Bộ đều tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng lý luận nghiệp vụ cho cán bộ báo chí, để đội ngũ cán bộ báo chí Ngành không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn có trình độ lý luận, có phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy vững vàng của người làm báo chí cách mạng, có thể làm tốt công tác tuyên truyền cho sự nghiệp tài chính của nước nhà;
- Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà báo Việt Nam trong việc tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ PVBTV thông qua các lớp học tập Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, mời các chuyên gia nói chuyện về tình hình thời sự chính trị để cán bộ đảng viên tham gia tìm hiểu và vận dụng vào công việc của mình. Đặc biệt, Đảng ủy Bộ Tài chính đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI và Kế hoạch số 66-KH/ĐU ngày 31/3/2014 (có Hướng dẫn số 77-HD/ĐU ngày 11/4/2014) để thực hiện Kế hoạch số 74-KH/ĐUK ngày 22/01/2014 của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về triển khai “Năm tăng cường và đổi mới công tác dân vận”. Ngay từ đầu năm, Bộ đã mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cấp ủy và cán bộ phụ trách công tác dân vận, hướng dẫn các đảng bộ, chi bộ đồng loạt sinh hoạt chuyên đề về công tác dân vận và dân vận khéo;
- Không đơn phương làm công tác tuyên truyền, Bộ Tài chính đã phối hợp  với Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân… Việc ký thỏa thuận nhằm triển khai có hiệu quả hoạt động tuyên truyền và phổ biến thông tin về chính sách tài chính, giúp các cơ quan báo chí thông tin chính xác, kịp thời, đúng quy định của pháp luật và các quy định hiện hành; định hướng dư luận về công tác điều hành chính sách tài chính và hoạt động của Ngành.
- Ngoài cơ chế cử người phát ngôn của Bộ, hàng tháng, quý, Lãnh đạo Bộ đều triệu tập cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị báo chí Ngành để chỉ đạo, định hướng các đơn vị đồng bộ triển khai công tác tuyên truyền, đặc biệt là trước, trong và sau các kỳ họp Quốc hội; Nhanh nhạy nắm bắt các vấn đề nóng xã hội đang quan tâm, yêu cầu các chuyên gia trong các đơn vị chức năng trao đổi, giải thích để PVBTV nắm rõ, từ đó nhanh chóng truyền đạt đến người dân. Các đơn vị báo chí Ngành đã thực sự là công cụ không thể thiếu trên mặt trận thông tin, tuyên truyền và vận động người dân thực thi pháp luật.
- Trên cơ sở các chỉ đạo của Bộ, các cơ quan báo chí trong Ngành đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền gắn với chủ đề của năm dân vận 2013, 2014. Các đơn vị báo chí thuộc Bộ (như thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán, dự trữ, doanh nghiệp, thanh tra...) thực hiện chức năng tuyên truyền theo phạm vi được giao gắn với chức năng nhiệm vụ của đơn vị và theo sự chỉ đạo định hướng và phân công của Lãnh đạo Bộ Tài chính. Mỗi đơn vị báo chí này có nhiệm vụ truyên truyền cho một lĩnh vực hẹp nhưng chuyên sâu, mức độ tuyên truyền chủ yếu trong ngành dọc... Để mở rộng hơn phạm vi tuyên truyền, Ngành Tài chính có Cổng Thông tin điện tử của Bộ, cơ quan Thời báo Tài chính Việt Nam và Tạp chí Tài chính là các cơ quan báo chí có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền rộng rãi những vấn đề về tài chính - kinh tế liên quan đến mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.  

Hệ thống các cơ quan báo chí của Ngành là vũ khí sắc bén, là công cụ tinh nhuệ , hàng ngày, hàng giờ chuyển tải các chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành đến toàn thể người dân trong cộng đồng.

2. Báo chí Ngành đã gắn được công tác thông tin tuyên truyền với thực hiện công tác dân vận,  dân vận khéo:

Phát huy các lợi thế sẵn có về trí và lực, các cơ quan báo chí đã vận dụng triển khai các chỉ đạo của Bộ để thực hiện công tác dân vận. Trong thời gian qua, hầu khắp các tờ báo, tạp chí, trang tin trong Ngành đều đồng loạt triển khai chương trình tuyên truyền cho các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành như:
- Tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị Khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm 45 năm làm theo Di chúc của Bác Hồ. Hầu hết các trang báo đều có chuyên mục riêng hay có các bài nêu gương người tốt, việc tốt điển hình; nêu những điểm mới, các mô hình, các cách làm hay trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, thực hiện phong trào thi đua yêu nước, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua phương tiện báo chí, những thông tin đó được cả cộng đồng xã hội biết, tôn vinh, học tập và nhân rộng thêm.
- Tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối, pháp luật kinh tế: báo chí Ngành thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền cho các luật như: Luật thuế, phí; Luật NSNN; Luật Chứng khoán; Luật đầu tư công; Luật Hải quan; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí... do Bộ Tài chính xây dựng và sửa đổi bổ sung trình Quốc hội ban hành và tuyên truyền cho “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020”; “Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát”; “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”, “Luật phòng chống tham nhũng”... của Nhà nước, qua đó chuyển tải đến cộng đồng xã hội những thông tin minh bạch, chuẩn xác để người dân nắm rõ, hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng; thực hiện đúng các cơ chế chính sách của Nhà nước và các bộ, ngành ban hành.
- Không chỉ thông tin phiến diện, một chiều, các báo còn là diễn đàn trao đổi, nắm bắt những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ do Chính phủ, Bộ, ngành ban hành (đặc biệt là nội dung liên quan đến chính sách tài chính, tiền tệ và chứng khoán, liên quan đến công tác thuế phí, hải quan; công tác quản lý điều hành giá cả; công tác giải ngân; thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở...). Là cơ quan ngôn luận, là tiếng nói của Bộ, Báo chí Ngành luôn bám sát thực tiễn công cuộc đổi mới của đất nước; thông tin về mọi mặt của đời sống xã hội, bảo đảm tính toàn diện, chân thực với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân cao. Không bỏ qua những điểm nóng thời sự, né tránh những vấn đề nhạy cảm, các PVBTV luôn xông xáo trên mặt trận tuyên truyền cho công cuộc cải cách, đổi mới, phát triển đất nước. Đồng hành, sẻ chia, thấu hiểu những khó khăn của người dân, doanh nghiệp,... báo chí sẵn sàng tiếp thu những đóng góp của cộng đồng xã hội, sẵn sàng giúp giải đáp những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, giúp họ hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Báo chí của Ngành đã phản ánh được hơi thở của cuộc sống, bước tiến của thời đại.
- Là cầu nối giữa bạn đọc với các cơ quan chức năng,  báo chí Ngành chú trọng ghi nhận các góp ý, phản biện để hoàn thiện chính sách, thể chế, từ đó giúp đưa các đề xuất, kiến nghị của người dân đến lãnh đạo các cấp, ngành, các địa phương, đơn vị để có hướng tháo gỡ, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Vừa qua, các vấn đề nhạy cảm như công tác điều hành giá (giá xăng dầu, giá sữa, giá thuốc, giá điện than...) và việc sửa đổi bổ sung các sắc thuế (đặc biệt là thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN)... đã nhận được rất nhiều ý kiến, cả đồng tình cũng như phản đối do chưa hiểu đúng về cơ chế điều hành của các bộ, ngành. Bằng nghiệp vụ của mình, các PVBTV đã trao đổi với các chuyên gia, các cán bộ quản lý, các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách để nắm rõ vấn đề, kịp thời đưa ra các thông tin chính xác với các phân tích, lập luận khoa học, giúp cộng đồng xã hội hiểu thấu đáo các cơ chế, chính sách mới, từ đó tự giác chấp hành, thực hiện. Báo chí Ngành thực sự đã góp phần nâng cao tri thức, tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội… Việc điều hành bình ổn giá, ổn định đời sống kinh tế - xã hội thời gian qua có đóng góp không nhỏ trong việc định hướng dư luận xã hội của cơ quan báo chí.

3.      Báo chí ngành Tài chính gắn công tác dân vận với công cuộc đổi mới:

- Nằm trong luồng cải cách đổi mới của Ngành Tài chính, báo chí Ngành đã tăng cường tuyên truyền cho chương trình cải cách thủ tục hành chính của Bộ, ngành như: tuyên truyền cho hoạt động cải tiến đổi mới tác phong, thái độ, lề lối làm việc của cán bộ công chức trong các cơ quan có chức năng tiếp xúc với nhân dân. Báo chí thể hiện rõ quan điểm: cán bộ công chức phải là công bộc của dân, phải tận tâm phục vụ, cầm tay chỉ việc giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ, làm nhanh, làm đúng các cơ chế chính sách của Nhà nước, thiết thực hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh; Báo chí đồng tình với chủ trương cải cách thủ tục hành chính (nhất là các thủ tục liên quan đến kê khai, thu nộp thuế, hải quan, kho bạc) theo hướng bãi bỏ các giấy tờ không cần thiết, rút ngắn qui trình xử lý nghiệp vụ, bảo đảm công khai, minh bạch và giảm thiểu chi phí thời gian, công sức của người dân khi thực hiện thủ tục hành chính;
- Báo chí Ngành có sức lan tỏa ngày càng rộng. Bằng việc không ngừng cải tiến về hình thức, nội dung, đưa ra nhiều chuyên trang, nhiều bài viết đa dạng, phong phú, cách thức truyền tải sinh động, hấp dẫn, phù hợp... đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc, báo chí, nhất là các trang báo mạng của Ngành, đã thu hút lượng độc giả ngày càng nhiều, trở thành kênh thông tin, tuyên truyền hữu hiệu tới mọi tầng lớp nhân dân, qua đó, giúp người dân và doanh nghiệp hiểu và ngày càng chấp hành tốt hơn pháp luật kinh tế; Bằng việc đưa các vấn đề bị báo chí phanh phui như các vụ việc liên quan đến tham nhũng, trốn thuế, chuyển giá, trục lợi..., việc xử lý các cán bộ vi phạm... đã giúp răn đe, hạn chế các sai phạm có thể xảy ra.
Các năm qua Ngành Tài chính luôn hoàn thành nhiệm vụ điều hành thu chi NSNN, tạo ra đầy đủ tiềm lực kinh tế để xây dựng và phát triển đất nước. Đóng góp không nhỏ vào thành quả đó là hoạt động của các cơ quan báo chí Ngành. Nhờ khéo léo gắn công tác thông tin, tuyên truyền với thực hiện công tác dân vận, báo chí đã trực tiếp giúp cộng đồng xã hội hiểu đúng, đồng thời, vận động được người dân chấp hành nghiêm các chính sách của Nhà nước.

II/ BÁO CHÍ NGÀNH CÒN NHIỀU VIỆC PHẢI LÀM ĐỂ CÔNG TÁC DÂN VẬN HIỆU QUẢ HƠN

Thời gian qua, Báo chí Ngành đã làm tốt công tác dân vận, được bạn đọc tin tưởng chia sẻ thông tin, trao đổi, kiến nghị... Tuy nhiên, do lĩnh vực tuyên truyền khó, đòi hỏi sự chuẩn xác cao, do vậy, có lúc, có nơi vẫn còn sơ xảy, đưa ra các thông tin chưa đầy đủ, dễ hiểu, chưa kịp thời, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, đặc biệt là đối với một số vấn đề về thực hiện các thủ tục hành chính, cơ chế chính sách có liên quan đến đời sống xã hội. Công tác chỉ đạo, quản lý thông tin đôi lúc còn thể hiện sự lúng túng, chưa chủ động, chạy theo sự vụ; Các cơ quan báo chí chưa nhịp nhàng, đồng bộ trong phối hợp tuyên truyền. Một bộ phận những người làm công tác chỉ đạo, quản lý báo chí các cấp vẫn còn hạn chế trong nhận thức và thi hành Luật Báo chí; Việc tổ chức họp báo để cung cấp thông tin chính thống cho báo chí chưa được thực hiện triệt để.
Trước yêu cầu của công tác báo chí, dân vận, các PVBTV, các cơ quan báo chí Ngành phải đổi mới hơn  nữa, cụ thể:
- Các cơ quan báo chí phải quán triệt và thực hiện đúng các chỉ đạo của Bộ, ngành; Chủ động, sáng tạo, nhạy bén trong nắm bắt thông tin và tuyên truyền; báo chí phải luôn đi trước một bước trong việc hướng dẫn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành; Phải định hướng dư luận về công tác điều hành chính sách tài chính và hoạt động của ngành Tài chính.
- PVBTV phải không ngừng rèn luyện, nâng cao hơn nữa kiến thức và hiểu biết về chuyên môn của Ngành cũng như nghiệp vụ báo chí để có thể truyền tải thông tin đến người dân và doanh nghiệp một cách dễ hiểu nhất, giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến công tác tài chính nhanh nhất;
- Cân nhắc và lựa chọn thông tin để phản ánh sao cho đơn giản và dễ hiểu, dễ thực hiện nhất;
- Cảnh giác và bình tĩnh, thận trọng khi phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin phải khách quan, chính xác, không làm tổn hại đến người dân và doanh nghiệp; đăng tải bài viết không những đúng mà còn phải hay, hấp dẫn, đi được vào lòng người, thu phục được độc giả.

Nắm chắc vũ khí tuyên truyền, đưa được chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, bộ, ngành đến được với cộng đồng xã hội, giúp nền kinh tế nước nhà tăng trưởng bền vững, giúp người dân thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Chính quyền,... là mục tiêu phấn đấu của báo chí Ngành trong công tác dân vận thời kỳ mới.