Chính sách thu cần điều chỉnh theo hướng mở rộng cơ sở thuế

BD

Đánh giá chung về tình hình tài chính ngân sách Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS của Quốc hội) cho rằng, sau 3 năm thực hiện, việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia đã thu được một số kết quả bước đầu quan trọng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành NSNN được siết chặt 

Tại báo cáo thẩm tra sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, UBTCNS khẳng định, việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lập ngân sách hàng năm có sự gắn kết chặt chẽ, đảm bảo tính kế thừa, tiếp nối giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách các năm, tạo sự kết nối giữa chi tiêu của các ngành với kế hoạch tổng thể của địa phương, đáp ứng tính liên tục trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) được siết chặt; hạn chế việc tùy tiện điều chỉnh dự toán; từng bước gắn kết giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng được chú trọng và tăng cường hơn. 

Qua 3 năm, bước đầu tạo tính chủ động cho các bộ, ngành trong việc dự báo khả năng thu ngân sách và nhu cầu chi tiêu để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Thủ tục hành chính được cải cách, quản lý thu, chi NSNN được hiện đại hoá. Công tác kế toán, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, quản lý tài sản công được đẩy mạnh, có hiệu quả, công khai, minh bạch ngân sách có chuyển biến tích cực.

Dự kiến, thu NSNN đạt khoảng 6,6 - 6,7 triệu tỷ đồng, bằng 97 - 98% chỉ tiêu trong Kế hoạch 5 năm quốc gia. Chi NSNN đạt khoảng 96 - 97% kế hoạch 5 năm. Cơ cấu chi ngân sách có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển cao hơn mục tiêu đã đề ra. Tỷ trọng chi thường xuyên năm sau giảm hơn so với năm trước.

Tỷ lệ bội chi và nợ công/GDP bảo đảm đạt kế hoạch. Nợ công hàng năm, nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia đều giữ ở thấp hơn giới hạn theo mục tiêu đề ra. An ninh tài chính quốc gia được đảm bảo, đáp ứng nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội. 

Chính sách thu còn chậm được đổi mới 

Bên cạnh đó, UBTCNS cũng nêu ý kiến về một số vấn đề liên quan đến các chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, phần tăng thu vừa qua chủ yếu là ngân sách địa phương; số thu nội địa tăng chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ của ngân sách trung ương.

Việc điều chỉnh chính sách thu, công cụ điều tiết các khoản thu chậm đổi mới nên kết quả thu NSNN chưa được như mong muốn. Chính sách thu chưa được điều chỉnh theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng.

Bên cạnh đó, việc triển khai Kế hoạch Đầu tư công trung hạn còn lúng túng, dẫn đến việc phân bổ, giao dự toán chậm, tiến độ giải ngân năm 2017, 2018 còn chậm.

Cơ cấu chi NSNN có chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2019, dự toán tỷ trọng chi thường xuyên là 63,8% (thấp hơn năm 2018 là 64,1%), tỷ trọng chi đầu tư phát triển là 26,3% (cao hơn năm 2018 là 26,2%) bảo đảm mục tiêu cơ cấu chi đầu tư - chi thường xuyên theo nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, sự chuyển dịch chưa thật mạnh mẽ. Nhiệm vụ chi lương và các chính sách an sinh xã hội ngày càng nhiều, xã hội hóa đầu tư còn chậm, làm tỷ lệ chi thường xuyên chưa giảm mạnh, đòi hỏi phải có những tính toán căn cơ, tiết kiệm chi thường xuyên triệt để, bảo đảm thực hiện nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại chi NSNN.