Nguồn nào “giải cứu” 11 dự án BOT giao thông đang vướng mắc?
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, khi “giải cứu” 11 dự án BOT giao thông đang vướng mắc sẽ phải huy động nguồn từ cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cùng với chia sẻ về lợi ích của nhà đầu tư và ngân hàng cho vay vốn.

Trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ vướng mắc một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến góp ý hoàn thiện, Bộ này đã đề xuất nguồn kinh phí để hỗ trợ, gỡ vướng cho 11 dự án.
Theo tờ trình của Bộ Xây dựng trình Chính phủ, trên cơ sở rà soát kỹ điều kiện cụ thể của từng dự án, các bên đã đàm phán, thống nhất giải pháp tháo gỡ vướng mắc.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất bố trí vốn nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng 7/11 dự án.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất bổ sung vốn nhà nước (giai đoạn khai thác) để bảo đảm hiệu quả tài chính và tiếp tục thực hiện hợp đồng 4/11 dự án.

Dự thảo cũng đề xuất cho phép bố trí khoảng 14.223 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2024 để tháo gỡ vướng mắc đối với 9/11 dự án.
Trong khi đó, địa phương chịu trách nhiệm bố trí khoảng 576 tỷ đồng ngân sách địa phương để tháo gỡ vướng mắc đối với 2/11 dự án thuộc thẩm quyền.
Cùng với nguồn lực từ Nhà nước, Bộ Xây dựng cũng đề nghị nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và bên cho vay có trách nhiệm chia sẻ điều chỉnh hợp đồng tín dụng, phương án trả nợ phù hợp với doanh thu thực tế của dự án; điều chỉnh giảm tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu, lãi suất vốn vay bảo đảm thời hạn vận hành, kinh doanh sau khi điều chỉnh không vượt quá thời hạn vận hành, kinh doanh theo hợp đồng dự án được ký kết giữa các bên.
Khi thực hiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn theo quy định tại các điểm a, b, đ khoản 2 Điều 52 Luật số 64/2020/QH14, đối với các dự án 5 - 11 nêu trên, Bộ Xây dựng đề nghị nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và bên cho vay có trách nhiệm chia sẻ.
Cụ thể, đối với vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, không tính lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong giá trị đề nghị thanh toán; đối với vốn vay, áp dụng mức lãi suất 4%/năm từ thời điểm dự án đưa vào vận hành đến thời điểm cấp có thẩm quyền quyết định chấm dứt hợp đồng dự án.
Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, tính đến trước thời điểm Luật PPP được ban hành (năm 2020), cả nước có 140 dự án theo hình thức hợp đồng BOT. Trong tổng số 140 dự án BOT cả nước, có 11 dự án cần có giải pháp tháo gỡ như đã đề cập phía trên. Trong đó, Bộ Xây dựng đang quản lý 8 dự án, địa phương quản lý 3 dự án./.