Nhà đầu tư "săn hàng" khi sắp có dòng tiền lớn đưa ra thị trường bất động sản
Trao đổi với Tạp chí Tài chính, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản (BĐS) Hà Nội cho biết, hiện nay, trên thị trường BĐS có hiện tượng nhà đầu tư tranh thủ mua hàng khi giá bán các sản phẩm BĐS đã xuống đáy để đợi thời cơ sẽ “thoát hàng”. Theo xu thế, giá bán các sản phẩm BĐS sẽ có chiều hướng đi lên khi các chính sách tháo gỡ khó khăn dần “thẩm thấu” vào thực tiễn cuộc sống.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về thị trường BĐS, kể cả khi giá bán giảm các giao dịch bán các sản phẩm trên thị trường vẫn còn “thưa thớt”?
Ông Nguyễn Thế Điệp: Trong giai đoạn vừa qua, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã đã có nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy thị trường BĐS phục hồi trở lại, nhưng chúng ta thấy thị trường vẫn còn trầm lắng.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do hiện nay các cấp có thẩm quyền đang xem xét, sửa đổi điều chỉnh các chính sách như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và các chính sách tín dụng khác. Việc hoàn thiện chính sách này gây ra tâm lý chờ đợi, nghe ngóng thêm của người dân, nhà đầu tư.
Bên cạnh đó là việc tiếp cận tín dụng của các chủ thể tham gia thị trường, đặc biệt là người bán và người mua gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù các chủ đầu tư ra hàng rất ít, nhưng việc bán các sản phẩm trên thị trường còn gặp không ít khó khăn.
Một nguyên nhân khác là trước đây nhiều chủ đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn, đến hiện nay việc chủ đầu tư, doanh nghiệp không còn giữ được hàng nên phải bán ra. Điều này cũng ảnh hưởng tới thị trường.
Những lý do trên cho thấy, mặc dù rất ít hàng nhưng giá bán không cao, ngoại trừ phân khúc nhà chung cư giá bán vẫn tăng.
Có thể nói, thị trường BĐS Việt Nam có tiềm năng phát triển rất tốt. Tuy nhiên, thị trường này cũng có chu kỳ của nó. Theo quan sát, thời gian qua, thị trường phát triển quá “nóng” nên Chính phủ cũng có điều tiết về mặt vĩ mô để làm sao thị trường “hạ nhiệt”. Trong thực thi cơ chế, chính sách vĩ mô, nhiều khi chúng ta điều tiết kịp thời, nhịp nhàng phù hợp với thị trường thì sẽ diễn ra thăng bằng.
Nếu như một trong những chính sách vĩ mô bất cập thì lập tức thị trường sẽ “down” xuống. Từ vấn đề này cho thấy, cần phải điều tiết vĩ mô tốt hơn để các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, từ đó giúp thị trường phát triển ổn định, bền vững.
Chúng ta cũng không nên quá nóng vội, nhưng cũng không quá bi quan, phải bình tĩnh để đưa ra các giải pháp hữu hiệu, phù hợp với thị trường BĐS hiện nay.
Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, khi các sản phẩm đồng loạt giảm giá bán, nhiều nhà đầu tư tranh thủ mua vào, để đợi thời cơ thị trường sôi động sẽ “thoát hàng”. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Ông Nguyễn Thế Điệp: Tôi cho rằng, hiện tượng nhà đầu tư tranh thủ mua hàng khi thị trường trầm lắng là có. Tất nhiên, hiện nay, giá bán các sản phẩm BĐS trên thị trường đã xuống đáy và đang có chiều hướng đi lên khi có các cơ chế, chính sách tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường như Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Nghị quyết này đã tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS một cách đồng bộ, toàn diện.
Bên cạnh đó là các cấp có thẩm quyền đã ban hành nhiều chính sách gỡ “nút thắt” cho thị trường BĐS trong thời gian qua. Nếu như các chính sách này đi vào thực tiễn cuộc sống ngay, thì thị trường BĐS phục hồi rất nhanh.
Chính vì lẽ đó, nhiều người nắm bắt cơ hội này, cộng thêm tới đây dòng tiền sẽ đưa ra thị trường rất lớn. Ví dụ như: Giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương sẽ tăng mạnh vào thời điểm cuối năm; Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay... Đây là gói tín dụng rất lớn sẽ tác động, tạo chuyển biến tích cực cho tiến trình phục hồi của thị trường BĐS trong thời gian tới.
Phóng viên: Dự báo, thị trường BĐS sẽ phục hồi và quay trở lại trạng thái bình thường vào thời điểm nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Điệp: Từ những phân tích về các yếu tố ở trên, tôi cho rằng, vào thời điểm giữa năm 2024, thị trường BĐS có thể đi vào hoạt động ổn định và có chiều hướng đi lên khi các chính sách hỗ trợ đã dần “thẩm thấu” vào thực tiễn cuộc sống.
Còn trong năm nay, thị trường sẽ vẫn ở trạng thái trầm lắng, do tâm lý nhà đầu tư còn nghe ngóng, thận trọng để chờ các chính sách mới được ban hành hoặc thông qua như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) và các chính sách hỗ trợ tín dụng khác.
Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất gỡ “nút thắt” của thị trường BĐS hiện nay là các chính sách vĩ mô được ban hành phải đồng bộ, hợp lý mới tạo động lực thúc đẩy thị trường phục hồi nhanh chóng.
Phóng viên: Để thị trường BĐS phát triển ổn định, minh bạch và bền vững, ông có những khuyến nghị gì đối với cơ quan quản lý nhà nước, cũng như đối với doanh nghiệp BĐS?
Ông Nguyễn Thế Điệp: Để duy trì và tồn tại trong khi thị trường BĐS vẫn còn nhiều yếu tố bất cập, tôi cho rằng, các bên cần chung tay giải quyết kịp thời để hóa giải “nút thắt” của thị trường.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần có cơ chế, chính sách đồng bộ, kịp thời trong giai đoạn hiện nay khi đại bộ phận doanh nghiệp BĐS đang rất “đuối sức” hoặc không tiếp cận được với tín dụng do không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn. Rõ ràng, trong giai đoạn này phải có cơ chế mang tính cởi mở như nới tín dụng phải đi vào thực tế cuộc sống.
Các cấp chính quyền địa phương phải chủ động vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách; tín dụng; đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia thị trường.
Đặc biệt, do BĐS là lĩnh vực đặc thù cần nguồn vốn rất lớn, nên cần có cơ chế để các doanh nghiệp được huy động các nguồn lực khác, thậm chí cả nguồn lực đầu tư nước ngoài.
Đối với các doanh nghiệp, cần phải đi theo xu thế của tình hình mới như phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh. Rõ ràng, trong bối cảnh thay đổi thì các doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy, kịp thời nắm bắt theo xu thế để tồn tại và phát triển.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BĐS cần cắt giảm tối đa các chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường và thích ứng với xu thế mới. Có thể các doanh nghiệp nắm bắt phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ hoặc chung cư ở các đô thị, do đây là nhu cầu thiếu yếu trong giai đoạn đô thị hóa rất cao nên đi theo xu thế thì sẽ chiến thắng.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!