VEPR: GDP của Việt Nam năm 2018 có thể đạt 6,83%

PV.

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt 6,83%, vượt mục tiêu đề ra của Quốc hội. Với kịch bản tăng trưởng này, lạm phát năm 2018 có thể ở mức 4,2%, cao hơn lạm phát mục tiêu 4%.

VEPR: Lạm phát của Việt Nam năm 2018 có thể ở mức 4,2%, cao hơn lạm phát mục tiêu 4%.
VEPR: Lạm phát của Việt Nam năm 2018 có thể ở mức 4,2%, cao hơn lạm phát mục tiêu 4%.

Tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2018 do VERP tổ chức ngày 8/5, PGS.,TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định: Với kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam có thể đạt mức cao là nhờ quán tính tăng trưởng của năm trước, đi liền với những nỗ lực cải thiện năng suất lao động của Chính phủ.

Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động tích cực từ những diễn biến của kinh tế thế giới, với sự phục hồi của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, nhóm nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) và khu vực ASEAN, dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2017...

Tuy nhiên, với kịch bản tăng trưởng 6,83%, lạm phát năm 2018 cũng không còn thấp như năm 2017, mà có thể ở mức 4,2%, cao hơn lạm phát mục tiêu 4%. Lý do là các đợt điều chỉnh giá các dịch vụ công cũng như việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu sẽ gây áp lực tăng lạm phát.

Trong kịch bản tăng trưởng thứ hai, với điều kiện thận trọng hơn của kinh tế thế giới và trong nước, tăng trưởng kinh tế sẽ đạt mức 6,49% (xấp xỉ mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,5% - 6,7%), lạm phát sẽ ở mức 3,86%.   

PGS.,TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý, xu hướng thắt chặt tiền tệ của Mỹ và Liên minh châu Âu cùng với xu hướng tăng giá năng lượng có thể làm cho VND sẽ mất giá so với USD và Euro, điều này cũng sẽ đẩy giá hàng hoá nhập khẩu lên, góp phần gây áp lực cho lạm phát. Mặc dù vậy, việc VND mất giá so với USD và Euro cũng giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và thúc đẩy hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường này.

Điều đáng chú ý mà nhóm nghiên cứu của VEPR chỉ ra là năng suất lao động của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, thậm chí cả những lĩnh vực trụ cột như công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, vận tải, kho bãi… hiện đều ở mức gần hoặc thấp nhất so với các nước trong khu vực ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia).

Ở các ngành nông nghiệp, điện nước, khí đốt, bán buôn, bán lẻ và sửa chữa, năng suất lao động của Việt Nam hiện xếp hạng gần cuối trong khu vực ASEAN, chỉ cao hơn Campuchia. Trong khi đó, ở các ngành có giá trị gia tăng thấp như khai mỏ, khai khoáng, bất động sản, dịch vụ tài chính..., năng suất lao động của Việt Nam lại cao hơn một số nước trong khu vực. Điều này cho thấy, cơ cấu kinh tế chưa được chuyển dịch, nguồn lực đầu tư đang chuyển dịch nhiều vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp.

Để cải thiện năng suất lao động, VEPR khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động. Đồng thời, chú trọng vào đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ, đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết.