Từ 1/2/2017, Việt Nam thực hiện thí điểm cấp thị thực cho công dân 40 nước

Theo daibieunhandan.vn

Từ ngày 1/2/2017, Việt Nam bắt đầu thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử (E-visa) trong 2 năm (2017 - 2018) cho công dân 40 nước. Việc mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, người nước ngoài vào Việt Nam với các mục đích phù hợp với pháp luật Việt Nam có quyền lựa chọn đề nghị cấp thị thực thông thường hoặc thị thực điện tử.

Khách quốc tế có thể truy cập cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an có tên miền tiếng Việt là http://www.xuatnhapcanh.gov.vn, tiếng Anh là http://www.immigration.gov.vn để trực tiếp đề nghị và khai thông tin, tải ảnh và trang thân nhân hộ chiếu, nhận mã hồ sơ điện tử và nộp phí cấp thị thực vào tài khoản quy định (phí cấp thị thực điện tử một lần và thời hạn không quá 30 ngày là 25 USD); nhận kết quả, tự in thị thực điện tử qua hệ thống giao diện điện tử, không qua khâu trung gian.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ thông tin đề nghị cấp thị thực điện tử và phí cấp thị thực, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh sẽ xem xét, giải quyết và trả lời người đề nghị cấp thị thực điện tử.

E-visa xuất hiện lần đầu tiên từ năm 1996 và ngày càng trở thành xu hướng toàn cầu. Việc cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam có thể trực tiếp cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam mà không cần phải có thư mời bảo lãnh từ Việt Nam và không cần thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài như quy định trước đây thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, phát triển chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng như yêu cầu giữ vững an ninh quốc gia, trật tự xã hội trong tình hình mới.

Đặc biệt, việc cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử qua 28 cửa khẩu quốc gia là bước ngoặt có tính đột phá cho du khách thực hiện thủ tục thị thực minh bạch, rõ ràng, nhanh gọn, thuận tiện, thoải mái nhất và mang lại nhiều kỳ vọng mới trong việc thu hút khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu cơ hội hợp tác kinh tế tại Việt Nam.

Năm 2016, ngành du lịch Việt Nam thu hút hơn 10 triệu lượt khách quốc tế (tăng 26% so với năm 2015) và 62 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt 400.000 tỷ đồng. Việt Nam được xếp thứ 24/141 quốc gia về tài nguyên du lịch, nhưng chỉ đứng thứ 75/141 về năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu; xếp hạng 89 về mức độ mở cửa với quốc tế, trong đó yêu cầu về thị thực xếp hạng 119 (Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân 22 nước, so với ở Thái Lan là 61, ở Malaysia là 155, Singapore là 158, Indonesia là 169 nước).

Việc mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực và áp dụng cấp thị thực điện tử trên nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng hiện đại và an toàn là một bước tiến mới trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch.

Đột phá này, cùng với việc đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực và tăng cường năng lực, hiệu quả phối hợp quản lý nhà nước về du lịch… đang và sẽ giúp ngành du lịch tự tin và chủ động hơn để đạt mục tiêu năm 2017 là thu hút 11,5 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2020, thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD...