Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam và những tác động tới thu hút vốn FDI

TS. Nguyễn Thị Ngọc Loan – Học viện Ngân hàng

Cùng với quá trình đổi mới và phát triển kinh tế, thời gian qua, năng suất lao động của Việt Nam đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thành tích tăng năng suất lao động của Việt Nam chủ yếu theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu, phần lớn là do chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, chưa phải là cải thiện năng suất lao động trong nội tại từng ngành kinh tế. Một trong những giải pháp đặt ra đối với những nước đang trong giai đoạn đầu quá trình công nghiệp hóa như Việt Nam là cần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào các hoạt động dịch vụ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp có giá trị cao hơn, để tăng nhanh năng suất lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay

Số liệu thống kê cho thấy, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành ước đạt 92,1 triệu đồng, tương đương khoảng 4.100 USD/lao động, tăng 5,9% so với năm 2016, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,5% giai đoạn 2011-2016 và cao hơn nhiều so với mức tăng 3,45%/năm giai đoạn 2006-2010.

Như vậy, năng suất lao động của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể, tuy nhiên tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay không thể hiện sự vượt trội so với các nước Đông Á, Đông Nam Á khác và thấp xa so với Trung Quốc trong cùng kỳ (4,7% so với 9,07%). Cụ thể, mức tăng trên chỉ mới bằng 7% năng suất lao động của Singapore; 17,6% của Malaysia và chỉ tương đương với 87,4% của Lào.

Đáng chú ý, chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cũng cho thấy, khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối diện trong việc bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Khảo sát thực tế cho thấy, thành tích tăng năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng, chưa theo chiều sâu, bởi do phần lớn vẫn dựa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, chưa phải là cải thiện về năng suất lao động trong nội tại từng ngành kinh tế. So với nhu cầu phát triển, giới chuyên gia nhận định, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang rất thấp.

Với tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khoảng 4,7% giai đoạn 2011-2017, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tụt lại phía sau khi mà tốc độ tăng năng suất đang thấp hơn tốc độ tăng bình quân của GDP khoảng 6,21% cùng thời kỳ và cũng thấp hơn tốc độ tăng lương thực tế bình quân khoảng 12,59%/năm.

Điều này có nghĩa là chi phí sản xuất ở Việt Nam đang đắt đỏ hơn, tác động trực tiếp tới tính cạnh tranh của nền kinh tế, nguy cơ sụt giảm đà công nghiệp hoá khi nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ chuyển địa điểm sản xuất sang nước có chi phí rẻ hơn, tạo áp lực lớn lên tăng trưởng kinh tế.

Theo các chuyên gia, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam hiện nay còn chậm chủ yếu do những nguyên nhân sau:

Một là, xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, quy mô kinh tế còn nhỏ, quá trình đô thị hóa chậm...

Hai là, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế mặc dù theo hướng tích cực song vẫn còn chậm, các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ “mũi nhọn” như tài chính, tín dụng, du lịch còn chiếm tỷ trọng thấp.

Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam và những tác động tới thu hút vốn FDI  - Ảnh 1

Ba là, lao động trong khu vực nông nghiệp còn lớn, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu.

Phần lớn DN, đặc biệt là DN dân doanh đang sử dụng công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới, trong đó 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970; 75% số thiết bị đã hết khấu hao; 50% thiết bị là đồ tân trang.

Bốn là, hiện nay, khu vực DN chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng năng suất lao động của nền kinh tế. Trình độ công nghệ của DN còn lạc hậu, DN tham gia các hoạt động liên quan đến sáng tạo còn hạn chế, chưa tham gia sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên chưa tận dụng được tính lan toả của tri thức, công nghệ và năng suất lao động từ các công ty/tập đoàn xuyên quốc gia vào DN trong nước.

Vì vậy, việc tìm ra giải pháp thiết thực để tăng năng suất lao động có tác dụng quyết định đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Tác động qua lại giữa tăng năng suất lao động với thu hút vốn FDI

Nhiều nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm trước đây cho thấy, vốn FDI có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng năng suất lao động của nước nhận đầu tư và ngược lại mức tăng trưởng năng suất lao động của nước nhận đầu tư cũng tác động rất nhiều tới hoạt động đầu tư của DN FDI.

Trong đó, có thể kể tới 4 loại tác động được đề cập, đó là tác động do tương tác đầu ra-đầu vào giữa DN FDI và DN trong nước, xuất hiện nhờ liên kết xuôi hoặc/và liên kết ngược, tác động nhờ phổ biến và chuyển giao công nghệ, tác động nhờ tăng năng lực cạnh tranh và tác động nhờ nâng cao trình độ lao động trong quá trình được đào tạo và học hỏi kiến thức, kỹ năng từ DN FDI.

Theo Lê Văn Hùng (2017), ở khía cạnh tác động trực tiếp, vốn FDI giúp dịch chuyển cơ cấu lao động trong nước từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn. Các nước nhận đầu tư kỳ vọng rằng, các DN FDI với lợi thế về công nghệ, về thị trường, quản lý sẽ có mức tăng trưởng năng suất lao động cao hơn so với với khu vực trong nước.

Ở khía cạnh tác động gián tiếp, vốn FDI tạo ra hiệu ứng tràn về công nghệ và kỹ năng đối với khu vực nội địa thông qua liên kết sản xuất giữa 2 khu vực. Hơn nữa, sự hiện diện của khu vực FDI làm gia tăng áp lực cạnh trạnh buộc các DN nội địa phải đổi mới, cải tiến. Từ đó, khu vực FDI sẽ tạo ra hiệu ứng tràn cho khu vực nội địa và gián tiếp cải thiện năng suất lao động chung.

Đối với các nước đang phát triển, dòng vốn FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện năng suất lao động; Giúp dịch chuyển lao động từ khu vực truyền thống, năng suất thấp dịch chuyển sang khu vực hiện đại hơn. Sự dịch chuyển này có ý nghĩa quan trọng giúp cải thiện năng suất lao động trong ngắn hạn.

Tại Việt Nam, kể từ sau khi Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020, tăng trưởng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế đã dần được cải thiện, đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân giai đoạn 2014-2016 là 5,5%/năm.

Sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam trong những năm qua phản ánh một cuộc chuyển dịch từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ có năng suất cao hơn. Sự gia tăng của hoạt động đầu tư tư nhân trong nước và các dòng vốn FDI đã châm ngòi cho những chuyển biến đáng kể trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo – chế biến và dịch vụ.

Cùng với nguồn lao động tương đối rẻ, các nhân tố kể trên đã tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng kinh tế chắc chắn trên diện rộng trong những năm qua. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey, nguồn lao động ngày càng lớn và sự chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp chế tạo – chế biến và dịch vụ đã đóng góp hơn 2/3 mức tăng trưởng GDP của Việt Nam, khoảng 1/3 còn lại có được là nhờ việc nâng cao năng suất trong các ngành kinh tế.

Phân tích đóng góp vào tăng trưởng năng suất lao động từ dịch chuyển lao động và do năng lực của từng khu vực của Lê Văn Hùng (2017) cũng cho thấy, đóng góp vào tăng trưởng năng suất lao động của khu vực FDI phần lớn do đóng góp từ dịch chuyển lao động (chiếm tới 64% bình quân năm, giai đoạn 2006-2016), còn đóng góp vào tăng trưởng năng suất lao động do năng lực của chính khu vực này chiếm tỷ lệ nhỏ hơn rất nhiều.

Hay nói cách khác, đóng góp của khu vực FDI vào tăng trưởng năng suất lao động chủ yếu do thu hút lao động từ những khu vực có mức lao động tuyệt đối thấp sang làm việc hơn là đóng góp từ việc cải thiện năng lực sản xuất của chính khu vực FDI.

Những vấn đề đặt ra
trong tăng năng suất lao động và thu hút FDI

Bên cạnh thành tựu về tăng năng suất lao động, tạo động lực thu hút nguồn vốn FDI, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey cũng khẳng định, hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang đối diện với không ít những thách thức, đòi hỏi sự chuyển dịch sang một mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất.

Yếu tố nhân khẩu học thuận lợi từng đóng góp tới 1/3 mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quá khứ nhưng giờ đây đang suy yếu dần.

Theo dự báo của Chính phủ, giai đoạn 2010-2020, lực lượng lao động Việt Nam sẽ chỉ tăng 0,6%/năm, nghĩa là chỉ bằng gần 1/4 mức tăng 2,8%/năm trong những năm 2000 – 2010. Sự gia tăng lực lượng lao động vẫn sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế nhưng mức độ đóng góp sẽ thấp hơn nhiều so với thập niên trước.

Thị trường lao động đang có xu hướng dần thắt chặt. Giá lao động tại Bangladesh và Campuchia sau khi điều chỉnh tỷ giá hiện nay đều thấp hơn Việt Nam. Rõ ràng, một khi chi phí nhân công và giá cả tăng lên thì Việt Nam bắt đầu trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư FDI.

Để giữ nhịp tăng trưởng đạt được trong thời gian qua, Việt Nam cần bù đắp sự suy giảm lợi thế cơ cấu dân số vàng bằng cách tăng năng suất của nền kinh tế.

Muốn kinh tế tăng trưởng bình quân khoảng 7%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam cần đẩy nhanh 1,5 lần để đạt mức khoảng 6,4%/năm so với mức bình quân 4,1%/năm trước đây. Theo giới chuyên gia, đây là một thách thức vô cùng lớn, bởi khả năng nâng cao năng suất nhờ tái phân bổ lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ tất yếu sẽ suy giảm theo thời gian.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần sự đóng góp mạnh mẽ hơn nữa của yếu tố tăng trưởng năng suất trong từng ngành kinh tế. Một yêu cầu thiết yếu nữa nhằm để gia tăng nhanh chóng năng suất lao động chính là phải đảm bảo duy trì được nguồn vốn FDI.

Về mặt lý thuyết, dòng vốn FDI tác động đến năng suất lao động của Việt Nam, nhưng tác động tích cực chỉ xảy ra khi DN trong nước có đủ năng lực học hỏi công nghệ mới, hoặc có đủ năng lực cung cấp đầu vào cho DN nước ngoài. Ngược lại, năng suất lao động cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới vấn đề thu hút nguồn vốn FDI.

Do vậy, thời gian tới, Việt Nam cần phải nâng cao năng lực DN trong nước thông qua các dự án phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển nhà cung cấp cho cả DN trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần khuyến khích tăng cường cơ chế hợp tác, liên kết giữa DN trong nước và DN FDI. Việc thu hút FDI hiện nay thông qua nhiều công cụ ưu đãi nhưng cần phải gắn chặt với việc tạo dựng mạng lưới cung cấp trong nước...

Bên cạnh đó, hình thành một số cụm ngành để khai thác tác động lan tỏa của FDI ở một số ngành có dung lượng thị trường lớn, ví dụ như các ngành điện tử, chế biến thực phẩm, may mặc, da giày; Đồng thời, khuyến khích hoặc ra điều kiện về liên kết sản xuất, chuyển giao công nghệ của DN FDI trong những ngành này cho DN trong nước.           

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 339/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020;

2. TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh (2018), Tác động lan tỏa năng suất của đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam;

3. TS. Lê Văn Hùng (2017), FDI và tăng trưởng năng suất lao động ở Việt Nam - Ngụ ý đối với dòng vốn FDI từ EU;

4. Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (2012), Giữ nhịp tăng trưởng bền vững tại Việt Nam: Thách thức về năng suất.