Nhà ở xã hội nên thay thế bằng nhà ở thương mại giá rẻ
Sau khi gói 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội đã kết thúc, tín dụng cho nhà ở xã hội đang là một vấn đề nan giải. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng nên khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá rẻ thay cho nhà ở xã hội.
Theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu cả nước đầu tư xây dựng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại đô thị; Đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp; Hỗ trợ cho khoảng 500.000 hộ gia đình theo chuẩn nghèo mới tại khu vực nông thôn.
Khó đạt được mục tiêu
Tính đến cuối năm 2016, cả nước mới đáp ứng được 28% nhu cầu nhà ở xã hội. Tuy nhiên, đạt được mục tiêu trên là vô cùng khó khăn và khó khả thi, bởi thời gian thực hiện chỉ còn hai năm nữa.
Theo các chuyên gia, nguồn vốn đang là một cản trở lớn đối với việc thực hiện mục tiêu xây nhà ở xã hội. Khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc cũng là lúc phân khúc nhà ở xã hội đang gặp phải bế tắc.
Tại kỳ họp Quốc hội thứ 4 khoá XIV, trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu quốc hội đoàn Bình Thuận về các hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện nhà ở xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã chỉ định 4 ngân hàng thương mại tham gia cho vay nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc cho vay đến nay vẫn chưa thực hiện được, do trong thời gian qua, ngân sách nhà nước vẫn còn khó khăn trong việc bố trí cấp vốn.
Ông Đào Anh Tuấn, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội, cũng chia sẻ, theo kế hoạch, vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, Chính phủ sẽ bố trí cho ngân hàng này 1.062 tỷ đồng để cho vay nhà ở xã hội, nhưng cho đến nay, số vốn trên vẫn chưa được giao để thực hiện.
Kế hoạch năm 2018, Nhà nước sẽ giao cho Ngân hàng chính sách xã hội 500 tỷ đồng. Khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn, ngân hàng này sẽ phải chủ động xây dựng phương án tự huy động khoảng 500 tỷ đồng để thực hiện chương trình nhà ở xã hội trong năm 2018.
Tại diễn đàn bất động sản thường niên lần thứ nhất, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết trong quá trình phát triển nhà ở xã hội, khi gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, khó khăn đầu tiên gặp phải là tìm ra nguồn vốn tiếp theo.
Hiện ngân sách nhà nước dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội và người có công với cách mạng. Trong đó, hơn 800 tỷ đồng phân bổ cho hỗ trợ nhà ở cho người có công, còn hơn 1.264 tỷ đồng cho hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.
Trong khi đó, theo chiến lược phát triển nhà đến năm 2020, hàng loạt các chương trình nhà ở như nhà vượt lũ, hỗ trợ hộ nghèo khu vực nông thôn về nhà ở, nhà ở cho người thu nhập thấp ở thành thị, nhà ở cho công nhân, nhà ở cho sinh viên,… nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ chắc chắn chỉ như “muối bỏ bể”.
Khuyến khích nhà ở giá rẻ
Ông Vũ Văn Phấn cho biết, trong chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030, bên cạnh việc tập trung phát triển nhà ở xã hội vẫn phải triển khai phát triển nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng có khả năng chi trả theo cơ chế thị trường.
“Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc đầu tư phát triển nhà ở thương mại nói chung và nhà ở thương mại giá rẻ nói riêng đang được thực hiện theo cơ chế thị trường. Nhà nước không có các chế độ ưu đãi như đối với nhà ở xã hội” – ông Phấn cho hay
Không đồng tình với quan điểm trên, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng hiện nay nên khuyến khích phân khúc nhà ở giá rẻ chứ không nên tính chuyện phát triển phân khúc nhà ở xã hội.
“Hiện nay hết gói 30.000 tỷ đồng là dừng, không ngân sách nào chịu nổi. Vì vậy, chúng ta phải chuyển sang nhà ở thương mại giá rẻ”, GS. Võ khuyến nghị.
Thực tế, phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ có động lực cho thị trường phát triển, không ỷ lại vào ngân sách nhà nước, doanh nghiệp sẽ tự chèo chống. Nhà nước chỉ đứng bên cạnh hỗ trợ bằng chính sách là đủ.
“Giảm thuế, hỗ trợ thủ tục hành chính là một trong những chính sách rất quan trọng. Nó sẽ kích thích doanh nghiệp đầu tư, giúp người nghèo thu nhập thấp mua được nhà giá rẻ”, GS. Võ khẳng định.
Trong khi phân khúc nhà ở cao cấp dư thừa, nhà ở xã hội tín dụng hạn chế, thì nhà ở thương mại giá rẻ vẫn còn rất nhiều dư địa phát triển.
Để dư địa này được mở rộng, Nhà nước phải định vị lại việc phát triển nhà ở xã hội đó là cần có tổng kết 10 năm thực hiện để đánh giá nên làm gì, thay đổi chính sách theo hướng nào, có đủ sức phát triển không…