Người dân nên giữ VND hay USD?
So với đầu năm, sóng tỷ giá VND/USD tiếp tục dâng cao với mức tăng chính thức đạt ngưỡng 1%, trong khi đó, lãi suất huy động VND các kỳ hạn ngắn đang dưới 5%/năm. Vậy, người có tiền nhàn rỗi nên giữ VND hay USD?
Những biến động từ kinh tế thế giới sẽ còn vẫn tiếp diễn, nhưng nhiều phân tích cho rằng tỷ giá của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục xu thế ổn định, và thích ứng ngày càng tốt hơn với các cú sốc từ bên ngoài. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng trước mắt việc giữ VND vẫn có lợi hơn.
Tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm
Chị Phạm Thị Nhị (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết đã theo dõi rất nhiều lần USD tăng rồi giảm, cũng như vàng lên rồi xuống chỉ mang tính chớp nhoáng, do có sự kiện liên quan nào đó của thị trường thế giới. “Thực tế, người dân mua bán đa phần bị thiệt. Vậy nên tôi nghĩ bảo toàn tài sản bằng VNĐ vẫn là an toàn nhất”, chị Nhị khẳng định.
Tương tự, nhiều người có tiền nhàn rỗi cũng vẫn quyết định giữ VND cho dù so với thời điểm đầu năm, hiện đồng VND mất giá khoảng 1%.
Chị Quỳnh Hoa (Gia Lâm - Hà Nội) cho biết: “Gửi VNĐ rõ ràng yên tâm hơn về lãi suất (lãi suất USD chỉ là 0%/năm), việc sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam cũng không được khuyến khích, tôi chỉ có nhu cầu mua ngoại tệ khi đi công tác ra nước ngoài, tâm lý găm giữ ngoại tệ đã giảm hẳn rồi”.
Phân tích về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng trước thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng VND tăng khoảng 0,7%. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, đồng VND mất giá cứ cho là 1% đi thì bù qua, bù lại có thể thấy từ đầu năm đến giờ, VND là khá ổn định.
Theo tính toán của ông Lực: “Bây giờ, nếu gửi tiền VND với kì hạn là 12 tháng thì vẫn được lãi suất 6%/năm, trong khi đó USD là 0%. Rõ ràng, nếu nắm giữ VND thì chúng ta vẫn là người thắng cuộc, trong tình huống lạm phát là 5%”.
Lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm, thậm chí sang cả đầu năm 2017, dù những biến động từ kinh tế thế giới vẫn đang tiếp diễn, nhưng tỷ giá của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục xu thế ổn định. Trong khi đó, lãi suất huy động USD là 0%, nên việc găm giữ ngoại tệ giảm mạnh và nắm giữ VND vẫn có lợi hơn.
Ông Phạm Thanh Hà - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, cho biết là hoạt động mua bán ngoại tệ của khách hàng trong thời gian gần đây, kể cả tại thời điểm tỷ giá được điều chỉnh tăng, vẫn diễn ra bình thường, không có hiện tượng mua trước ngoại tệ, găm giữ hay đầu cơ như trước đây. Điều đó cho thấy, thị trường đã tự xử lý, điều tiết.
Hiện, nguồn cung về ngoại tệ đang khá dồi dào, thặng dư thương mại của Việt Nam 10 tháng tăng trưởng tốt. Trong đó, xuất siêu đạt 3,2 tỷ USD, giải ngân vốn FDI cũng đạt khá với mức 12,7 tỷ USD... Ngoài ra, nguồn kiều hối được dự báo tăng khá, dự kiến đạt 14 tỷ USD.
Lãi suất huy động VND có tăng?
Sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá, cũng có lo ngại việc này sẽ tạo sức ép lên lãi suất. Tuy nhiên, các ngân hàng cho rằng việc tăng thêm lãi suất huy động VND trong thời điểm hiện nay là khó.
Hiện tại, lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn được các NHTM giữ ổn định. Yếu tố lớn nhất để hỗ trợ lãi suất hiện nay là thanh khoản tương đối dồi dào trong khi tín dụng tăng trưởng chậm, khách hàng lớn nhất là trái phiếu chính phủ đã hoàn thành chỉ tiêu huy động. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục chủ trương giảm lãi suất sâu thêm nữa.
Lãnh đạo một NHTM khẳng định: “Lãi suất chỉ tăng với điều kiện ngân hàng cần vốn, nhưng hiện thanh khoản của các ngân hàng đang rất tốt. Thậm chí, thời gian qua, các ngân hàng còn giảm lãi suất để hỗ trợ nhu cầu vay vốn của DN cuối năm. Do vậy, lúc này chưa có dấu hiệu tăng lãi suất huy động”.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy, hầu hết ngân hàng vẫn duy trì lãi suất huy động đã ban hành từ tháng 9. Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới một tháng được các ngân hàng công bố ở mức 0,3 - 0,5%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng ở mức 4,2 - 4,3%/năm, kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng ở mức 4,8%/năm, kỳ hạn từ 5 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 5%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng ở mức 5,3%/năm và kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng ở mức 5,5%/năm.
Trong khi đó, lãi suất cho vay ở các lĩnh vực ưu tiên được các ngân hàng áp dụng khoảng 6%/năm; Lãi suất cho vay trung và dài hạn ở mức 9 - 10%/năm
Mặc dù vậy, có ý kiến cho rằng nếu tỷ giá vẫn tiếp tục nóng, rất có thể dòng tiền nhàn rỗi sẽ chuyển kênh đầu tư, lúc đó, lãi suất huy động và cho vay sẽ phải tăng theo. Do vậy, giới tài chính cho rằng điều quan trọng nhất đối với Việt Nam là phải ổn định kinh tế vĩ mô, như thế sẽ góp phần ổn định tỷ giá và lãi suất.
Ngoài ra, động thái ngân hàng Nhà nướcvừa điều chỉnh linh hoạt, vừa phát ra thông điệp ổn định tỷ giá và thận trọng theo dõi sát diễn biến thị trường là hành động khôn ngoan nhằm ổn định thị trường trong bối cảnh biến động khó lường của tỷ giá hiện nay.