Nguồn dầu thô trong nước đang suy giảm, cần quyết sách mạnh mẽ hơn
Để phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, Nhà nước cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn, phù hợp với khả năng thực tế của các doanh nghiệp và nhu cầu thị trường luôn biến động trong khu vực và trên thế giới.
Cơ hội rộng mở cho công nghiệp hoá dầu
Công nghiệp hoá dầu Việt Nam trong tương lai cũng không nằm ngoài xu hướng thế giới với việc kết hợp lọc và hóa dầu trong một nhà máy để tăng lợi nhuận với xu thế tăng dần hướng sản xuất các sản phẩm hoá dầu là điều hiển nhiên.
Các tổ hợp lọc hóa dầu sẵn có như Dung Quất, Nghi Sơn, Long Sơn… có thể chế biến các loại dầu thô có chất lượng thấp với giá rẻ hơn thành các sản phẩm lọc dầu sạch và ít gây ô nhiễm môi trường hơn; ngoài xăng dầu sẽ có thêm các loại nhựa đường, dầu nhờn, lưu huỳnh và nhiều chủng loại sản phẩm trung gian và thành phẩm hóa dầu mới.
Cụ thể, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có công suất lọc dầu 148 nghìn thùng/ngày (tương đương 6,5 triệu tấn/năm) và có thể xử lý 67 loại dầu thô khắp thế giới. Sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bao gồm xăng A92 và A95; nhiên liệu phản lực JET A1, nhựa đường, dầu ô tô diesel, dầu FO, khí ga hóa lỏng LPG, và nhựa polypropylene (PP).
Cơ cấu sản phẩm của NMLD Dung Quất gồm: Khí hóa lỏng LPG, Khí hóa lỏng Propylene, Xăng RON 92/A95/, Xăng E5/10, Dầu hỏa, Xăng máy bay Jet A1/JetA1K, Dầu DO/DO L62, Dầu FO, Hạt nhựa Polypropylene và Lưu huỳnh. Hàng năm, NMLD Dung Quất sản xuất ra khoảng trên 6,5 triệu tấn sản phẩm các loại và đáp ứng khoảng 30% nhu cầu năng lượng của Việt Nam.
Cho đến nay, các sản phẩm xăng, dầu của NMLD Dung Quất đã có mặt trên thị trường 10 năm, phục vụ hầu hết các ngành kinh tế trong nước, những sản phẩm này có chất lượng cao hơn hẳn so với quy định. Chất lượng các sản phẩm của NMLD Dung Quất được quản lý theo quy trình khép kín, các sản phẩm trước khi đưa ra thị trường phải đạt các tiêu chuẩn sản phẩm của Việt Nam và quốc tế.
Theo báo cáo của Solomon Associates – Công ty đánh giá có uy tín về hiệu quả của trên 85% nhà máy lọc dầu toàn cầu, NMLD Dung Quất là một trong những nhà máy lọc dầu có hiệu quả hoạt động cao ở vùng Châu Á - Thái Bình Dương. BSR đạt mức cao trên các thước đo hiệu quả chủ đạo của Solomon như độ sẵn sàng vận hành 94.1 %, công suất sử dụng 94.2%, và Chỉ số hiệu quả năng lượng của Nhà máy 111%.
Chế biến Dầu khí là một trong 5 lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), là một mắt xích quan trọng tạo nên chuỗi giá trị gia tăng hoàn chỉnh của ngành dầu khí Việt Nam từ khâu Tìm kiếm thăm dò, Khai thác - Khí - Điện - Chế biến & Phân phối sản phẩm và Dịch vụ dầu khí, cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho nền kinh tế đất nước như xăng dầu, phân bón, hóa chất, nhựa, xơ sợi…
Hàng năm, lĩnh vực chế biến dầu khí đóng góp khoảng 20%-25% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn, có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực quốc gia, góp phần bình ổn thị trường trong nước và thúc đẩy sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cùng với đó là các nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đã và đang sản xuất, cung cấp ra thị trường hàng năm khoảng 1,6 triệu tấn urê (chiếm khoảng 75% nhu cầu thị trường urê trong nước) và các sản phẩm phân bón khác như NPK, phân bón hữu cơ, vi sinh ứng dụng khoa học công nghệ cao… góp phần ổn định thị trường phân bón trong nước, hỗ trợ người nông dân trong sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ, được coi là đứa con đầu lòng của ngành hóa dầu đã phát triển và có đóng góp đặc biệt quan trọng vào nền nông nghiệp nước nhà. Sau hai thập kỷ vận hành đến nay, sản lượng urê đạt trên 14 triệu tấn. Với sự ra đời của Đạm Phú Mỹ, lần đầu tiên một công trình trọng điểm nằm trong Chương trình khí - điện - đạm của Nhà nước đạt được cả ba mục tiêu: Chất lượng, tiến độ và hiệu quả. Tiến độ xây dựng được hoàn thành trong 34 tháng. Chi phí đầu tư 380 triệu USD; so với tổng dự toán được duyệt là 445 triệu USD, tiết kiệm được 65 triệu USD; so với hạn mức đầu tư 486 triệu USD, tiết kiệm được 106 triệu USD.
Đối với Nhà máy Đạm Cà Mau, công suất 800.000 tấn urê/năm được xây dựng trên diện tích 52 ha tại địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, với tổng mức đầu tư 900,2 triệu USD. Công nghệ được áp dụng cho Nhà máy đều là các công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay, bao gồm: Công nghệ sản xuất Ammonia của Haldor Topsoe SA (Đan Mạch); công nghệ sản xuất urê của SAIPEM (Italy); công nghệ vê viên tạo hạt của Toyo Engineering Corp. (Nhật Bản). Hầu hết các thiết bị chính, quan trọng đều có xuất xứ từ EU/G7. Các tiêu chuẩn áp dụng cho nhà máy là các tiêu chuẩn quốc tế (ASME, API, JIS…) và các tiêu chuẩn bắt buộc về môi trường và an toàn, phòng chống cháy nổ của Việt Nam.
Ngoài ra, trong công nghiệp hoá dầu lĩnh vực dệt may có Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ đang sản xuất các sản phẩm sợi tái chế (sợi DTY tái chế) chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước và khu vực, có ý nghĩa bảo vệ môi trường. Tính đến nay, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đã sản xuất gần 10.000 tấn sợi DTY các loại, chất lượng sản phẩm loại AA hơn 92%, sản phẩm từ sợi tái sinh loại A đạt 90%. Đặc biệt, sau rất nhiều nỗ lực cải tiến công nghệ, nâng cao tay nghề cũng như ý thức kỷ luật trong lao động của đội ngũ công nhân, cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ SSFC, sản phẩm sợi DTY của VNPoly đã được nhiều hãng thời trang hàng đầu thế giới chấp thuận cho doanh nghiệp này trở thành nhà cung cấp sợi.
Điểm qua sự phát triển một số sản phẩm trong ngành công nghiệp hóa dầu cho thấy, về tổng thể, cơ hội và dư địa cho phát triển sản xuất hóa dầu tại Việt Nam rất có triển vọng. Theo nghiên cứu của Viện Dầu khí Việt Nam, với mức tiêu thụ trên đầu người chỉ bằng 1/5 so với thế giới thì nhu cầu các sản phẩm hóa dầu của Việt Nam vào năm 2035 là khoảng 10 triệu tấn, trong đó PE, PP, PVC, PET là các sản phẩm có mức tiêu thụ lớn nhất.
Hoá giải thách thách thức
Thách thức đối với NMLD Dung Quất thời gian ngắn, trung hạn và dài hạn là rất lớn. Đầu tiên là nguồn dầu thô ngọt trong nước đang suy giảm dần về sản lượng và chất lượng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp và Mở rộng NMLD Dung Quất lên 7,5 triệu tấn/năm. Còn Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn chưa có kế hoạch đầu tư mở rộng công suất. Cho đến nay, năng lực sản xuất xăng dầu và sản phẩm hóa dầu hiện tại và thời gian trước mắt chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu trong nước.
Theo Bộ Công thương, ước tính tới năm 2045, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 12 triệu tấn xăng dầu/năm và 3,5 triệu tấn sản phẩm hóa dầu/năm. Song Dự án Nâng cấp và Mở rộng NMLD Dung Quất lên 7,5 triệu tấn/năm không thuộc diện được cấp bảo lãnh Chính phủ, bởi vậy, chủ đầu tư phải xây dựng các phương án tài chính và tiếp xúc với các tổ chức tín dụng để thu xếp nguồn vốn. Dự án có quy mô đầu tư được phê duyệt trước đây là 1,8 tỷ USD, với cơ cấu 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay cũng được đề xuất 3 kịch bản là thu xếp từ các khoản vay nước ngoài, trong nước, đảm bảo bằng bảo lãnh vay vốn của Petrovietnam và khoản vay thứ cấp trực tiếp từ cổ đông Petrovietnam. Rất may, ngày 5/5/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định đồng ý chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo đó, tổng vốn của dự án NCMR NMLD Dung Quất sau điều chỉnh sẽ giảm xuống 1,257 tỷ USD. Điều đó đồng nghĩa với việc Dự án dễ thu sếp vốn hơn.
Mặc dù vậy, vẫn còn một số dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí, như: Chuỗi dự án khí - điện Lô B; Chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú I vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tiến độ chưa đạt như kỳ vọng và đang chờ các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.
Ngoài ra, NMLD Nghi Sơn nhận được nhiều ưu đãi về cơ chế chính sách nên thị trường tiêu thụ sản phẩm là thách thức dài hạn với BSR. Bên cạnh đó, yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn môi trường đòi hỏi phải nâng cấp chất lượng sản phẩm của NMLD Dung Quất từ EURO 2 lên EURO 5 theo lộ trình của Chính phủ.
Để phát triển ngành công nghiệp hoá dầu, Nhà nước cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn, phù hợp với khả năng thực tế của các doanh nghiệp và nhu cầu thị trường luôn biến động trong khu vực và trên thế giới. Do năng lực về công nghệ và tài chính có hạn, Việt Nam cũng cần hợp tác với các đối tác nước ngoài để có được công nghệ tiến bộ nhất có thể cũng như giảm bớt gánh nặng tài chính.
Dự thảo “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” đã đưa ra những quan điểm, định hướng chiến lược lớn cho ngành năng lượng Việt Nam, trong đó bao gồm rất nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với sự phát triển của ngành dầu khí trong thời gian tới.
Cụ thể, đối với lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; nâng cao hệ số thu hồi, tận thu các mỏ nhỏ, khối sót cận biên. Thực hiện tốt công tác quản lý các mỏ dầu khí, tối ưu và duy trì khai thác có hiệu quả các mỏ dầu khí đã đưa vào khai thác; đồng thời tiếp tục triển khai công tác phát triển và sớm đưa vào khai thác dự án Lô B&48/95 và 52/97, mỏ khí Cá Voi Xanh, Báo Vàng, Báo Trắng và các mỏ thuộc dự án khí Tây Nam...
Đối với lĩnh vực công nghiệp khí là phát triển lĩnh vực công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ tất cả các khâu: khai thác - thu gom - vận chuyển - chế biến - dự trữ - phân phối khí và xuất nhập khẩu sản phẩm khí; phát triển thị trường khí, chính sách giá khí, đẩy mạnh triển khai các dự án phát triển mỏ, khai thác, thu gom khí; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom, cung cấp, nhập khẩu khí, đặc biệt là hệ thống kho cảng LNG; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án công nghiệp khí.
Đối với lĩnh vực chế biến dầu khí là phát triển lĩnh vực chế biến dầu khí để đáp ứng nhu cầu trong nước, hướng tới mục tiêu xuất khẩu; tích hợp lọc dầu với hóa dầu, hóa chất để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm dầu khí; nghiên cứu thực hiện việc đầu tư cải tiến/nâng cấp sản phẩm, phát triển sản phẩm mới; duy trì vận hành ổn định, an toàn các nhà máy lọc dầu, đầu tư nâng cấp, mở rộng các nhà máy lọc dầu hiện hữu; nghiên cứu đầu tư các dự án hóa dầu/hóa chất mới gắn với các trung tâm chế biến dầu khí; nghiên cứu sản xuất hydro, sản xuất năng lượng tái tạo tích hợp với nhà máy lọc hóa dầu, hóa chất, phân bón, sử dụng làm nhiên liệu cho pin nhiên liệu, định hướng hoàn thiện chuỗi giá trị hydro khâu sau.
Đối với lĩnh vực tồn trữ và phân phối các sản phẩm dầu khí là phát triển hợp lý hệ thống phân phối xăng dầu nhằm bảo đảm lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ, đáp ứng toàn bộ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước; tăng cường các giải pháp gia tăng dự trữ về dầu thô và xăng dầu; khuyến khích sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và bảo vệ môi trường.