Tháo rào cản thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Theo Minh Hương/daibieunhandan.vn

Tại Hội thảo khoa học Quốc gia về Kinh tế Việt Nam năm 2017 và Triển vọng năm 2018, đồng thời công bố ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương đồng tổ chức sáng 22/3, nhiều chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam đã đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng năm 2018 sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Kinh tế tư nhân phát triển nhanh và lành mạnh sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Nguồn: Internet
Kinh tế tư nhân phát triển nhanh và lành mạnh sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Nguồn: Internet

Nhiều bất lợi trong môi trường kinh doanh

Theo kết quả nghiên cứu, nền kinh tế năm 2017 đã xuất sắc hoàn thành tất cả các chỉ tiêu Quốc hội giao. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao hơn so với kế hoạch 6,7%. Động lực tăng trưởng chủ yếu về phía sản xuất là vai trò của khu vực FDI với ngành công nghiệp chế biến chế tạo và sự tăng trưởng của ngành dịch vụ.

Bên cạnh đó, Chính phủ còn tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, Quốc hội cũng đã thông qua hàng loạt dự luật quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN)... qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và cải thiện xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Môi trường kinh doanh cải thiện hơn giúp số lượng doanh nghiệp và lượng vốn đăng ký tăng nhanh, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động/giải thể cũng giảm mạnh. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng cao liên tục  từ năm 2012, và hiện nay lên đến hơn 48% tổng số doanh nghiệp.

Trong ba khu vực, các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ cao hơn hẳn doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo kết quả nghiên cứu, nếu doanh nghiệp thua lỗ có thể một phần từ hoạt động “chuyển giá”, thì con số 48% doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân thu lỗ so với hơn 16% doanh nghiệp thuộc khu vực nhà nước đã phản ánh rõ nét những khó khăn rất lớn của khu vực kinh tế tư nhân.

Những bất lợi trong kinh doanh mà khu vực doanh nghiệp tư nhân đang phải đối mặt đã được PGS. TS. Tô Trung Thành, Đại diện nhóm nghiên cứu, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ rõ.

Cụ thể, theo kết quả điều tra của nghiên cứu của nhóm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có sự phân biệt đối xử khác nhau giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp lớn, giữa các loại hình doanh nghiệp sở hữu tư nhân và sở hữu Nhà nước.

Kết quả thực nghiệm cho thấy xác suất hồ sơ xin vay vốn được chấp nhận giải ngân sẽ bị giảm khoảng 23,7 đến 26 điểm phần trăm nếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, sẽ tăng khoảng từ 2,3 đến 2,8 điểm phần trăm nếu là doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước.

Tương tự, với một tỷ lệ chi phí logistics/GDP của Việt Nam đứng ở mức 20,9% GDP năm 2017, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Trung Quốc (14,5%), Singapore (8,5%), Malaysia và Philippines (13%)… cũng đang khiến doanh nghiệp Việt Nam “vất vả” trong kiểm soát chi phí. Có tới 44% doanh nghiệp được hỏi nhận định chi phí vận tải đường bộ ở mức cao và rất cao, 17% doanh nghiệp thường xuyên phải trả các khoản phí không chính thức.

Đặc biệt, có tới 19,6% doanh nghiệp phản ánh phải bỏ ra trên 30% thời gian việc xử lý các vấn đề liên quan đến thuế và hải quan. Nhiều thủ tục hành chính phức tạp còn khiến nhiều doanh nghiệp phải quà cáp cho cán bộ thuế trong các lần gặp.

Cần những nỗ lực mới

Để vượt qua những vấn đề tồn tại và thách thức trên, báo cáo đã đưa ra khuyến nghị khẳng định chính thức tăng tổng cung cần được tập trung với quyết tâm lớn trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

Theo PGS. TS. Tô Trung Thành, đầu tiên là giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay tín dụng của doanh nghiệp. Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo điều kiện phát triển một cách hài hòa giữa các khu vực trong nền kinh tế; cải cách thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép thành lập đăng ký kinh doanh, thủ tục thuê đất, cấp tín dụng. Cải thiện chi phí lao động cho doanh nghiệp và các giải pháp cải thiện chi phí cơ sở hạ tầng logistics...

Bên cạnh đó cần những biện pháp quyết liệt để giảm các khoản chi phí không chính thức, đồng thời, cần hạn chế tính độc quyền trong quá trình khai thác các hệ thống giao thông. Nhà nước cần mở cửa hơn nữa cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ở trong và ngoài nước được tham gia khai thác và vận hành các cơ sở hạ tầng logistics, mới có thể thu hút thêm các nguồn lực cũng như có động lực để cạnh tranh và phát triển

Trong khi đó, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu lại cho rằng Việt Nam đã đưa ra nhiều “đơn thuốc” nhằm tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp nhưng “căn bệnh” doanh nghiệp trong nước mãi vẫn không phát triển vẫn không thể khỏi.

Thách thức lớn nhất theo ông Hiếu, là do các giải pháp không được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. “Cắt bỏ điều kiện kinh doanh mới chỉ là điều kiện đầu tiên. Phải tính tới việc thiết kế những chính sách thúc đẩy cạnh tranh bởi chính sách cạnh tranh mới là trái tim của nền kinh tế, giúp nền kinh tế phát triển bền vững và dài hạn”, ông Hiếu cho hay.

Theo nhiều chuyên gia, mục tiêu tiên quyết là tạo được một môi trường bình đẳng thì chi phí kinh doanh hợp lý. Phải thay đổi cơ cấu kinh tế vĩ mô, tập trung nhiều hơn vào khu vực kinh tế trong nước, trọng tâm là khu vực kinh tế tư nhân. Để đón nhận những triển vọng kinh tế tốt trong năm 2018, Việt Nam phải tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh một cách mạnh mẽ, đồng thời phải tính tới những cái mới, cái thông lệ quốc tế cũng như tới bối cảnh của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0...