Người Việt ưa kênh mua sắm tiện lợi
Theo nghiên cứu mới nhất của Nielsen, nhu cầu của người tiêu dùng trên khắp khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đối với các kênh mua sắm tiện lợi đang đạt mức tăng trưởng kỷ lục, vượt tốc độ tăng trưởng của tất cả các kênh bán lẻ khác.
Trong năm qua, thị trường bán lẻ chứng kiến nhiều cuộc đổ bộ của các DN ngoại, nhưng Saigon Co.op vẫn trụ vững với doanh thu vượt kế hoạch. Đặc biệt là tổng công ty đã phát triển thêm hơn 160 điểm bán mới, bất chấp thị trường BĐS có nhiều biến động bất lợi cho việc phát triển mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam. Năm 2018 đánh dấu sự hiện diện của hơn 100 siêu thị Co.opmart trên toàn quốc, nâng tổng số điểm bán trên cả nước của Saigon Co.op lên hơn 650, đón hơn 1 triệu lượt khách hàng đến mua sắm mỗi ngày. Saigon Co.op còn được đánh giá là nhà bán lẻ thuần Việt có nhiều mô hình bán lẻ nhất hiện nay, phủ hầu hết phân khúc khách hàng của thị trường Việt Nam và phủ rộng trên 43 tỉnh, thành cả nước.
Đại diện Saigon Co.op cho biết, để đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường bán lẻ hiện nay, tiếp tục khẳng định vị thế nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam vào năm 2025, Saigon Co.op tập trung vào 3 lĩnh vực chính là phát triển mạng lưới, hàng hóa và logistics, xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp. Năm 2019, Saigon Co.op tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng lưới ở tất cả các mô hình, phấn đấu đạt 1.000 điểm bán vào cuối năm 2019; Tập trung mở rộng hệ thống bán lẻ chủ lực gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smiles, Cheers, trung tâm thương mại và phân khúc cao cấp.
Theo nghiên cứu mới nhất của Nielsen, nhu cầu của người tiêu dùng trên khắp khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đối với các kênh mua sắm tiện lợi đang đạt mức tăng trưởng kỷ lục, vượt tốc độ tăng trưởng của tất cả các kênh bán lẻ khác.
Cụ thể, doanh số của ngành tiêu dùng nhanh (FMCG) tại các cửa hàng tiện lợi tăng trưởng đạt mức 8,3% trong năm qua. Malaysia tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực (tăng 17%), tiếp theo là Việt Nam (tăng 13%), Philippines (tăng 10%), Indonesia (tăng 8%) và Thái Lan (tăng 7%). Số lượng cửa hàng dạng nhỏ cũng tăng trưởng theo cấp số nhân trong những năm gần đây - có gần 73.000 cửa hàng tiện lợi trên toàn khu vực vào năm 2018 và con số này đang tăng 10% mỗi năm; số lượng cửa hàng mini (mini-mart) ở khu vực là gần 50.000 cửa hàng, tăng trưởng 4,7% hàng năm. Riêng tại thị trường bán lẻ Việt Nam, hiện đang diễn ra xu hướng mua sắm thường xuyên, nhiều lần để đáp ứng nhu cầu hàng ngày. Điều này góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của các cửa hàng với hơn 1.800 cửa hàng mini toàn quốc (tăng 45,5% so với năm 2017).
Ông Vaughan Ryan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của Nielsen cho biết, nhịp sống của người tiêu dùng trên toàn khu vực ngày càng nhanh, và sự thay đổi này dẫn đến nhu cầu ngày càng cao dành cho các dịch vụ “lấy và đi”, từ đó thúc đẩy sự tăng trưởng của các kênh cửa hàng tiện lợi và cửa hàng mini. Đáng chú ý, 2 kênh này đóng vai trò khác nhau trong đời sống người tiêu dùng.
Các cửa hàng tiện lợi đã chuyển từ việc đơn thuần cung cấp các sản phẩm mang tính tùy hứng như đồ ăn nhẹ, đồ uống và thuốc lá, sang việc cạnh tranh với các nhà hàng thức ăn nhanh bằng cách mở rộng mặt hàng thực phẩm và thức ăn làm sẵn, cũng như thêm vào các dịch vụ và sản phẩm giúp cuộc sống người tiêu dùng dễ dàng hơn. Cửa hàng mini đang cung cấp sự tiện lợi trong việc mua sắm hàng ngày gần nhà, do người tiêu dùng có rất ít thời gian để mua sắm tại các cửa hàng quy mô lớn hơn, đặc biệt ở các thành phố đông đúc.
Các chuyên gia nhận định, triển vọng kinh tế khá tươi sáng ở Việt Nam dẫn đến nhu cầu mua sắm, tiêu dùng gia tăng nhanh chóng đang thu hút sự chú ý ngày càng lớn từ các công ty toàn cầu cũng như các công ty trong khu vực trong việc tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường. Tuy nhiên, cơ hội đó khó có thể nắm bắt được nếu các công ty không tìm hiểu kỹ nhu cầu và mong muốn của người tiêu dùng tại nước sở tại.
Với sự phát triển mạnh mẽ của internet và cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ khác nhau, người tiêu dùng đang trở nên thông minh hơn trong các quyết định mua hàng của mình. Đưa ra các dịch vụ phù hợp với thị hiếu và hành vi mua sắm của người tiêu dùng địa phương là điều quan trọng để các công ty có thể thành công.