Nhà ở xã hội cần Nhà nước duyệt giá và quy định giá trần

PV (t/h)

Phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc bày tỏ quan điểm, nhà ở xã hội phải do Nhà nước quyết định giá và quy định giá tối đa cho doanh nghiệp đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Nhà nước phải quyết giá với nhà ở xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị Nhà nước phải quyết giá với nhà ở xã hội.

Ngày 5/6/2023, sau phiên họp tại Hội trường để lắng nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trình bày tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về Luật Nhà ở (sửa đổi). Đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi luật này, đặc biệt là vấn đề về xác định giá bán, thuê, cho thuê nhà ở xã hội nhận được sự quan tâm lớn của nhiều đại biểu Quốc hội.

Bày tỏ quan điểm tại Tổ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, có 2 loại nhà ở xã hội là nhà ở do Nhà nước đầu tư và nhà ở từ nguồn vốn xã hội hóa, tức do doanh nghiệp đầu tư. Theo Bộ trưởng, nếu nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư thì dự thảo cần quy định rõ UBND tỉnh có thẩm quyền giao chủ đầu tư thực hiện và là “người quy định giá bán và giá thuê”.

Tuy nhiên, với nhà ở xã hội do doanh nghiệp đầu tư, dự thảo Luật sửa đổi chưa quy định rõ ai quyết định giá bán. Do đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ rõ, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư nhưng Nhà nước giao đất sạch, không thu tiền sử dụng đất thì Nhà nước phải khống chế mức giá bán tối đa thì mới bán và cho thuê đúng đối tượng, nếu không sẽ rơi vào “kênh” nhà ở thương mại.

“Nhà nước phải quyết giá với nhà ở xã hội. Dự án do Nhà nước đầu tư thì bán đúng giá, còn doanh nghiệp đầu tư thì phải quy định giá tối đa. Khi có giá tối đa thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm hơn, có lời hơn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị, phí bảo trì và quản lý nhà ở xã hội phải giao cho UBND tỉnh ban hành, nếu không thì mỗi khu chung cư lại đặt ra một mức phí. Nhà ở xã hội trước đây quy định không quá 5 tầng nên chỉ đi cầu thang bộ, nhưng giờ phải đi thang máy và các hạ tầng hiện đại hơn, đòi hỏi bộ máy quản lý phải chuyên nghiệp.

Trước đó, tại hội trường, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở. Tuy nhiên, theo Ủy ban Pháp luật, để kiểm soát chặt chẽ giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, thì cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ các chi phí hợp lý khác được tính vào giá bán hoặc phải quy định các nguyên tắc, điều kiện để chi phí có thể coi là hợp lý, hợp lệ khi tính vào giá bán.

Được biết, dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về Luật Nhà ở (sửa đổi) vào ngày 19/6/2023.