Doanh nghiệp khởi nghiệp cần tận dụng tốt các ưu đãi, tránh tư duy dựa dẫm
Chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP của Chính phủ... Theo các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần tận dụng tốt các ưu đãi, hỗ trợ nhưng tránh tư duy dựa dẫm vào Nhà nước.
Nhiều ưu đãi đặc biệt với doanh nghiệp khởi nghiệp
Trong những năm vừa qua, số lượng doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp tại Việt Nam tăng lên mạnh mẽ. Chỉ trong năm 2017 đã có tới gần 127.000 DN đăng ký mới. Chủ trương của Đảng và Nhà nước là tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh DN Việt Nam, nhất là DN tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Luật Hỗ trợ DNNVV được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2017 đã cụ thể hóa chủ trương trên.
Tiếp đó, ngày 11/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV. Theo đó, DN khởi nghiệp là đối tượng nhận được nhiều hỗ trợ đặc biệt từ Nhà nước.
Cụ thể, ngoài các ưu đãi, hỗ trợ về thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực... như các DNNVV khác, DN khởi nghiệp còn được nhận các hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ (Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng và thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ...); Hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ; Hỗ trợ về đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa...
Ngoài ra, DN khởi nghiệp còn được hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại các cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DN nhỏ và vừa; Hỗ trợ 50% phí tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung dành cho DN khởi nghiệp sáng tạo...
Cần tránh tư duy dựa dẫm
Chủ trương hỗ trợ DN khởi nghiệp của Đảng và Nhà nước đang được cộng đồng DN đón nhận tích cực. Theo các chuyên gia kinh tế, các DN khởi nghiệp cần tận dụng tốt các ưu đãi, hỗ trợ, tuy nhiên, cần tránh tư duy dựa dẫm vào Nhà nước.
Số lượng DN đăng ký kinh doanh trong thời gian qua là khá lớn nhưng thực tế các DN rút khỏi nền kinh tế cũng không ít, chỉ tính riêng năm 2017 ước tính có tới hơn 60.000 DN rút lui khỏi nền kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), với cơ chế thông thoáng như hiện nay, để hình thành một DN không khó nhưng để DN có thể tồn tại và phát triển thì không hề đơn giản trong bối cảnh sức ép cạnh tranh rất lớn đến từ mọi phía.
“Ngoài các ý tưởng và sáng kiến độc đáo, sáng tạo, người sáng nghiệp phải có các kỹ năng cần thiết khác”. Nhấn mạnh điều này, ông Thành cho rằng, ý tưởng chỉ chiếm 10% thành công, còn kỹ năng và kiến thức chiếm 90% và quyết định sự thành bại của DN.
Trong khi đó, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ “vốn mồi”… cho các DN khởi nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm thế nào để huy động nguồn lực của xã hội, từ khu vực tư nhân tham gia với Nhà nước hỗ trợ cho khởi nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng hiện nhiều DN vẫn đang loay hoay tìm hướng giải quyết.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia nhận định, các DN khởi nghiệp không nên “đứng một mình” mà phải liên kết để tồn tại và phát triển. Các DN này cần học hỏi lẫn nhau để có các bước đi phù hợp trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.