Nở rộ những mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Theo An Như/kinhtenongthon.com.vn

Kể từ khi Chính phủ có cơ chế phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến nay, những vườn rau trong nhà kính, nhà lưới; lúa hữu cơ xuất hiện ngày càng nhiều.

Nở rộ những mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Nguồn: internet
Nở rộ những mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Nguồn: internet

Quảng Trị: Trồng rau trong nhà kính đem lại hiệu quả cao

Xây dựng nền nông nghiệp sạch, bền vững và đưa nông sản chất lượng cao đến tay người tiêu dùng là vấn đề luôn được quan tâm tại tỉnh Quảng Trị. Được biết, chính quyền và người dân đang tích cực chuyển dịch cơ cấu và phương pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao, tạo ra nguồn nông sản sạch, an toàn.

Khác với phương pháp canh tác tự nhiên, vườn rau ứng dụng công nghệ cao của anh Lê Văn Vượng, 23 tuổi, Hợp tác xã Trường Sơn, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt từ khâu làm đất đến kỹ thuật bón phân, nước tưới..

Cây được trồng trong nhà kính rộng hơn 2.000m2 và hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Anh Vượng cho biết, vườn cây được đầu tư với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng, trồng dưa lưới và dưa hấu với tỉ lệ đậu quả trên 70%, sản lượng ước tính gần 5 tấn, mỗi vụ thu về hơn 150 triệu đồng.

“So với phương pháp truyền thống, cây trồng trong nhà lưới phát triển rất tốt, hiệu quả phát triển nhanh hơn và quả to hơn. Trồng trong mô hình nhà lưới đảm bảo được nước và côn trùng phía ngoài không ảnh hưởng lên cây”, anh Vượng cho biết.

Huyện Vĩnh Linh hiện có 4 mô hình nhà kính trồng rau, củ, quả sạch. Bà Lê Thị Thúy Kiều, Phó trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết, canh tác trong nhà kính hạn chế những bất lợi từ thời tiết và sâu bệnh nhờ chủ động được độ ẩm trong đất, năng suất canh tác trong nhà kính tăng từ 30 - 50% so với canh tác truyền thống.

Vĩnh Linh định hướng mở rộng và phát triển các mô hình công nghệ cao để bà con chủ động trong sản xuất và có thể canh tác trái vụ. Khi người dân canh tác ở trong mô hình nhà kính sẽ hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, những hóa chất không cần thiết, từ đó cho ra những sản phẩm nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng”, bà Kiều cho biết.

Trong nhà kính rộng hơn 2.000m2 của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, mô hình trồng rau sạch bằng công nghệ hiện đại mang lại hiệu quả cao. Tại đây, rau xà lách và dưa lưới trồng theo phương pháp thủy canh luân hồi với hệ thống phun tưới tự động.

Ông Nguyễn Thanh Tính, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Khang cho biết, việc trồng rau, dưa công nghệ cao phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu làm đất vào khay trồng, kỹ thuật bón phân cũng như nước tưới cho rau phải được tiệt trùng. Khi mô hình này thành công, HTX sẽ nhân rộng mô hình, chuyển giao về từng hộ gia đình. Nếu được nên phát triển mô hình này ở những vùng ven biển, bãi ngang, nhưng nơi khó canh tác. Hiện, Quảng Trị đang hợp tác với Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản để triển khai Dự án hỗ trợ tỉnh Quảng Trị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất.

Thái Nguyên: Bàn giao mô hình sản xuất rau an toàn công nghệ cao

Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa (Thái Nguyên) vừa phối hợp với UBND xã Bảo Cường tổ chức nghiệm thu, bàn giao mô hình “sản xuất rau an toàn công nghệ cao” tại xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường.

Mô hình trên được thực hiện vào tháng 9-2017 tại gia đình ông Hứa Văn Tú với quy mô trên 4 sào ruộng. Qua giám sát cho thấy mô hình đảm bảo tiến độ, kỹ thuật đề ra. Cụ thể, rau được trồng trong nhà lưới có kết cấu dạng vòm, xung quanh có hệ thống lưới chắn côn trùng; trong nhà có thiết kế hệ thống lưới cắt nắng và giảm nhiệt màu đen.

Mái che được lợp bằng lưới nilon chuyên dụng phủ trên nóc có độ bền 24-36 tháng. Hệ thống tưới phun tự động chạy dọc theo mái,lấy nước từ giếng khoan... Qua mô hình cho thấy, việc trồng rau trong nhà lưới giúp cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh, giảm sự tác động của thời tiết (sương muối), rút ngắn thời gian sinh trưởng.  

Tại buổi nghiệm thu, đại đa số thành viên hội đồng đều nhất trí bàn giao cho gia đình đưa mô hình vào sử dụng. Như vậy, tính đến nay, mô hình trên đã được triển khai ở thị trấn Chợ Chu và xã Bảo Cường (với quy mô 1ha). Tổng kinh phí thực hiện trên 500 triệu đồng, theo hình thức nhân dân đối ứng 30%

Đơn Dương: Thành lập Hợp tác xã rau VietGap

Trước nhu cầu thực tế về sản xuất nông nghiệp sạch, nhiều hộ nông dân xã Lạc Lâm, huyện Ðơn Dương (Lâm Đồng) đã tập hợp nhau lại thành lập Hợp tác xã (HTX) rau sạch VietGAP Lạc Lâm, vừa ổn định đầu ra, vừa xuất ra thị trường sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. 

Trước đây, các hộ dân trồng rau năng suất không cao, rau hay bị nhiễm bệnh do bón phân chuồng trực tiếp, làm đất chưa đúng quy trình và sử dụng nguồn nước tưới chưa bảo đảm. Nhưng từ khi tham gia HTX rau sạch VietGAP Lạc Lâm các hộ nông dân đã biết thực hiện theo quy trình sản xuất rau VietGAP, các xã viên HTX đầu tư nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt để sản xuất.

Ông Bùi Ngọc Cung, thôn Hải Dương là người đi tiên phong trong phát triển rau công nghệ cao ở Lạc Lâm cho biết, trồng theo kiểu truyền thống không mang lại kinh tế cao, ông bỏ số vốn lớn để đầu tư 2 ha nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt sản xuất nông sản sạch, bên cạnh đó ông còn áp dụng công nghệ thông tin trong sản xuất như hệ thống phần mềm kiểm soát độ ẩm, tưới nước, quản lý nhật ký đồng ruộng qua hệ thống máy vi tính điều khiển từ xa.

Thời điểm hiện tại, dịch bệnh xoăn lá cà chua đang hoành hành thì cà chua sản xuất nhà kính của ông vẫn phát triển tốt và cho ra sản phẩm đạt chất lượng. Mới hơn 2 năm sản xuất, ông Cung đã lấy lại số vốn đã đầu tư, bây giờ chỉ việc thu lợi nhuận. 

Anh Nguyễn Quốc Thịnh, tham gia HTX với diện tích 6 sào nhà kính, có hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại để trồng ớt chuông. Anh cho biết, làm đơn lẻ sẽ bị phụ thuộc vào thương lái nên anh đã tham gia HTX để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Với diện tích 6 sào lợi nhuận anh thu về rất lớn; toàn bộ rau do các hộ thành viên sản xuất đều tuân theo quy trình VietGAP. Hợp tác xã chịu trách nhiệm bao tiêu với giá cam kết, tạo đầu ra ổn định, giúp bà con yên tâm canh tác. 

Tập đoàn Quế Lâm: Từ phân bón hữu cơ đến gạo sạch

Xuất phát từ làm phân bón hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm đang nỗ lực xây dựng chuỗi nông sản hữu cơ an toàn, tập trung cho thương hiệu gạo sạch Quế Lâm. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với chữ “tâm” khi làm nông sản sạch, gạo hữu cơ Quế Lâm đã lấy được niềm tin của người tiêu dùng.

Từ năm 2013, Tập đoàn Quế Lâm đã đầu tư sản xuất nông sản hữu cơ để phục vụ người tiêu dùng, trong đó, chú trọng vào sản xuất gạo hữu cơ. Với việc áp dụng công nghệ sinh học vào quy trình sản xuất, gạo hữu cơ Quế Lâm không sử dụng hóa chất, phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu trong quá trình trồng trọt. Phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm được sử dụng để tăng tốc độ phát triển của cây lúa, đồng thời bảo đảm an toàn cho hạt gạo.

Đất ruộng trồng lúa cũng được xử lý kỹ bằng phân vi sinh hữu cơ trong 3 vụ liên tiếp để không tồn dư hóa chất, thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật. Nguyên tắc “3 không”: Không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu được thực hiện trong quá trình trồng trọt và chịu sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia. Ông Khắc Ngọc Bá - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Quế Lâm - cho hay, sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất không chỉ tạo ra nguồn nông sản an toàn, chất lượng mà còn hạn chế chi phí đầu tư. “Phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm có thể tồn tại lâu dài trong đất, không gây bạc màu, có tác dụng làm tơi xốp đất, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng” - ông Bá nói thêm

Sản phẩm gạo hữu cơ Quế Lâm không sử dụng hóa chất bảo quản, không tẩy trắng, không sử dụng hương liệu. Lúa hữu cơ sau khi thu hoạch được các chuyên gia kiểm tra, đáp ứng yêu cầu an toàn về chỉ tiêu chất độc, côn trùng và nấm mốc. Trong quá trình thu hoạch và phơi khô, nông dân phải bảo đảm quy trình chặt chẽ do Tập đoàn đưa ra để thu mua và đưa vào quá trình sấy, xay xát và bảo quản.

Ông Trần Thế Anh - Trưởng đại diện Văn phòng gạo hữu cơ Quế Lâm ở miền Bắc - cho biết: Riêng miền Bắc đã có trên 100 đối tác đăng ký đơn hàng các sản phẩm sạch của Quế Lâm. Trong đó có gần 60 tấn gạo hữu cơ được cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội. Ngoài ra, Tập đoàn còn liên kết với Quảng Trị để sản xuất dầu lạc nguyên chất, chè hữu cơ tại Thái Nguyên.

Hiện, Quế Lâm đã trồng lúa hữu cơ tại nhiều địa phương, tạo thành chuỗi đồng ruộng hữu cơ với diện tích hơn 300ha, cung cấp số lượng lớn gạo hữu cơ ra thị trường. Tại Hà Tĩnh, có hơn 50ha ở 6 huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh; Thừa Thiên Huế có 10ha thử nghiệm tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lương 1 (huyện Phú Vang)...

Tập đoàn Quế Lâm tạo mọi điều kiện để nông dân có thể thuận lợi canh tác lúa theo phương pháp hữu cơ mới. Tập đoàn cung ứng giống và phân bón cho người dân; hỗ trợ 50% kinh phí từ xã để người dân chuyển đổi phương pháp; cam kết mua trọn gói sản lượng lúa thu hoạch được với mức giá cao hơn nhiều lần so với mức giá trung bình. Trong quá trình trồng trọt, đội ngũ chuyên gia của Tập đoàn Quế Lâm luôn theo sát, trực tiếp ra đồng cùng người nông dân để bảo đảm quy trình trồng trọt được thực hiện chặt chẽ.