Lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Diễn biến CPI trong 10 tháng là tín hiệu khả quan để CPI cả năm có thể ở mức tăng 7%, đạt được chỉ tiêu đề ra.

Nếu tính theo tháng, CPI tháng 10 đã tăng 0,49% so với tháng 9, cao thứ 5 từ đầu năm đến nay (sau các tháng 1 tăng 1,25%, tháng 2 tăng 1,32%, tháng 8 tăng 0,83%, tháng 9 tăng 1,06%); thấp hơn tốc độ tăng của tháng 10 năm 2012 (tăng 0,85%).

Nếu tính cho 10 tháng (tháng 10 năm nay so với tháng 12 năm trước), thì CPI 10 tháng năm nay đã tăng 5,14%, là mức thấp nhất so với cùng kỳ 3 năm trước đây (10 tháng của 2010 tăng 7,58%, của 2011 tăng 16,99%, của 2012 tăng 5,99%).

Nếu tính theo năm (tức là so với tháng 10 năm trước), thì CPI tháng 10 năm nay tăng 5,92%, thấp hơn con số tương ứng của 14 tháng trước đó. Nếu tính bình quân kỳ này so với cùng kỳ năm trước thì CPI của 10 tháng tăng 6,74%, thấp nhất so với các con số tương ứng của các tháng trước.

Như vậy, dù tính theo cách nào thì CPI trong 10 tháng qua cũng thuộc loại thấp.

 Lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu - Ảnh 1

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Xét theo 13 nhóm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng tác động đến CPI trong 10 tháng qua, có thể chia thành 3 nhóm: Nhóm giá giảm, nhóm giá tăng cao, nhóm giá tăng thấp hơn tốc độ tăng chung.

Nhóm có giá giảm gồm lương thực và bưu chính viễn thông, cùng giảm 0,54% trong 10 tháng qua. Nhóm có giá tăng cao hơn tốc độ tăng chung chủ yếu là thuốc và dịch vụ y tế (tăng 18,79%, trong đó dịch vụ y tế tăng 23,47%), giáo dục (tăng 11,57%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 12,71%), may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 5,23%), giá điện, than, xăng, dầu, nước. Nhóm có giá tăng thấp (hầu hết các nhóm còn lại), trong đó đáng lưu ý có nhóm thực phẩm cùng với nhóm lương thực chiếm tới 39,93% tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng, đã tăng thấp trong 4 tháng liền, làm gia tăng nhập khẩu và gây khó khăn cho sản xuất ở trong nước; mấy tháng gần đây mới tăng trở lại...

Xét về các yếu tố tác động đối với lạm phát, về cầu kéo, nét đặc trưng từ vài năm qua, đặc biệt năm nay, là tổng cầu yếu do vốn đầu tư giảm; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm nay tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn còn thấp hơn năm trước (6,2%); hệ số giữa tốc độ tăng thương mại bán lẻ với tốc độ tăng GDP 9 tháng năm nay cũng thấp hơn năm trước (1,03 lần so với 1,24 lần).

Về chi phí đẩy, giá nhập khẩu tính bằng USD 9 tháng năm nay giảm 2,26% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi tốc độ tăng giá USD bình quân 10 tháng năm nay so với cùng kỳ tăng thấp (0,58%), nên giá nhập khẩu tính bằng USD cũng giảm. Tỷ giá thương mại (tính bằng cách lấy chỉ số giá xuất khẩu so với chỉ số giá nhập khẩu) 9 tháng năm nay giảm 1% so với cùng kỳ.

Về tiền tệ tín dụng, tiền từ lưu thông vào ngân hàng tăng cao hơn tiền từ ngân hàng ra lưu thông (cuối tháng 9/2013 so với cuối năm 2012, tăng trưởng huy động tiền gửi đạt 9,5%, cao hơn tăng trưởng tín dụng 6,5%), chứng tỏ tiền vẫn còn bị dồn ứ trong hệ thống ngân hàng.

Về tâm lý của các chủ thể trên thị trường, người tiêu dùng thu nhập có khả năng thanh toán thấp hoặc do bị thiệt hại bởi thiên tai dịch bệnh thì tiếp tục “thắt lưng buộc bụng”, “tích cốc phòng cơ”, người dư dả hơn thì gửi tiết kiệm hoặc mua vàng theo thói quen, mặc dù lãi suất tiết kiệm và giá vàng giảm. Doanh nghiệp làm ăn được, không vướng vào nợ xấu, thì ngại vay; doanh nghiệp muốn vay, nhưng do có nợ xấu lớn, thì ngân hàng ngại cho vay, sợ rủi ro, nợ xấu tăng cao. Tâm lý “co cụm, thủ thế” xuất hiện và tồn tại không ít ở cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Ở góc độ thứ năm, diễn biến CPI trong 10 tháng là tín hiệu khả quan để CPI cả năm có thể ở mức tăng 7%, đạt được chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu tăng dưới  8% theo Nghị quyết của Quốc hội; chỉ tiêu tăng 7% theo Nghị quyết kỳ họp tháng 8 của Chính phủ). Tuy không đạt được mục tiêu “lạm phát thấp hơn” năm trước (6,81%) hay chỉ tăng  6-6,5% theo Nghị quyết 01 của Chính phủ, nhưng vẫn được coi là thành công, đưa năm 2013 là năm đầu tiên không lặp lại chu kỳ “2 năm cao, 1 năm thấp” diễn ra trong gần 1 thập kỷ trước đó.

Mặc dù CPI có thể đạt được chỉ tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm, nhưng vẫn phải quan tâm đến cả hai vấn đề.

Một là, chưa thể chủ quan, lơ là với việc kiềm chế lạm phát, bởi lạm phát trong những tháng cuối năm và đầu năm tới có thể tăng cao trở lại, do còn có những yếu tố tác động làm tăng lạm phát.

Về chi phí đẩy, cần phải cẩn trọng với việc điều hành tỷ giá, với việc thực hiện lộ trình giá thị trường. Về cầu kéo, sẽ có sự cộng hưởng về nhu cầu đầu tư, tiêu dùng cuối năm và nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Về tiền tệ-tín dụng, cần quan tâm đến tốc độ tăng tín dụng, tránh dồn vào cuối năm và dịp Tết, cẩn trọng với tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán cao hơn…Tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng, nhưng đối với người tiêu dùng thì kiềm chế lạm phát còn quan trọng hơn, bởi lạm phát không chỉ liên quan đến túi tiền, đến mức sống thực tế mà còn tác động đến sự ổn định, đặc biệt là lòng tin, bởi ổn định là cơ sở của lòng tin.

Hai là, tăng trưởng kinh tế theo dự báo không đạt được mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết 01 của Chính phủ (5,5%). Mục tiêu tăng 5,8% theo dự báo của năm 2014 cũng không dễ thực hiện nếu vẫn phải ứng phó với nguy cơ lạm phát cao trở lại.