Độc lập, tự chủ kinh tế mạnh hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa

TS. Nguyễn Minh Phong

(Tài chính) Coi trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong quá trình mở cửa, hội nhập là một trong những nguyên tắc, nội dung và bài học hội nhập quốc tế trong thế giới toàn cầu hóa. Điều này cũng được ghi nhận nhất quán trong các chủ trương, chiến lược, Nghị quyết Đảng và cơ sở pháp lý Nhà nước có liên quan.

Để hạn chế nhập siêu từ một vài thị trường lớn cần một chiến lược tổng thể và dài hạn. Nguồn: internet
Để hạn chế nhập siêu từ một vài thị trường lớn cần một chiến lược tổng thể và dài hạn. Nguồn: internet
Về bản chất, nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày nay không có nghĩa là duy trì hoặc tăng tính tự cung, tự cấp và tự mình “làm tất, ăn cả”, bất chấp hiệu quả kinh tế, mà ngược lại, mỗi quốc gia cần tích cực tham gia quá trình phân công và hợp tác lao động quốc tế dựa trên các lợi thế so sánh phù hợp với từng giai đoạn và bối cảnh lịch sử. 

Đặc biệt, mỗi nước và mỗi doanh nghiệp đều cần tham gia đảm nhận ngày càng nhiều và vững chắc hơn những công đoạn có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu và hiệu quả lớn trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Đồng thời, ngày càng tiếp cận và hài hòa các yêu cầu chuẩn chung về môi trường kinh doanh, chất lượng sản phẩm và điều kiện kinh doanh công bằng khác, hướng tới mục tiêu cao nhất là phát triển bền vững vì sự phát triển tự do và toàn diện, không ngừng cải thiện chất lượng sống của con người.

Không thể lệ thuộc quá lớn bất kỳ thị trường nào

Tuy nhiên, thực tế thế giới cho thấy, sẽ là không bình thường và “lợi bất cập hại”, làm tăng độ rủi ro và tính dễ tổn thương của chính mình, nếu trong xu thế toàn cầu hóa và biến đổi nhanh chóng này mà một quốc gia lại lệ thuộc quá lớn và một chiều vào dòng hàng nhập khẩu từ một quốc gia khác, dù với cơ cấu nhập khẩu ra sao và vì bất kỳ lý do nào.

Xin nêu một thí dụ. Thị trường Trung Quốc là một thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, việc chỉ số nhập siêu (giá trị nhập khẩu cao hơn xuất khẩu trong một thời gian nhất định) từ Trung Quốc quá cao, trong một thời gian dài, đã tác động xấu tới tình hình sản xuất trong nước, tạo sự lệ thuộc và thiếu chủ động nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp trong nước.

Như vậy,  việc giảm dần nhập siêu, từng bước cân bằng cán cân thương mại, kiểm soát và nâng cao chất lượng của hoạt động xuất-nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đang là vấn đề cấp thiết đặt ra với Việt Nam trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Từ năm 2010 đến nay, nhập khẩu từ Trung Quốc thường chiếm khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu hằng năm của Việt Nam và nhập siêu từ Trung Quốc luôn lớn hơn tổng nhập siêu của cả nước cùng thời điểm so sánh.

Nếu năm 2001, nhập siêu từ Trung Quốc chiếm 15,88% trong tổng nhập siêu của Việt Nam (188,8 triệu USD), thì các năm tiếp theo, nhất là từ sau khi Việt Nam cùng ASEAN ký FTA với Trung Quốc, tỷ lệ này tăng rất nhanh lên mức 61,93% (năm 2005), 98,88% (năm 2010)... Năm 2012, lần đầu tiên sau 19 năm, tính chung cả nước, Việt Nam xuất siêu đạt 284 triệu USD và năm 2013 xuất siêu 863 triệu USD, bằng 0,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 16,7 tỷ USD vào năm 2012 và 23,7 tỉ USD vào năm 2013 so với mức chỉ là 210 triệu USD vào năm 2001. Riêng năm 2013, sự bất cân bằng là rất lớn khi Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 13,1 tỷ USD, tăng 2,1% (269 triệu USD), thì nhập khẩu từ Trung Quốc lại lên tới khoảng 36,8 tỷ USD, tăng 26,7% (7,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2012.

Như vậy, sau 12 năm, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tăng lên hàng trăm lần, cả về quy mô và tỷ trọng trong tổng nhập siêu cả nước và xu hướng vẫn liên tục tăng, bất chấp xu hướng cải thiện dần và tiến tới xuất siêu của Việt được ghi nhận trong 2 năm qua. Nói cách khác, Việt Nam xuất siêu trên các thị truờng quốc tế khác và số đó dường như chỉ để bù cho nhập siêu từ Trung Quốc.  Dự báo năm 2014, Việt Nam sẽ xuất siêu sang thị trường Hoa Kỳ khoảng trên 22 tỷ USD, trong khi nhập siêu từ thị trường Trung Quốc cũng khó cải thiện so với năm 2013...

Ngoài ra, thị trường Việt Nam đang bị lệ thuộc khá lớn vào thị trường nhập khẩu một số nông sản tươi sống và than từ Trung Quốc. Hơn nữa, chỉ với vũ khí “giá bỏ thầu thấp”, Trung Quốc đang là “nhà vô địch” thắng thầu lớn nhất và là chủ thầu nhiều dự án nhất ở Việt Nam trong các lĩnh vực nhiệt điện, xi măng, khai khoáng…

Bởi vậy, giảm nhập siêu và giảm sự lệ thuộc một chiều vào thị trường một nước trở thành lựa chọn bắt buộc của Việt Nam trong thời gian tới.

Làm gì để giảm nhập siêu?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, với các chỉ tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 6-6,2%, lạm phát ở mức 7%, nguồn huy động vào ngân sách từ thuế, phí đạt 18-19% GDP…

Một trong các điểm nhấn trọng tâm và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành và địa phương cần xây dựng các kế hoạch cho thời gian tới với mục tiêu tránh để Việt Nam phải phụ thuộc nhiều vào một thị trường nhằm tăng tính tự chủ về kinh tế.

Từ những yêu cầu trên, người viết thấy rằng giải pháp hạn chế nhập siêu từ một vài thị trường lớn cần một chiến lược tổng thể và dài hạn.

Theo đó, ngoài hoàn thiện cơ sở pháp lý cần thiết và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, quảng bá, tiếp thị để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước, đẩy mạnh tự cung ứng và đa dạng hóa nguồn cung thay thế các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất, đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu, mở rộng và phát triển thị trường mới, thúc đẩy tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phát triển công nghiệp phụ trợ, và những ngành chế biến nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu.

Đặc biệt, cần tăng cường quản lý đường biên mậu để gia tăng xuất-nhập khẩu chính ngạch, theo hợp đồng có đủ các điều khoản chế tài chặt chẽ và xử lý hiệu quả các tranh chấp; kiểm soát hàng hóa kém chất lượng, kịp thời thông tin và hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết, không tiêu thụ và giúp vận chuyển các sản phẩm độc hại nhập khẩu bất hợp pháp từ bên ngoài hay thu gom, bán cho các đầu nậu qua biên giới các loại hàng gây cạn kiệt giống cây, con quý; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống gian lận thương mại, nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ hàng hóa; thu giữ, tiêu hủy hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; xử lý nghiêm hàng hóa gian lận thương mại ngay từ cửa khẩu.

Cùng với đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp Việt Nam cần coi trọng đặt hàng, đấu thầu sử dụng nguyên liệu, hàng hóa trong nước trước khi nhập khẩu; hỗ trợ và thúc đẩy việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nhau; có thể tham gia đấu thầu cung ứng máy móc, thiết bị cho các công trình doanh nghiệp nước ngoài trúng thầu.