Các chính sách “thẩm thấu” giúp thị trường bất động sản khởi sắc vào giữa năm 2024
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ khởi khắc vào giữa năm 2024 khi các chính sách hỗ trợ bắt đầu “thẩm thấu”; lãi suất cho vay giảm về mức thấp... Các yếu tố này góp phần khơi thông các nút thắt, giúp thị trường BĐS phục hồi.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Tài chính, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam mới phát triển nên đang trải qua quá trình sàng lọc mạnh mẽ giữa các chủ thể tham gia thị trường. Chính vì vậy, thị trường sẽ có những khó khăn theo chu kỳ.
Mặc dù, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã có nhiều động thái “bơm oxy” nhưng đến nay thị trường BĐS vẫn trầm lắng, do tâm lý thận trọng chờ đợi thị trường phục hồi của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
“Nút thắt lớn nhất đối với thị trường BĐS hiện nay là việc thực thi, đưa các chính sách vào cuộc sống. Kể từ khi ban hành chính sách, đến khi thực thi chính sách còn có độ trễ nhất định, điều này gây không ít khó khăn cho các chủ thể tham gia thị trường BĐS”, ông Nguyễn Thế Điệp cho biết.
Tuy nhiên, Lãnh đạo Câu lạc bộ BĐS Hà Nội đưa ra nhận định lạc quan và triển vọng tươi sáng đối với thị trường BĐS trong thời gian tới khi vượt qua được chu kỳ khó khăn.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp, thị trường BĐS sẽ khởi sắc trở lại vào giữa năm 2024 khi các chính sách hỗ trợ đã được ban hành bắt đầu “thẩm thấu” vào thị trường, giúp các chủ thể, đặc biệt là các nhà đầu tư có thêm niềm tin rót vốn vào các dự án, sản phẩm có tiềm năng sinh lời tốt.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần đầu tư BĐS Toàn cầu GP. Invest cho rằng, các doanh nghiệp BĐS đều thấy rõ tác động to lớn của các biện pháp đồng bộ quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS như việc giãn nợ trái phiếu, tháo gỡ thể chế, nguồn vốn, định giá, quy hoạch, lãi suất ngân hàng…
Tác động của các chính sách, biện pháp đó đã giúp thị trường BĐS bớt ảm đạm hơn. Nhiều chủ đầu tư đã có tín hiệu phục hồi, mặc dù số doanh nghiệp BĐS phải giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Điều quan trọng là việc triển khai Nghị quyết số 33/NQ-CP đã cởi bỏ được tâm lý e ngại, mất niềm tin của thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp nhận định, những nút thắt về chính sách dần được tháo gỡ sẽ góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển minh bạch, ổn định, bền vững hơn.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, Công ty cổ phần WiGroup vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023, trong đó đưa ra dự báo về triển vọng thị trường BĐS.
Theo WiGroup, một trong những tín hiệu dự báo ngành BĐS khởi sắc là lãi suất cho vay giảm về mức thấp hơn sẽ là động lực chính cho toàn ngành vực dậy. Lãi suất huy động đã điều chỉnh từ quý I/2023 nhưng diễn biến lãi suất cho vay có độ trễ.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý được tháo gỡ giúp khơi thông nguồn cung BĐS. Phân khúc nhà ở xã hội có thể là “chất xúc tác” cho ngành BĐS khi mà phân khúc này được hưởng lợi từ nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
“Sự phục hồi của thị trường BĐS nói chung và ngành BĐS dân cư nói riêng sẽ rơi vào khoảng nửa cuối năm 2024 khi mà những chính sách hỗ trợ bắt đầu thẩm thấu”, báo cáo của WiGroup nhận định.