Tái cấu trúc nguồn thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế

Theo Mai Phương/tapchithue.com.vn

Báo cáo tham luận tại Diễn đàn tài chính Việt Nam 2018 cho thấy, với thực tế số thu ngân sách năm 2016, 2017 và kết quả thu những tháng đầu năm 2018, dự kiến tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 5 năm 2016-2020 giảm khoảng 200 - 250 nghìn tỷ đồng so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016. Trong đó, ngân sách trung ương ước hụt khoảng 350 - 400 nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cơ cấu thu nội địa thiếu bền vững

Theo đánh giá của tham luận, cơ cấu thu nội địa hiện nay chưa hoàn toàn đảm bảo sự bền vững, hiệu quả thu còn hạn chế khi vẫn còn dựa nhiều vào các khoản thu không tái tạo (thu từ vốn) như thu từ giao quyền sử dụng đất, thu từ tài nguyên, thu từ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN). Trong khi, quy mô thu từ các sắc thuế khác còn khiêm tốn, mặc dù dư địa được dự báo là tương đối lớn nếu có các chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, việc thực hiện miễn, giảm thuế; cắt giảm, bãi bỏ hàng trăm khoản phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thu tiền sử dụng đất; giảm thuế suất thuế TNDN cho các DN... đã phần nào ảnh hưởng đến nguồn thu NSNN trong ngắn và dài hạn.

Hơn nữa, do việc khai thác các khoản thu từ đất đai, tài nguyên diễn ra khá nhanh, dẫn đến những tác động không nhỏ về kinh tế - xã hội và môi trường.

Chưa kể, tình trạng nợ đọng thuế, tránh thuế vẫn diễn ra phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững của nguồn thu thuế. Tình trạng chuyển giá trong khu vực DN FDI diễn ra phức tạp và ngày càng tinh vi.

Công tác quản lý thuế còn gặp nhiều thách thức, chưa bao quát được hết các nguồn thu và chưa có phương thức quản lý hiệu quả đối với những khoản thu mới (giao dịch xuyên biên giới, thương mại điện tử).

Chính vì vậy, Tổng cục thuế cho rằng, thời gian tới cần rà soát tổng thể hệ thống chính sách thuế, tăng cường sự bền vững thu NSNN cả về quy mô và cơ cấu.

Theo đó, các chính sách thuế (thuế GTGT, TTĐB, TNDN, TNCN; thuế nhà, đất…) cần được rà soát để đảm bảo nguyên tắcmở rộng cơ sở tính thuế thông qua mở rộng phạm vi, đối tượng chịu thuế, từng bước thu hẹp diện miễn, giảm thuế.

Định hướng sửa đổi chính sách thuế

Để đạt được các mục tiêu trên, theo Tổng cục Thuế, trước mắt cần hoàn thiện cơ chế chính sách thuế GTGT theo hướng: mở rộng cơ sở thuế, giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế và giảm diện áp dụng thuế suất 5%, tiến tới áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT.

Đồng thời, quy định rõ áp dụng phương pháp khấu trừ đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài không thành lập theo Luật Đầu tư, cung cấp hàng hóa, dịch vụ tạiDNvừa và nhỏ, DNsiêu nhỏ.

Cùng với đó, cần giảm mức ngưỡng thanh toán không dùng tiền mặt đối với điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào từ mức 20 triệu đồng xuống mức 3 - 5 triệu đồng.

Bổ sung quy định để xác định đúng cơ chế thu đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ mới phát sinh theo sự phát triển của kinh tế thị trường. Hoàn thiện tỷ lệ thuế phải nộp của phương pháp trực tiếp để tránh lợi dụng chênh lệch thuế suất giữa phương pháp trực tiếp và phương pháp khấu trừ.

Với chính sách thuế TNDN sẽ hoàn thiện theo hướng, điều chỉnh giảm mức thuế suất chung theo lộ trình phù hợp để thu hút đầu tư và tạo điều kiện cho DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy để đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Bổ sung các quy định để bao quát được các hoạt động kinh tế mới phát sinh trong kinh tế thị trường hội nhập và phù hợp với thông lệ quốc tế như: Hoạt động bán hàng đa cấp, thương mại điện tử, kinh tế số...

Riêng với DNNVV, sẽ nghiên cứu đề xuất mức thuế TNDN phù hợp để đảm bảo mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và phù hợp nguyên tắc tại Luật hỗ trợ DNNVV. Cụ thể, DN siêu nhỏ được đề xuất áp dụng mức thuế suất 15%, hoặc được lựa chọn nộp thuế TNDN theo hướng đơn giản; DN nhỏ và vừa được áp dụng thuế suất 17%.  

Ngoài ra, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật về thuế, thì cần thiết quán triệt yêu cầu đối với các bộ ngành, địa phương khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không được đưa các nội dung ưu đãi thuế khác quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về thuế đã ban hành.

Đồng thời, hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội vào chính sách thuế để đảm bảo tính chất trung lập của pháp luật thuế góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng theo các mục tiêu và định hướng đề ra trong Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Cạnh đó, cần rà soát chính sách ưu đãi thuế TNDN hiện hành để sửa đổi nhằm thu hút đầu tư một cách có hiệu quả. Đồng thời hạn chế tối đa việc ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách.