Nhà đầu tư tiến thoái lưỡng nan: Tiếp tục nắm giữ hay chốt lời
Với việc giá các tài sản tăng mạnh và chỉ số S&P 500 lên những đỉnh cao mới, nhà đầu tư đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: tiếp tục nắm giữ hay chốt lời.
Giá cổ phiếu, giá vàng, giá trái phiếu đều đồng thời ghi nhận mức cao kỷ lục lần đầu tiên trong lịch sử, trong khi giá dầu, cổ phiếu tài chính, đồng euro từng sụt giảm mạnh trước đó cũng đều đang tăng nhanh. Chỉ số S&P 500 đã tăng 50% so với mức thấp nhất vào cuối tháng 3.
“Chúng ta đang giao dịch trong giai đoạn tất cả mọi thứ đều tăng. Có rất ít người thua lỗ và chỉ có những người chậm chạp”, Christopher Stanton, Giám đốc đầu tư tại Sunrise Capital Partners cho biết.
Trong khi nhiều nhà đầu tư không dễ dàng sở hữu những tài sản giá trị hoặc đang tăng mạnh lên mức kỷ lục, việc nắm giữ nhiều tiền mặt hoặc phân bổ nhiều vào cổ phiếu có hiệu suất kém khiến danh mục đầu tư không hiệu quả so với mức tăng của thị trường chung.
Bên cạnh đó là lo ngại về khả năng thị trường đảo chiều khiến các tài sản tăng giá mạnh bị bán tháo.
Hành động thị trường như vậy đã được nhìn thấy vào nhiều thời điểm trong đợt bán tháo được thúc đẩy bởi Covid-19 vào tháng 3 khiến giá cổ phiếu, trái phiếu, vàng đều sụt giảm và nhà đầu tư tăng cường nắm giữ tiền mặt.
Tiếp tục nắm giữ
Nhiều nhà đầu tư tin rằng, đà tăng của thị trường có thể sẽ tiếp tục miễn là Fed vẫn tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp và các biện pháp kích thích vẫn được bơm vào nền kinh tế, điều này giúp nhiều thứ được hưởng lợi, từ cổ phiếu công nghệ đến hàng hoá như giá vàng hay giá dầu.
Nhưng các nhà đầu tư lo lắng rằng cổ phiếu công nghệ ngày càng chi phối chỉ số S&P 500. Theo dữ liệu IBES từ Refinitiv, nhóm cổ phiếu công nghệ và viễn thông chiếm khoảng 39% vốn hoá thị trường của S&P 500.
“Chúng tôi vẫn thích các doanh nghiệp tập trung vào công nghệ và tạo ra hiệu quả trong một thế giới hậu Covid”, Conor Delaney, Giám đốc điều hành mạng lưới tư vấn tài chính Good Life Companies cho biết.
Trong khi đó, việc chỉ số Dollar Index giảm 9% so với mức cao nhất trong năm nay đã giúp vàng được hưởng lợi khi vàng được tính bằng đồng USD và trở nên rẻ hơn đối với người mua nước ngoài khi đồng USD giảm giá.
George Gero, Giám đốc điều hành của RBC Wealth Management, đã định kỳ khuyên khách hàng tăng phân bổ vào vàng để phòng ngừa các rủi ro từ bất ổn chính trị đến lạm phát tăng trong tương lai.
Giảm tỷ trọng
Một số nhà đầu tư khác có quan điểm rằng nên bán ngay bây giờ và chờ đợi mọi thứ rẻ hơn.
Các nhà phân tích tại Bank of America Global Research lưu ý rằng tháng 8 là khởi đầu cho giai đoạn 3 tháng yếu nhất trong năm đối với cổ phiếu khi lợi nhuận trung bình trong lịch sử là khoảng 0% theo dữ liệu của ngân hàng.
Bank of America cho biết, các nhà đầu tư đã rút ròng 6,5 tỷ USD ra khỏi cổ phiếu Mỹ trong tuần trước, mức rút ròng lớn nhất trong 1,5 tháng qua.
“Chúng tôi đã nói với các nhà đầu tư của mình rằng họ nên giảm tỷ trọng cổ phiếu dần một cách từ từ và thận trọng”, Sebastien Galy, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại Nordea nói.
Cổ phiếu giá trị
Một số khác nhà đầu tư có khuynh hướng chuyển sang cổ phiếu giá trị vốn tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm về kinh tế và có xu hướng tăng mạnh trong thời gian phục hồi sau suy thoái.
Solomon Tadesse, người đứng đầu chiến lược cổ phiếu định lượng khu vực Bắc Mỹ tại Societe Generale cho biết: “Sự phục hồi của các cổ phiếu giá trị trong quá khứ thường đi kèm với sự sụt giảm của các cổ phiếu tăng theo xu hướng”.
Xu hướng như vậy từng diễn ra 3 tháng trong năm 2019, các cổ phiếu giá trị tăng 25% trong khi các cổ phiếu tăng theo xu hướng giảm 30%.
“Đó là một khoảng thời gian ngắn và nếu bạn bỏ lỡ nó, bạn sẽ mất cơ hội”, ông nói.