Tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa giảm đà?

Thanh Trúc

Mặc dù, tăng trưởng xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 7,3% so với cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên, so với mức tăng của năm 2017 và 2018 (tăng lần lượt là 19,9% và 16,7% so với năm trước) thì khá khiêm tốn, có sự giảm đà.

Điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử vẫn tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực
Điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử vẫn tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Tăng trưởng khá...

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018. “Trong bối thương mại toàn cầu có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất ổn thì mức tăng này là không tồi và cho thấy những nỗ lực rất lớn từ các doanh nghiệp đến các cơ quan quản lý…” – Bộ Công Thương đánh giá.

Trong tổng số kim ngạch trên, có sự đóng góp rất tích cực của 26 mặt hàng đóng góp đến 89,5% tổng giá trị, đây cũng là những mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Điển hình như điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất; tiếp đó là điện tử, máy tính và linh kiện; hàng dệt may; giày dép…

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, chiếm 83,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm ngoái như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,3%; giày dép các loại tăng 13,1%...

8 tháng đầu năm đã ghi nhận, tốc độ tăng kim ngạch xuất của khu vực kinh tế trong nước đạt 13,9% (đạt 52,04 tỷ USD), cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 117,94 tỷ USD, tăng 4,6%. Kết quả  này, đưa tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tăng lên, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,8%).

Do đó, đưa khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, cao gần gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung và cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI.

Cũng theo khảo sát, đánh giá của Bộ Công Thương, tất cả các nhóm thị trường mà Việt Nam đã ký kết và đang thực thi hiệp định thương mại tự do (FTA) đều ghi nhận tăng trưởng tốt, nhất là thị trường các nước thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bộ Công Thương dự báo những tháng cuối năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tập trung các nhóm hàng truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ... Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng nhận định, trong những tháng cuối năm các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu, trong lúc giá giảm sâu khiến khu vực nông, lâm thủy sản khó có thể đạt mức tăng trưởng cao.

Nhưng có sự giảm đà

Mặc dù, đạt mức tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018, tuy nhiên, so với mức tăng của năm 2017 và 2018 (tăng lần lượt là 19,9% và 16,7% so với năm trước) thì khá khiêm tốn, có dấu hiệu chững lại.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nông sản là do nhiều quốc gia đã chủ động nguồn cung, hạn chế nhập khẩu. Chưa kể, sau một thời gian tăng cao, hiện nay giá xuất khẩu nhiều loại nông sản đang dần giảm xuống, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu nông sản chung.

Bên cạnh đó, với tác động của thương chiến Mỹ - Trung đang leo thang kết hợp với sự xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm gia tăng những lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh không thuận lợi đó, dự báo xuất khẩu hàng hóa trong ngắn hạn của Việt Nam khó có thể tăng mạnh như năm 2017 và 2018.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng tới tỷ giá giữa các đồng tiền, giá hàng hóa gia công tại Việt Nam bị cao hơn so với một số nước, tiêu biểu là khiến cho lượng đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may kém khả quan so với năm 2018.

Cùng với đó, khó khăn cũng sẽ tạo áp lực đối với ngành Thép trong nước. Theo ông Đặng Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, hiện dư thừa nguồn cung thép trên thế giới đang gây ra sự bất ổn của thị trường thép, cộng thêm xu hướng bảo hộ gia tăng trong thời gian gần đây… ít nhiều tác động đến tình hình xuất khẩu của doanh nghiệp thép Việt Nam. “Những khó khăn này ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường xuất khẩu thép của Việt Nam và gián tiếp gây sức ép lên thị trường nội địa” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam phân tích.

Những yếu tố cản trở đà tăng trưởng xuất khẩu thời gian tới vẫn còn không ít. Đó là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường với mức độ ngày càng gia tăng có thể khiến các ngành hàng (thép, da giầy, dệt may, nông sản, hàng điện tử…) chịu thêm áp lực cạnh tranh khi các mặt hàng này có thể dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế.

Một trong những điều lo ngại được các chuyên gia kinh tế nêu ra trong những tháng cuối năm là việc Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng như khả năng gia tăng nhập siêu từ thị trường này trong thời gian tới.