Xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2018 như thế nào?
Ngày 13/7/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 71/2017/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2008 và kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2018-2020, trong đó quy định một số điểm mới về xây dựng dự toán chi đầu tư phát triển trong năm 2018.
Theo quy định của Thông tư số 71/2017/TT-BTC, dự toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN được xây dựng phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016–2020.
Đồng thời, đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13) và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg).
Đối với các dự án dự kiến bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 thấp hơn so với quyết định đầu tư phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh tổng mức đầu tư, xác định điểm dừng kỹ thuật hợp lý hoặc bổ sung nguồn hợp pháp khác để hoàn thành dự án phù hợp với quy mô vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương.
Bên cạnh đó, dự toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN cần chi tiết theo các lĩnh vực chi phù hợp với quy định của Luật NSNN và sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên sau:
Thứ nhất, bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, Chương trình mục tiêu, dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Thứ hai, vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư PPP; Xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước.
Thứ ba, chỉ bố trí cho các dự án khởi công mới nếu còn nguồn và đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định (ưu tiên thực hiện các dự án mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp nông thôn, các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, các địa phương chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển; Các dự án, công trình y tế, giáo dục, các dự án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm liên ngành, liên lĩnh vực để thực đẩy phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP).
Ngoài ra, Thông tư số 71/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng quy định rõ, các bộ, cơ quan trung ương, các cơ quan, đơn vị ở địa phương được cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn thu từ sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước để đầu tư, phải lập dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn thu này (bao gồm cả số thu năm 2017 chưa sử dụng hết) và tổng hợp trong dự toán chi đầu tư phát triển của bộ, cơ quan trung ương, các cơ quan, đơn vị ở địa phương gửi cơ quan Kế hoạch và đầu tư và cơ quan Tài chính cùng cấp để tổng hợp dự toán NSNN trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Các bộ, cơ quan trung ương phải lập báo cáo riêng giải trình cụ thể về nguồn thu và nhu cầu chi đầu tư từ nguồn tiền bán tài sản, kể cả thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất gửi Bộ Tài chính (Vụ I đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Cục Quản lý công sản đối với các bộ, cơ quan trung ương khác).
Đối với dự toán chi cấp bù chênh lệch lãi suất, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư tín dụng đầu tư, tín dụng chính sách của Nhà nước, bổ sung nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, cần căn cứ vào quy định của cấp có thẩm quyền, tình hình thực hiện năm 2017 và dự kiến những thay đổi về đối tượng, chính sách, nhiệm vụ năm 2018 để xây dựng dự toán chi theo quy định.