Kinh nghiệm quốc tế về mô hình PPP: Mô hình quản lý

Theo daibieunhandan.vn

Xác định rõ ràng hình thức và cấu trúc của các cơ quan quản lý hoạt động PPP phù hợp với đặc điểm của từng nước và trong từng giai đoạn được xem là yêu cầu đặt ra đối với quản lý các dự án và hoạt động PPP.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổ chức đơn vị quản lý phù hợp với điều kiện thực tế

Hầu hết các nước đều có cơ quan quản lý PPP ở cấp quốc gia hoặc địa phương, nhằm tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư theo hình thức PPP. Chức năng của các cơ quan PPP chủ yếu gồm có: Định hình các chính sách và thực hiện công tác phối hợp các dự án PPP; kiểm soát chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án PPP; chuẩn hóa (ví dụ quy trình đấu thầu) và phổ biến thông tin (chẳng hạn kinh nghiệm quốc tế); đưa ra cơ chế khuyến khích…

Trong trường hợp các quốc gia có những hình thức đầu tư theo PPP liên quan đến rất nhiều lĩnh vực (giao thông, y tế, giáo dục, điện năng…) và liên quan đến nhiều bộ, ngành, cơ quan quản lý hoạt động PPP cần phải tương đối độc lập. Tuy nhiên, cũng có trường hợp không nhất thiết cần một cơ quan quản lý các dự án PPP độc lập.

Đối với những bộ hoặc địa phương có nhiều dự án thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư, bộ hoặc địa phương có thể thành lập đơn vị quản lý PPP riêng, nhằm quản lý các dự án hiệu quả. Australia có đơn vị quản lý các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng cơ sở.

Đây là lĩnh vực thường có lượng lớn dự án quy mô đáng kể đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư. Ngoài ra, các bang New South Wales, Queensland và Victoria đều có đơn vị quản lý PPP riêng. Ở Pakistan, Ban Cơ sở hạ tầng Năng lượng Tư nhân (the Private Power Infrastructure Board) được thành lập nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân đối với các dự án năng lượng.

Tuy nhiên, đối với những bộ, ngành, địa phương có ít dự án PPP, việc thành lập một bộ phận riêng để quản lý là không hiệu quả. Vì vậy, tuỳ thuộc vào tình hình thực tế mà các nước tổ chức đơn vị quản lý dự án đầu tư theo hình thức PPP cho riêng mình.

4 mô hình cơ quan quản lý

Nhìn chung, có bốn lựa chọn để đặt cơ quan quản lý hoạt động của PPP: Thứ nhất, cơ quan này nằm trong một bộ, như trường hợp Nam Phi. Năm 2000, Nam Phi thành lập Đơn vị PPP, thuộc Vụ Ngân sách của Kho bạc Nhà nước, hoạt động như đầu mối phối hợp và quản lý các dự án PPP. Đơn vị PPP có trách nhiệm trình các báo cáo lên Vụ Ngân sách và Kho bạc Nhà nước. Đơn vị PPP thực hiện các nhiệm vụ tư vấn liên quan đến PPP, trong đó có 11 nhân viên chuyên nghiệp.

Các chức năng chính của Đơn vị PPP gồm: Phê duyệt chính thức ở ba giai đoạn chuẩn bị khác nhau của dự án để bảo đảm tuân thủ các quy định của Kho bạc, hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho các phòng, ban trong việc chỉ định cố vấn giao dịch, phát triển chính sách, hướng dẫn cụ thể quy trình đấu thầu dự án PPP và các quy định điều khoản hợp đồng PPP, tập huấn, hội thảo, nâng cao nhận thức của công chúng về PPP thông qua các ấn phẩm, trang thông tin điện tử các hội nghị và quản lý Quỹ phát triển dự án cung cấp tài trợ cho các chi phí giao dịch của chính phủ.

Thứ hai, thành lập Cơ quan quản lý các dự án PPP độc lập tương đối so với Chính phủ. Ở Philippines, Trung tâm PPP được trao thẩm quyền quản lý và triển khai các chương trình, dự án PPP của đất nước.

Tiền thân của Trung tâm PPP là Trung tâm BOT thuộc Hội đồng điều phối chương trình hỗ trợ Philippines (CCPAP), hoạt động từ năm 1993 - 1998. Trung tâm này có trách nhiệm điều phối và giám sát mọi dự án theo Luật BOT. Từ năm 1999 - 2002, Trung tâm BOT được đổi tên thành Hội đồng điều phối sự tham gia của lĩnh vực tư nhân (CCPSP), nhằm quản lý không chỉ các dự án BOT mà cả các hợp đồng, dự án khác có sự tham gia của khu vực tư nhân.

Từ năm 2002 - 2010, CCPSP được tái tổ chức và chuyển thành Trung tâm BOT trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp. Sau khi được đổi tên thành Trung tâm PPP theo Sắc lệnh hành chính số 8 của Tổng thống Philippines năm 2010, Trung tâm này đóng vai trò tương đối độc lập trong đề ra phương hướng chiến lược cho chương trình PPP của Philippines và hoạch định chính sách, thể chế cho PPP.

Thứ ba, đơn vị quản lý PPP như một công ty do Chính phủ làm chủ. Đơn cử, Canada thành lập công ty Đối tác British Comlumbia (PBC), được điều hành bởi Ủy ban Kết hợp công - tư và có cơ chế trả lương riêng, nhằm thu hút những người tài giỏi vào làm việc.

Thứ tư, thành lập một công ty liên doanh - liên kết giữa Nhà nước và tư nhân, trong đó tư nhân cũng nắm cổ phần, như của Ấn Độ. Công ty này sinh lời dựa trên kết quả hoạt động.